Trong đợt lụt bão vừa qua, dù nước lũ dâng cao trong nhiều ngày, tuy nhiên, hàng nghìn con gà của gia đình anh Phạm Hào (44 tuổi, trú tại thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn được an toàn. Sở dĩ có được điều này là nhờ trước đó anh Hào đã đầu tư xây dựng 3 “căn nhà 2 tầng” để cho nuôi gà, đến khi nước lũ dâng cao toàn bộ gà được đưa lên tầng 2 để ở.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, anh Hào cho biết, trước đây anh làm nghề thợ mộc nhưng sau đó lại “bén duyên” với gà. Anh Hào nhớ lại, “tôi nhận thấy người dân luôn có nhu cầu sử dụng gà thịt, hơn nữa nuôi gà thịt cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chuyển qua nuôi gà luôn”.
“Ban đầu thì khó khăn lắm, nghề nào cũng vậy cả thôi. Riêng đối với tôi, lúc mới nuôi gà hay bị bệnh rồi chết nhiều lắm và thị trường tiêu thụ thì không ổn định như bây giờ. Đa phần là vợ chồng tôi phải mang gà đi bán nhỏ lẻ ở chợ”, anh Hào nhớ lại.
Để xử lý những vấn đề trên, anh Hào đã đi tìm hiểu kỹ thuật nuôi gà ở nhiều nơi và dần hoàn thiện cho mô hình của mình. “Tại xã Quảng Phú mà cụ thể là chỗ tôi gần như năm nào cũng bị lụt bão, mà mỗi lần lụt bão thì không biết phải đưa gà đi ở chỗ nào. Chúng mà bị mưa ướt là ủ rũ ngay, đặc biệt là gà nhỏ bị rét là dễ chết lắm”, anh Hào chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm nuôi gà.
Nhận thấy những điều trên, anh Hào mạnh dạn đầu tư xây dựng một chuồng nuôi gà 2 tầng. Theo anh Hào, “lúc bình thường, gà trống và gà mái sẽ được chia thành 2 tầng tách biệt nhau để chúng phát triển tốt hơn. Đến khi gặp lụt lội thì toàn bộ gà mới được đưa lên tầng 2. Đợt này, chờ ít ngày cho tầng 1 khô ráo và vệ sinh sạch sẽ rồi tôi mới tách gà trống, mái như bình thường”.
Sau nhiều năm gây dựng, đến thời điểm hiện tại, anh Hào đã đầu tư xây dựng được 3 chuồng 2 tầng để nuôi gà thịt và mỗi chuồng có sức chứa 1.000 con gà. Các lứa gà được nuôi kế tiếp nhau để đảm bảo mỗi tháng đều có 01 lứa gà thịt xuất bán ra thị trường.
Theo tính toán của anh Hào, với 1,8 tấn gà xuất ra thị trường mỗi tháng và giá thành là 60.000 đồng/1kg, sau khi trừ toàn bộ chi phí anh lời được 20 triệu đồng/lứa gà thịt.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi gà của mình, anh Hào cho biết, hiện tại các chuồng nuôi gà đều sử dụng nệm lót sinh học và toàn bộ phân gà sẽ có người đến thu mua về bón cây. Cùng với đó, các chuồng gà cũng được anh Hào trang bị một hệ thống cung cấp nước uống tự động giúp giảm được nhân công trong quá trình nuôi. Được biết, hiện tại chỉ cần 02 vợ chồng anh Hào đã có thể vận hành và chăm sóc cho hàng nghìn con gà.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Phan Thanh Phong cho biết, hiện tại, trên địa bàn cũng có nhiều hộ nuôi gà với quy mô hàng nghìn con. Tuy nhiên, đầu tư, xây dựng chuồng 2 tầng kiên cố bằng bê tông, cốt thép thì mới chỉ có hộ anh Hào. “Nhờ có chuồng nuôi kiên cố, trong đợt bão lụt vừa qua đàn gà nhà anh Hào thiệt hại rất ít”, ông Phong chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết thêm, các mô hình chăn nuôi nói chung và mô hình nuôi gà nói riêng đã tạo ra sinh kế cho người dân và giúp phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Do đó, chính quyền địa phương luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, UBND xã cũng luôn nhắc nhở các hộ phải đảm bảo vấn đề an toàn môi trường, dịch bệnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã