Nhận định trên được ông Trương Thanh Phong-Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra trong Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2012 và phương hướng năm 2013 của Hiệp hội, vừa được tổ chức sáng nay, 7-1 tại TP.HCM. XK gạo cấp cao tăng mạnh Theo báo cáo tổng kết của VFA, cả năm 2012 các DN Việt Nam XK được khoảng 7,72 triệu tấn gạo, trị giá FOB đạt khoảng 3,45 tỷ USD, tăng 8,29% về lượng và giảm 1,98% về giá trị so với năm 2011. Gía XK bình quân (FOB) đạt khoảng 446,8 USD / tấn, giảm 46,8% so với cùng kỳ. Trong năm 2012, thị trường XK gạo của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Trong khi các thị trường truyền thống (như Philippine, Indonesia) giảm nhập khẩu, hướng tới tự túc lương thực thì Trung Quốc lại nổi lên như một nhà nhập khẩu mạnh bù đắp sự sụt giảm của các thị trường cũ. Việc giá gạo XK của Việt Nam thấp hơn Thái Lan đã khiến cho nhiều DN Trung Quốc và khu vực Tây Phi quay sang mua gạo của Việt Nam. Điều này khiến cho tỷ lệ hợp đồng XK gạo thương mại tăng lên (chiếm 76,47% tổng giá trị XK) tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ đối với cơ cấu thị trường XK gạo của Việt Nam. Bên cạnh việc thay đổi về cơ cấu thị trường XK thì trong năm 2012 vừa qua chất lượng gạo XK đã có sự chuyển biến nhất định. Tỷ lệ gao phẩm cấp cao đã chiếm trên 46% số lượng và (tăng 79% so với năm 2011), loại gạo phẩm cấp trung bình và thấp đã giảm mạnh (chiếm khoảng 35%, giảm khoảng 32% so với năm 2011). Đặc biệt, riêng tỷ lệ XK các loại gạo thơm tăng mạnh tới 47%, chiếm 7,5% tổng giá trị XK.
Ba tháng đầu năm sẽ khó Theo ông Trương Thanh Phong, tình hình XK những tháng đầu năm 2013 sẽ khó khăn vì thiếu hợp đồng tập trung gối đầu trong quý 1 như các năm trước và hợp đồng thương mại cũng ở mức thấp. Ông Phong cho hay, hiện nay các DN trong nước đã ký hợp đồng khoảng 700.000 tấn (chủ yếu XK sang Trung Quốc). Tuy nhiên, không biết có thể giao được khoảng 50-60% số này hay không, vì rủi ro hủy hợp đồng là rất lớn. Bên cạnh đó, việc các tỉnh phía Nam Trung Quốc được mùa cũng như các thị trường nhập khẩu truyền thống như Philippine, Indonesia tăng cường sản xuất tự túc lương thực cũng sẽ tăng áp lực cho việc XK gạo của Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông Phong, những giải pháp tốt nhất để giữ vững và mở rộng thị trường XK gạo trong các tháng đầu năm 2013 là cố gắng mềm dẻo trong các giao dịch với DN Trung Quốc đồng thời tận dụng các hợp đồng XK gạo thơm, gạo phẩm cấp cao cho các thị trường Nhật Bản và châu Phi. Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, VFA khuyến khích các DN trong nước thận trong trong các khâu giao nhận và các tiêu chuẩn giao hàng. “Đã có những lô hàng bị thiệt hại nặng chỉ vì chậm tiền tàu 1 ngày, không lấy được hóa đơn. Vì thế các DN cần hết sức cảnh giác”-ông Phong nhấn mạnh. Còn đối với thị trường Nhật Bản, ông Phong cho rằng chất lượng gạo thơm mà họ yêu cầu chỉ ở mức bình thường (15% tấm) thì không quá khó khăn. Tuy nhiên họ đặt ra yêu cầu rất khắt khe với trên 530 tiêu chuẩn vì thế những chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt gạo cần được các DN tính toán thật kỹ lưỡng. Nếu đảm bảo được những yêu cầu của Nhật Bản thì riêng thị trường này đã có thể nhập khẩu khoảng 200.000 tấn gạo thơm mỗi năm, mang về rất nhiều lợi nhuận. Nói chung, theo nhận định của VFA, trong năm 2012 vừa qua, các DN XK gạo của Việt Nam đã xuất khoảng 584.000 tấn gạo thơm, tăng khoảng 47% so với 2011. Nếu cộng tất cả các loại gạo cao cấp bao gồm gạo 5% tấm, gạo nếp, gạo thơm các loại, tấm thơm… thì tỷ lệ chiếm trên 57% tổng giá trị XK. Trong khi đó, năm nay Thái Lan sẽ tiếp tục chính sách trợ giá cho nông dân sản xuất, vì thế giá thành sản xuất các loại gạo cao cấp của nước này (chẳng hạn gạo Jasmine của Thái đang có giá thành sản xuất là 1.200 USD/tấn) không thể cạnh tranh được so với các loại gạo cùng chất lượng của Việt Nam (680-700 USD/tấn). Thêm vào đó, việc các DN Trung Quốc tăng cường nhập khẩu chính ngạch, các nước châu Phi tăng lượng nhập khẩu gạo cao cấp sẽ là cơ hội tốt cho DN XK gạo của Việt Nam bứt phá. Chính vì thế vụ đông xuân 2013-2014, VFA cho rằng nếu người dân tập trung mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa thơm thì chắc chắn sẽ có lợi vì hiện nay giá các loại lúa này được DN XK thu mua cao hơn nhiều so với lúa thường./.
Bài, ảnh: Thạch Bình |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã