Học tập đạo đức HCM

Tìm đầu ra cho nhung hươu Hương Sơn

Thứ bảy - 13/04/2013 09:49
Hươu ở Hương Sơn đang có bước tăng đột phá cả về tổng đàn và giá trị kinh tế nhờ biết kết hợp các hình thức nuôi. Hà Tĩnh đang tập trung các giải pháp để tìm đầu ra cho nhung hươu.


Từ nuôi nhỏ lẻ...

Cùng Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm (Hương Sơn) Lê Trọng Lài đến nhà chị Lê Thị Hương ở xóm Lâm Ðồng, nghe kể chuyện nuôi hươu, mới thấy nghề nuôi hươu ở đây khó mà thất truyền. Chị Hương năm nay 48 tuổi,  ngày còn bé, chị đã nghe bà nội kể về cố Cao Toàn, ông Cao Bảy của chị đã nổi tiếng về nghề nuôi hươu... Và chị "tự hào" rằng: "Hồi nhỏ chúng tôi đã đi khắp vùng để bứt cỏ nuôi hươu... Có tiền ăn học cũng từ con hươu. Quê tôi nhờ con hươu nhiều lắm. Trước cũng vậy, nay càng vậy. Khi 3 con, lúc 5, 7 con, hươu luôn gắn bó với gia đình...". Còn ở xã Sơn Lâm hầu như nhà nào cũng có vài ba con hươu trong chuồng. Anh Lài thuộc lòng: Ở xã có vài gia đình nuôi hươu từ thập kỷ 30 - 50 của thế kỷ trước. 10 - 15 năm sau đó lại có thêm nhiều gia đình nuôi nữa. Gần đây, mỗi năm đàn hươu của xã tăng từ 200 đến 300 con. Hiện, tổng đàn hươu toàn xã có hơn 2.400 con. Khoảng 70% trong số 700 hộ toàn xã nuôi hươu. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 4 đến 5 con. Ðến nay, trong xã có 35 hộ nuôi hơn 10 con và một hộ nuôi 56 con...

Theo Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn Phan Xuân Ðức: Nghề nuôi hươu hiện đã phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn huyện. Trừ 12 xã vùng ngập lụt, 20 xã còn lại đều có đàn hươu phát triển nhanh. Nhiều xã như: Sơn Lâm, Sơn Quang, Sơn Trung, Sơn Giang... có đàn hươu khoảng 2.500 con. Người nuôi hươu nhỏ lẻ dưới 10 con/hộ ở Hương Sơn còn nhiều hơn người không nuôi. Tuy nhiên, trong quá trình thuần hóa và phát triển đàn hươu, người dân Hương Sơn gặp những "đại hạn" lớn. Lần thứ nhất vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi giá hươu đang từ 50 đến 60 triệu đồng bỗng tụt thê thảm, xuống một vài triệu đồng/con. Và lần thứ hai là trận "đại hồng thủy" năm 2002 ở Hương Sơn đã làm đàn hươu trong huyện tụt giảm mất một nửa, xuống chưa đầy 6 nghìn con. Sau hai lần đại hạn, người Hương Sơn lại kiên trì gây dựng lại đàn hươu. Bởi theo bác Nguyễn Văn Lai ở thị trấn Phố Châu: Không nghề chăn nuôi nào nhàn nhã và lãi như nuôi hươu. Chỉ cần nuôi một con hươu đực, mỗi năm cắt một lứa nhung là cũng có gần chục triệu đồng. Mà nhung hươu Hương Sơn từ lâu đã trở thành đặc sản; giá mỗi năm một tăng. Nay cũng khoảng 11-14 triệu đồng/kg nhung.

Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Duy Trinh cho biết: Nghề nuôi hươu ở đây không chỉ được biết đến như một nghề truyền thống mà còn bởi giá trị bồi bổ sức khỏe từ nhung hươu đưa lại. Trên cơ sở đó, Hương Sơn đã lập Ðề án phát triển chăn nuôi hươu và xác định: Trong giai đoạn 2011-2015, hươu được chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ (quy mô dưới 10 con/hộ) trong các hộ dân là chủ yếu. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn các hộ bảo đảm vệ sinh chuồng trại, sử dụng thức ăn tự nhiên kết hợp trồng cỏ và tận dụng phụ phẩm trồng trọt, huyện đặc biệt khuyến cáo các hộ chăn nuôi chú trọng con đực giống. Theo đó, sử dụng đực giống có chất lượng tốt (năng suất nhung hơn 1 kg/năm); đối với những hộ nuôi quy mô 2-3 nái, chưa có đực giống tốt phải đưa hươu cái đi phối giống ở các hộ có đực giống bảo đảm phẩm cấp... Nhờ chú trọng phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ trong giai đoạn này mà tổng đàn hươu của huyện không chỉ tăng lên nhanh chóng mà còn giúp người dân có thêm vốn liếng, tích tụ kinh nghiệm tạo tiền đề cho nuôi quy mô lớn.

... đến gia trại

Gia đình chị Hương ở Sơn Lâm là một trong những hộ điển hình cho nghề nuôi hươu và chuyển phương thức nuôi từ nhỏ sang lớn của người dân nơi này. Từ mấy đời nuôi hươu... Rồi đến chính bản thân chị. "Từ nuôi nhỏ lẻ lúc 3 con, lúc 5-7 con, cho đến tháng 4-2012, gia đình chúng tôi quyết định nuôi theo mô hình gia trại lớn, tập trung theo Nghị quyết 02 của Huyện ủy Hương Sơn về phát triển chăn nuôi trong mô hình nông thôn mới", chị Hương nói về bước chuyển mạnh mẽ của gia đình mình. Có mặt tại gia đình chị, nhìn đàn hươu có đến 56 con tung tăng trong vườn cây, dưới cái nắng chiều, chúng tôi nghĩ ngay đến một ngày không xa nữa, mô hình nuôi tập trung kiểu này sẽ được nhân rộng, mở ra hướng làm ăn lớn, đưa lại giá trị kinh tế cao cho nhiều gia đình, không chỉ trong huyện. Ðược biết, cộng cả chuồng trại, con giống, tổng đầu tư ban đầu của mô hình này ước khoảng một tỷ đồng, trong đó, huyện Hương Sơn hỗ trợ 200 triệu đồng.

Nhưng chị Hương chưa phải là nhà có nhiều hươu nhất huyện. Hiện nhiều hươu nhất Hương Sơn là gia đình anh Lê Ðức Khánh ở xóm Quán, xã Sơn An. Hiện gia đình anh Khánh có đến 70 con hươu. Ðược biết, anh Khánh đã tiến hành thành lập doanh nghiệp Sơn An và tiến hành làm thủ tục đầu tư bài bản từ xây dựng chuồng trại, sản xuất con giống và bao tiêu sản phẩm nhung hươu...

Rất mừng là trong những năm qua, ngoài tỉnh, huyện Hương Sơn và các xã trong huyện đều đã có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi, trong đó có nuôi hươu, nghề được xem là truyền thống, là thế mạnh của địa phương. Theo Phó phòng NN và PTNT huyện Hương Sơn Phan Xuân Ðức, chỉ riêng trong năm 2012, trên địa bàn huyện Hương Sơn đã phát triển được 8 mô hình có quy mô nuôi hơn 50 con và 64 mô hình nuôi hơn 10 con. Số lượng phát triển trên đã đưa tổng đàn hươu của huyện trong năm 2012 lên 28.947 con, tăng 13,3% so với năm 2011. Và với tốc độ phát triển này, chỉ vài năm tới đàn hươu của huyện sẽ đạt khoảng 40-50 nghìn con... Và con hươu thật sự là con nuôi chủ lực của huyện miền núi này. Giờ đây, không chỉ có Hương Sơn, mà các huyện khác trong tỉnh như: Can Lộc, Vũ Quang, Hương Khê... cũng bắt đầu có các chính sách khuyến khích người dân phát triển đàn hươu.

Ðể có thị trường ổn định

Theo thống kê của huyện Hương Sơn, trong năm 2012, sản lượng nhung hươu trên địa bàn huyện đạt 7.300 kg, tăng 12,31% so với năm 2011, thu hơn 80 tỷ đồng. Dự kiến năm 2013, sản lượng nhung hươu đạt hơn 8.500 kg. Nhiều gia đình ở Hương Sơn, nhung hươu đã trở thành nguồn thu nhập chính trong năm. Ðơn cử như ở xã Sơn Lâm. Tổng thu nhập toàn xã năm 2012 đạt khoảng 34 tỷ đồng, trong đó, thu từ nhung hươu chiếm một phần tư, tương đương với thu nhập từ rừng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm nhung hươu vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương và chưa có lời giải thấu đáo, dù đã được tính đến. Việc giá nhung hươu lên xuống thất thường gần đây cũng khiến cho người nuôi lo lắng: Có hay không sự thao túng của tư thương. Nếu quy mô nuôi ngày càng được nâng lên thì sản phẩm nhung hươu trong vài ba năm tới khó tránh khỏi tình cảnh bấp bênh như các sản phẩm nông nghiệp khác ?!...

Hiện các doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc để tập trung giải bài toán tiêu thụ nhung hươu. Ðặc biệt, đầu năm 2013, Trung tâm công nghệ Y sinh đã thuyết trình Dự án phát triển kinh tế từ ngành chăn nuôi hươu Hương Sơn bằng ứng dụng khoa học công nghệ hóa sinh enzyme để sản xuất ra các loại sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng từ nhung hươu phục vụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài việc xây dựng nhung hươu thành thương hiệu độc quyền còn tiến hành đầu tư nhà máy dược và chế biến thực phẩm chức năng từ nguồn nguyên liệu nhung hươu; đồng thời, phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh xây dựng trung tâm bảo tồn giống hươu sao Hương Sơn và cung cấp dịch vụ chăn nuôi cho địa phương và các tỉnh trên toàn quốc...

Bài, ảnh: Thành Châu - Trọng Tuệ
Theo nhandan.org.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập369
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại819,233
  • Tổng lượt truy cập90,882,626
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây