Tuy nhiên, trên thực tế, cả ngân hàng và người vay đều đang gặp khó khăn khi thực hiện nghị định này do nhiều nguyên nhân. Dư nợ tăng Do đặc thù khai thác thị trường, hiện việc triển khai Nghị định 41 chủ yếu do Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh (Agribank Quảng Ninh) thực hiện. Theo thống kê của Agribank Quảng Ninh, sau hơn 2 năm triển khai Nghị định 41, đã có hàng chục ngàn hộ khu vực nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay. Tính từ đầu năm tới nay, doanh số cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn của ngân hàng đạt 1.423 tỷ đồng. Dư nợ đến nay đạt 2.626 tỷ đồng; trong đó, dư nợ ngắn hạn 1.561 tỷ đồng, nợ trung và dài hạn 1.064 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng 35-40% so với năm 2011. Đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 41ước đạt 2.500 - 2.600 tỷ đồng. Đảm bảo mức nợ xấu dưới 3%. Để Nghị định 41 đi vào thực tiễn, Agribank Quảng Ninh phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát lập hồ sơ, nắm tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của từng xã, điều tra nhu cầu vay vốn của nông dân. Tiếp cận và phân loại khách hàng, kể cả khách hàng chưa vay vốn. Qua đó, giúp bà con hiểu rõ chính sách tín dụng của nhà nước, xây dựng mô hình đầu tư cụ thể theo nhóm đối tượng, phục vụ cho chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo nợ xấu ở mức thấp nhất, các chi nhánh của Agribank Quảng Ninh cũng tăng cường công tác tự kiểm tra tín dụng, kịp thời chấn chỉnh những sai sót; nâng cao kiến thức thẩm định các dự án vay vốn. Nhiều bất cập Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, quá trình triển khai Nghị định 41 trên địa bàn Quảng Ninh cũng tồn tại không ít khó khăn. Anh Phạm Tất Đạt, Trưởng phòng Tín dụng (Agribank Quảng Ninh) cho biết: "Cơ chế, chính sách đối với nông thôn hiện còn nhiều bất cập khiến nông dân gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay. Đơn cử như việc chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất nên nhiều gia đình thiếu điều kiện đảm bảo để được vay vốn. Thực tế từ hoạt động vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân thấy, nhiều hộ có nhu cầu vay vốn nhưng lại không có chứng từ, hoá đơn hợp lý chứng minh việc sử dụng vốn vay để ngân hàng giải ngân. Ngoài ra, cơ chế lãi suất, cơ chế bảo đảm tiền vay và cơ chế thoả thuận phối hợp cũng chưa theo kịp với tình hình mới; thông tin về những vấn đề có liên quan đến cơ chế, chính sách, hồ sơ thủ tục vay vốn còn hạn chế đối với các thôn, xã ở vùng sâu, vùng xa...". Tìm hiểu được biết, ngay bản thân ngân hàng khi thực hiện Nghị định 41 cũng gặp không ít khó khăn khi "tiếp vốn" cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn huy động được từ dân cư và từ nguồn vay tái cấp vốn chủ yếu là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vay vốn đối tượng nông nghiệp, nông thôn phần lớn là trung và dài hạn. Chi phí tác nghiệp cho vay nông nghiệp, nông thôn khá cao. Trong khi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn lại gặp những rủi ro bất khả kháng. Do đó, mức trích lập dự phòng rủi ro đối với những khoản vay không có tài sản thế chấp cũng tăng, khả năng xử lý thu hồi nợ thường gặp khó khăn. Việc cho vay kinh tế hộ đòi hỏi mỗi cán bộ tín dụng phải quản lý, theo dõi một khối lượng khách hàng lớn, trong khi kiến thức về sản xuất nông, lâm nghiệp còn hạn chế, chưa am hiểu đầy đủ các định mức kinh tế kỹ thuật... Từ những khó khăn trên, rõ ràng việc triển khai Nghị định 41 trong thời gian tới rất cần sự phối hợp tham gia tích cực hơn từ phía các địa phương.
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã