“ĐỌC ĐƠN MÀ RỚT NƯỚC MẮT!”
Dẫn đầu đoàn khảo sát là ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi và ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước. Tại vùng chăn nuôi heo trọng điểm huyện Trảng Bom và Thống Nhất (Đồng Nai), người chăn nuôi đang rơi cảnh túng quẫn vì giá heo liên tục xuống thấp, hầu hết các hộ phải thu hẹp sản xuất, một số phải treo chuồng vì thua lỗ, nợ nần.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nói: “Chúng tôi vừa mới đi hỏi thăm bà con có một vòng mà nhận tới hơn 60 lá đơn kêu cứu rồi. Đọc đơn thư của họ mà rớt nước mắt, nhiều hộ lo lắng vì thua lỗ không có tiền trả nợ, nhiều hộ thì buồn bã vì sắp phải bỏ nghề chăn nuôi đã gắn bó bao đời nay”. Tại huyện Thống Nhất (huyện có đàn heo lớn nhất nước), gần 500 hộ đang “đánh vật” với đàn heo lớn lên tới 250.000 con (trong đó có 25.000 nái) vẫn phải cắn răng xuất bán từ 1.000 đến 1.500 con heo thịt/ngày dù giá bán lỗ chỏng gọng. Nhiều tuần qua giá heo chỉ dao động ở mức 36 - 37 triệu đồng/tấn (heo loại tốt nhất cũng chỉ 38 - 38,5 triệu đồng/tấn), trong khi giá thành sản xuất đã đội lên 40 - 41 triệu đồng/tấn.
Ông Đoán cho biết, thậm chí ngay sau Tết Nguyên đán, có tới 30% tổng đàn heo tại huyện Thống Nhất trở thành heo “quá lứa” (1,2 - 1,6 tạ/con) do bên Trung Quốc ngừng mua. Trước đó, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 xe tải về đây gom heo đưa qua Trung Quốc, nhưng từ sau Tết đến giờ gần như vắng bóng. Vì thế, người dân buộc phải bán số heo “quá lứa” này với giá rẻ thê thảm, 30 - 32 triệu đồng/tấn.
Thậm chí, ngay cả những hộ chăn nuôi heo tên tuổi của đất Đồng Nai hay Bình Dương chưa bao giờ biết nếm mùi cay đắng, thì những ngày qua cũng “phát sốt, phát rét”, thậm chí manh nha ý định đóng chuồng. Hộ anh Nguyễn Văn Oanh (ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) trước đây luôn duy trì trong chuồng gần 300 heo nái và trên 2.000 heo thịt. Nhưng sau cú sốc giá rớt, dịch bệnh tai xanh triền miên năm 2012, đến giờ cố lắm cũng phải để “bay” mất 50% tổng đàn.
Bộ NN-PTNT đang rốt ráo phối hợp với các Bộ, ngành tìm cách giúp người chăn nuôi
Anh Oanh nói: “Đến thời điểm này tôi đang nợ đại lý vật tư nông nghiệp hơn 1 tỷ đồng mà chưa xoay trả được. Cỡ như tôi có trang trại lớn, có máy móc tự trộn cám, có hầm biogas phát điện, có máy tự nén phân để bán thêm, đồng thời lại có mối lái đầu ra ổn định, vậy mà cũng không trụ nổi thì hỏi sao người nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ có thể sống chứ!”. Chính vì thế mà tại xã Bắc Sơn, nhiều hộ chăn nuôi đang rao bán trang trại để lấy tiền chuyển đổi nghề khác. Các hộ chăn nuôi bài bản như anh Oanh cố gắng trụ lại thì phải gánh nợ nần, chưa biết bao giờ trả được. Tương tự, đàn heo 150 heo nái và 450 heo thịt của ông Nguyễn Hữu Nhiệm (ấp 4, xã Tân Lập, huyện Tân Uyên, Bình Dương) đang “ăn” vào tiền bán cây tràm từ nhiều tuần qua. Ông Nhiệm cho biết: “Gia đình phải dùng tiền bán tràm để “gánh” cho đàn heo vì giá bán quá thấp, trung bình lỗ 1,5 - 2 triệu đồng/tấn. Thậm chí mấy ngày trước tôi có lô heo 80 con đến kỳ xuất chuồng gọi thương lái vào mua, họ cứ khất lần mãi khiến heo tăng trọng lên 1,2 tạ, lúc bán lại bị họ kiếm cớ bớt thêm 3 triệu đồng mỗi tấn”.
DÂN KÊU CHÍNH SÁCH
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai khẳng định: Đồng Nai được xem là nơi chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhất cả nước cũng đang rầm rộ rao bán chuồng trại. Nếu việc giải cứu đến chậm chắc chắn sẽ dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền toàn ngành chăn nuôi.
Đặc biệt, ngoài giá bán đang quá bất lợi, vấn đề lớn của người chăn nuôi hiện nay là việc tiếp cận vốn ngân hàng vô cùng khó khăn. Hiện các chính sách hỗ trợ đều tập trung vào 5 ngân hàng nhà nước, người nông dân không thể vay vốn do vướng thủ tục thế chấp như chưa có sổ đỏ, quyền sở hữu công trình hoặc tài sản trên đất. Cá biệt một số hộ tiếp cận được thì vốn cũng rất hạn chế, không còn sức chống đỡ, buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc bỏ nghề. Để cứu người chăn nuôi, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước mời các ngân hàng cùng ngồi lại, xem xét khoanh và giãn nợ cho các hộ chăn nuôi; đồng thời tiếp tục có chính sách linh hoạt cho vay vốn để duy trì sản xuất. Ngoài ra, việc đánh thuế VAT 5% trên TĂCN hiện nay không còn phù hợp (vì không có nước nào áp dụng) khiến giá TĂCN của nước ta vốn cao lại càng thêm ngất ngưởng (cao hơn các nước từ 10 - 15%).
Liên quan đến vấn đề bình ổn giá thịt heo, gà thời gian qua, nhiều nông dân kêu rằng “quá bất hợp lý”. Nông dân Nguyễn Hữu Nhiệm nói: “Cả năm 2012 người chăn nuôi thua lỗ, nhưng đến dịp cuối năm giá heo lên cao, chúng tôi hy vọng gỡ lại được chút ít thì nhà nước lại bình ổn giá. Dù lượng thịt heo bình ổn không nhiều, nhưng nó lại dẫn dắt thị trường khiến giá heo sụt giảm và nông dân lại phải gánh chịu giá bán thua lỗ ngay từ sau Tết Nguyên đán đến nay”. Vì thế, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị cơ quan chức năng dùng quỹ bình ổn giá hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi. Cụ thể, Hiệp hội sẽ kêu gọi các trang trại chăn nuôi tốt cùng gặp gỡ với nhà máy giết mổ ký trực tiếp sản phẩm với giá thỏa thuận, bình ổn trong từng quý. Đồng thời, Hiệp hội sẽ gặp gỡ và đàm phán với các nhà máy sản xuất TĂCN ký kết giá cả cung ứng cho người chăn nuôi đảm bảo có lãi.
Trước hàng loạt những khó khăn cũng như kiến nghị của người chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định, Bộ NN-PTNT đang ra sức phối hợp với các Bộ, ngành tìm hướng tháo gỡ dần cho bà con chăn nuôi. Ông Dương nói: “Việt Nam có tới 4 triệu hộ chăn nuôi heo và 7,5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, nên chắc 30 năm nữa vẫn chưa thể hết chăn nuôi nông hộ. Vì thế, việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn và bền vững là việc quan trọng, cần phải làm để đảm bảo sinh kế cho bà con nông dân”. Tuy nhiên, trong khi chờ các chính sách từ Chính phủ, Bộ, ngành, thì người chăn nuôi cũng cần chủ động tìm cách giảm tối đa giá sản xuất và triệt để phòng ngừa dịch bệnh.
Cách làm đơn giản nhất hiện nay là cùng nhau học cách pha chế, trộn cám (thay vì mua cám công nghiệp) chắc chắn sẽ giúp giảm giá thành ít nhất 5 - 8%. Minh chứng là ngay tại huyện Thống Nhất, số hộ thua lỗ, nợ nần đều rơi vào 50% hộ chăn nuôi dùng cám công nghiệp. 50% hộ còn lại dùng cám tự trộn đã giảm bớt được thua lỗ, nhiều hộ hòa vốn và tiếp tục xoay xở duy trì đàn nuôi. Ông Dương cũng cho rằng, người chăn nuôi cần chung sức với nhau trong tổ chức HTX, chủ động xây dựng sức mạnh và uy tín để làm cơ sở cho ngân hàng, tỉnh và Chính phủ hỗ trợ cho mô hình liên kết này ngày càng phát triển. “Thậm chí lúc đó, HTX chăn nuôi có thể đứng ra bảo lãnh cho xã viên vay vốn ngân hàng. Nhưng trước hết, HTX phải chủ động tạo được niềm tin và sức mạnh nội tại của chính mình đã” - ông Dương nói.
Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát, bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, chương trình bình ổn giá của thành phố hiện nay đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, chương trình trước đây chỉ có các doanh nghiệp cung ứng, thì nay các đơn vị sản xuất trực tiếp (heo, gà…) cũng được tham gia nhằm đảm bảo việc hỗ trợ bình ổn được công bằng hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương cũng đề nghị Sở Công thương TP.HCM khi thực hiện chương trình bình ổn, cần chú ý đảm bảo hài hòa các lợi ích trong chuỗi sản xuất và cung ứng; đảm bảo người chăn nuôi có lãi và người tiêu dùng được mua thịt heo, gà với giá cả hợp lý. |
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã