Đây cũng là tiền đề quan trọng hỗ trợ nâng cao các loại đặc sản, nông sản của Bắc Kạn và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước...
Bắc Kạn sở hữu nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng được cấp nhãn hiệu, thương hiệu như quýt, hồng không hạt, miến dong, gạo Bao thai Chợ Đồn…
Tiềm năng sản xuất hàng hóa rất lớn, riêng cây dong riềng toàn tỉnh có diện tích trung bình khoảng 800 -1.000ha, năng suất đạt khoảng 70 tấn/ha, sản lượng củ dong ước đạt 63.000 tấn củ, tương ứng 9.000 tấn tinh bột để sản xuất ra được khoảng 5.000 tấn miến/năm. Tuy nhiên, mỗi năm sản lượng miến được sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chỉ đạt khoảng trên 1.000 tấn.
Cây cam, quýt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 3.200ha, diện tích đang cho thu hoạch 2.100ha, sản lượng ước đạt 16.000 tấn. Diện tích hồng không hạt khoảng 760ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 450ha, năng suất bình quân 42 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.850 tấn/năm.…
Trong những năm qua, một số nông sản của tỉnh như miến dong, bún khô, phở khô, Nano Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ), gạo nếp khẩu nua lếch, gạo bao thai, gạo Japonica, bí xanh thơm đã trở thành hàng hóa và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, có chỗ đứng trên thị trường và được đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…
Bà Đinh Tuyết Nhung – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nhung Lũy (huyện Ba Bể) chia sẻ: Thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm mà nhiều sản phẩm của bà con Bắc Kạn như: miến dong, sản phẩm chế biến từ nghệ, bí thơm… đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến với giá bán rất ổn định.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đưa nông sản hàng hóa ra thị trường ngoại tỉnh để mang về thu nhập cao cũng không dễ dàng.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa khẳng định: "Bắc Kạn xác định mục tiêu phát triển bền vững lấy nông, lâm nghiệp làm trọng tâm, trên cơ sở đó xây dựng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch và giải pháp cụ thể, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kết hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn mới.
Đặc biệt là thực hiện gắn kết chương trình OCOP và coi đây là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp.Thông qua các diễn đàn xúc tiến thương mại, Bắc Kạn mong muốn sẽ có các hợp đồng kinh tế được ký kết để đưa các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận được thị trường lớn".
Để mở rộng thị trường, không chỉ kết nối giao thương với các doanh nghiệp trong nước, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cuộc xúc tiến thương mại với các nhà đầu tư nước ngoài và bước đầu đã có nhiều thành công. Kết quả, đến nay một số sản phẩm nông sản của Bắc Kạn đã được thị trường quốc tế tiếp nhận, nổi bật nhất là sản phẩm chế biến từ mơ vàng.
Từ chỗ phụ thuộc tư thương trong tỉnh, nay quả mơ vàng Bắc Kạn đã tiếp cận được với thị trường khó tính nhất là Nhật Bản và được Công ty TNHH Việt Nam Misaki (nhà đầu tư Nhật Bản) bao tiêu toàn bộ.
Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan (Bắc Kạn) vừa ký kết hợp đồng với Công ty DALAT Spol.s.r.o (Praha, Cộng hòa Séc) xuất khẩu 5,3 tấn miến dong. Trước khi xuất khẩu, sản phẩm miến dong của HTX đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe nhất, được phía bạn công nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu.
Bà Hà Thị Tươi, thôn Hua Phai (xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới) có hơn 5 ha mơ. Năm 2019, gia đình bà thu hoạch 17 tấn và được Công ty TNHH Việt Nam Misaki thu mua với giá bình quân 13.000 đồng/kg, thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Năm 2020, dù giá có thấp hơn chút ít nhưng nhờ năng suất cao nên dự kiến thu nhập của gia đình không giảm là bao. "Ở Hua Phai có 67 hộ dân, thì có khoảng 60% người dân phát triển kinh tế hiệu quả từ trồng mơ" – bà Tươi cho biết thêm.
Ngoài ra còn rất nhiều sản phẩm nông sản khác đang được các nhà tiêu thụ nước ngoài quan tâm. Đặc biệt, sản phẩm miến dong thời gian qua đã luôn duy trì, đảm bảo được chất lượng sản phẩm để cung cấp cho 16 cửa hàng của hệ thống siêu thị BigC trong nước và vừa mới ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm miến dong sang Cộng hòa Séc với hợp đồng đầu tiên là 5,3 tấn miến.
Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang là hướng đi mới giúp nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy thương hiệu nông sản Bắc Kạn. Nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp của tỉnh quy mô còn nhỏ, manh mún, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống, thì việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa càng trở nên cần thiết.
Xác định mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp, giai đoạn 2020 – 2025 tỉnh Bắc Kạn tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết sản xuất chuỗi giá trị đồng thời phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Để thực hiện mục tiêu, tỉnh tiếp tục có những cơ chế chính sách phù hợp, thu hút các thành phần kinh tế hợp tác, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế trang trại trong lĩnh vực chăn nuôi, có sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm khai thác tiềm năng, phát huy giá trị nông sản hàng hóa – bà Hoa chia sẻ thêm.
https://danviet.vn/bac-kan-day-manh-ket-noi-cung-cau-nang-cao-gia-tri-nong-san-20201127154208745.htm
Theo Trang Thảo/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã