Kết quả khảo sát của ILO cho thấy doanh nghiệp các nước ASEAN đều đang “khát” lao động có kỹ năng, tay nghề. Vì vậy, mục đích của việc dịch chuyển tự do là xây dựng một thị trường sản xuất chung, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước.
Hiện Việt Nam đang có lợi thế “thu hút” chất xám mới hơn các nước ASEAN khác khi có thị trường lao động khá cởi mở, lao động nước ngoài gặp rất ít rào cản như một nhận định được đưa ra tại hội thảo thị trường lao động Việt Nam sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập (AEC) diễn ra ngày 13/1. Trong khi Thái Lan có 39 nghề cấm người nước ngoài làm việc, trong đó có những nghề nằm trong 8 nhóm nghề tự do dịch chuyển của ASEAN. Hay quy định của Malaysia ràng buộc doanh nghiệp muốn tuyển lao động nước ngoài cần phải chứng minh được không có lao động trong nước làm việc đó.
Giám đốc Công ty tư vấn nhân lực Manpowergroup tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, Simon Matthews nhận định với việc hình thành AEC, đến năm 2025, Việt Nam có thể tạo ra khoảng 6 triệu việc làm thu hút được lao động chất lượng cao từ các nước đến làm việc. Qua đó thu được những lợi ích trong vấn đề tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống vật chất thông qua chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Việt, Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay, lao động di cư chủ yếu có kỹ năng trung bình và thấp trong khi chính sách AEC hiện chỉ tập trung vào lao động có kỹ năng nghề cao. Ông Việt cho rằng, quá trình hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm nhưng đồng thời cũng đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với người lao động, các tiêu chí tuyển dụng đòi hỏi cao hơn. Cụ thể người lao động phải có nhiều kỹ năng ngoài kiến thức chuyên môn như khả năng giao tiếp, ngoại ngữ, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin.
Với việc thành lập AEC, dòng hàng hóa dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động sẽ di chuyển tự do giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN. Trước mắt có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận tay nghề tương đương gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch. Những ngành nghề này tuy chiếm 1,5% lực lượng lao động ASEAN, nhưng cũng gia tăng áp lực không nhỏ cho các quốc gia như Việt Nam khi nước ta xuất khẩu lao động phổ thông, lại thiếu lao động tay nghề cao trong một số ngành được dịch chuyển. |
Điều này đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc phát triển và ổn định thị trường lao động cũng như quản lý lao động nước ngoài.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) Hà Thị Minh Đức cho biết, trên thực tế, việc thông qua và thực hiện các tiêu chuẩn lao động theo chuẩn quốc tế trong ASEAN còn nhiều hạn chế. Vì dù có thỏa thuận công nhận lẫn nhau nhưng khung trình độ quốc gia trong khối ASEAN vẫn còn khoảng cách đáng kể.
Sức ép từ việc chênh lệch về trình độ phát triển thể hiện ở quy mô vốn của nền kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật, năng suất lao động còn thấp. Bên cạnh đó, việc vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động còn “lệch pha” với nhu cầu thực tế.
Để bảo vệ các vị trí việc làm mà lao động Việt Nam có thể đáp ứng, bà Đức đề xuất xây dựng các quy định kỹ thuật về điều kiện, giấy phép theo hướng hoàn thiện các biện pháp bảo hộ lao động trong nước, dịch chuyển lao động hợp lý.
Bên cạnh đó, hai chuyên gia Sally Baber và Max Tunon, thuộc Văn phòng Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ILO) cho rằng cần phải tính đến là những tác động tiềm tàng của việc một số lượng lớn lao người lao động có tay nghề của Việt Nam sẽ rời đất nước để đi tìm những công việc có thu nhập cao hơn ở các nước láng giềng.
Việt Nam hiện có khoảng 75.000 lao động nước ngoài làm việc. |
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), đề nghị trong thời gian tới cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ việc làm cho lao động Việt Nam, sử dụng có hiệu quả lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xác định trách nhiệm và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc quản lý lao động ngoài nước, thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy phép lao động; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...
Nhìn nhận về chất lượng nguồn lao động Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&X Phạm Thị Hải Chuyền đáng giá: “Trình độ lao động Việt Nam qua đào tạo so với một số nước trong khu vực còn thấp hơn; kĩ năng nghề của lao động Việt Nam so với các nước xung quanh cũng thấp, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ. Trong quá trình hội nhập các nước đều có yêu cầu về tiêu chuẩn kĩ thuật cao. Chính vì vậy, để lao động Việt Nam tiếp cận với 8 nghề mà ASEAN đã đồng thuận chung một thị trường, người lao động Việt Nam phải có cố gắng rất nhiều trong một số lĩnh vực”.
Đặc biệt để thích ứng được với yêu cầu cao của thị trường lao động ASEAN, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh sự cần thiết phải làm cho người lao động hiểu được yêu cầu rất cao của thị trường ASEAN;giúp cho người lao động có trình độ cao bằng cách ngoài đào tạo chuyên môn, hỗ trợ người lao động đào tạo kĩ năng, kĩ luật lao động cũng như khả năng ngoại ngữ và để đáp ứng được yêu cầu kĩ thuật cao của các nước ASEAN, Việt Nam cũng cần đầu tư vào những nghề trọng điểm, những nghề có yêu cầu kĩ thuật cao.
Theo Baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã