Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình thực hiện chương trình này, đã nảy sinh không ít vấn đề cần sớm được điều chỉnh. Đó là việc bám theo 19 tiêu chí một cách cứng nhắc, công thức hóa cuộc sống. Điều này không đúng với tư tưởng của Trung ương về xây dựng nông thôn mới. Nó cũng không nhận được sự hưởng ứng của người dân.
Mới đây, nhân dịp về thăm xã Hòa An, tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, xây dựng nông thôn mới, các địa phương cứ bám theo 19 tiêu chí là một sự rằng buộc, cứng nhắc. Tư tưởng của Trung ương không phải thế.
Mục tiêu của 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới là để làm mốc, xem chương trình này nên bắt đầu tư đâu, đã đi được bao xa; lĩnh vực nào đi nhanh, đi chậm; giữa các địa phương, địa phương nào làm tốt, địa phương nào làm chưa đạt… để điều chỉnh các bước đi phù hợp trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chứ không phải là mục tiêu chính của chương trình này.
Vậy mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là gì? Nó đã được chỉ rõ trong Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Mục tiêu chính là con người, xã hội, đời sống của người dân ở nông thôn, giải quyết vấn đề về khoảng cách giữa nông thôn và đô thị để đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng cả nước phát triển.
Người dân trực tiếp tham gia làm đường liên xã tại Yên Thành, Nghệ An (Ảnh: PV) |
Tuy nhiên có không ít người, cả ở vị trí chỉ đạo và thực hiện, khi định ra những “cột chỉ báo trên đường” - 19 tiêu chí, để đi thì lại nhầm đấy là mục tiêu. Cũng có thể họ muốn biến nó thành mục tiêu để dễ làm hơn; thành tích đạt được cụ thể hơn, nhờ đó, nâng cao được uy tín lãnh đạo.
Phải khẳng định rằng, 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới không phải là mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới. Nó không phải là mong đợi của người dân, của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia đã nhiều lần khẳng định, 19 tiêu chí chỉ là điểm định hướng. Mục tiêu chính của chương trình không phải thế.
Nghị quyết Trung ương 26 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn và tạo được một tinh thần mới làm chủ vươn lên của người dân nông thôn. Nhưng thời gian qua, xây dựng nông thôn mới với cách làm cũ, triển khai chương trình từ trên xuống, cứng nhắc trong 19 tiêu chí đã triệt tiêu tính sáng tạo của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Người dân nông thôn chưa được tham gia các hoạt động về chỉ đạo, quản lý, giám sát. Người dân nông thôn, vì thế, ở không ít nơi, vẫn coi xây dựng nông thôn mới là công việc của Nhà nước, chính quyền, đoàn thể chứ không phải việc của bản thân họ, cộng đồng nơi họ sinh sống. Người dân vẫn ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Còn chính quyền cơ sở chỉ nhắm vào xây dựng các công trình cơ bản. Trong khi đó, các hoạt động sản xuất, sinh kế chưa được chú ý.
Nguy hiểm hơn, mọi người có xu hướng tìm mọi cách để đạt được 19 tiêu chí, bất chấp các hệ quả của nó đến cuộc sống và sự phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử như công tác quy hoạch. Trong xây dựng nông thôn mới, mặc dù công tác này được coi là có ý nghĩa quyết định đến cả chương trình nhưng ở nhiều địa phương, quy hoạch chỉ được xem như một trong những thủ tục để tiến hành triển khai vốn đầu tư hơn là một chương trình, kế hoạch phát triển tổng thể, dài hạn của vùng, địa phương với sự tham gia của toàn dân.
Một quy hoạch hiệu quả phải nêu rõ được lợi thế so sánh của từng địa phương. Yêu cầu này đòi hỏi phải nghiên cứu rất bài bản, cẩn thận, có sự tham gia của toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, chính quyền cơ sở thường thuê một đơn vị tư vấn để làm cho xong công tác này. Làm sao một nhóm người từ xa đến, với khoản tiền ít ỏi, thời gian ngắn có thể biết được lợi thế so sánh, có thể xác định được những cân đối chính có tính đến những biến động trong tương lai của từng vùng?
Làm quy hoạch mà không có những nghiên cứu thật khoa học, thiếu sự tham gia của người dân thì quy hoạch đó thực sự nguy hiểm, sẽ biến nông thôn thành thành thị một cách cưỡng bức; biến nông thôn miền núi thành nông thôn miền xuôi một cách khiên cưỡng. Chúng ta đang công thức hóa cuộc sống mà căn cứ ấy lại không có cơ sở khoa học!
Chương trình nông thôn mới chỉ thực sự thành công, có ý nghĩa khi nó đi vào từng cộng đồng, từng chòm xóm, từng dòng họ, từng gia đình và mỗi người nông dân. Nông thôn mới chính là sự thay đổi trong tư duy của mỗi người dân. Họ làm chủ cuộc sống hiện đại, tham gia vào quá trình phát triển của toàn xã hội với nếp sống mới, sức sản xuất nông nghiệp mới, với văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc./.
Lê Phúc
Theo vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã