Giá rau VietGAP bình ổn giữa dịch Covid-19
Anh Trần Văn Thắng, kỹ sư nông nghiệp, thành viên HTX rau sạch Hoàng Gia (thôn Gia Phú, xã Bình Dương), cho biết, anh chuyên sản xuất rau muống thuỷ canh, rau mồng tơi, các loại rau cải; cà chua, cà rốt; bí xanh, bí đỏ (khoảng 2ha). Ngoài ra, còn trồng 2ha chuối, bán cả quả xanh và chín; dưa leo, dưa lê, đu đủ; mướp hương, mướp đắng, cần tây…
Theo đó, cần tây sạch vừa để xào nấu, vừa sản xuất nước uống, giúp đẹp da, giảm mỡ máu, bán rất chạy trên thị trường. Cách ép cần tây khá đơn giản, cứ 1kg rau ép được 0,7 lít nước, giá bán 50.000 đồng/lít (bảo quản trong tủ đá). Đây là sản phẩm rất thích hợp với phụ nữ, bình quân 1 ngày anh tiêu thụ 5 tạ cần tây. Hoặc, bà con có thể mua về tự ép, giá 30.000 đồng/kg cần tây.
Đặc biệt, HTX còn có rau muống thuỷ canh, gieo trồng bằng cách trải bạt, thả nổi trên ruộng, khác hoàn toàn với rau muống trồng dưới ruộng. Cách làm như sau: rau muống sau khi già, cắt bỏ phần thân, chỉ để lại gốc. Sau đó, lấy thân đem ủ cho rụng hết lá, thả xuống nước, ghép lại thành bè. 5-7 ngày sau, ở mỗi ngách lá sẽ ra 1 mầm chồi và 21 ngày sau sẽ cho thu hoạch.
Trồng rau thuỷ canh không phải dùng bất kỳ loại phân bón nào, ngoài tưới nước sạch. Dinh dưỡng nuôi cây đã được tích luỹ ở phần gốc, đủ để nuôi mầm rau trong vòng 21 ngày. Rau muống thuỷ canh bán như rau bình thường, 25.000 - 30.000 đồng/kg. Đầu ra của sản phẩm là trường học, công ty, doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, hoặc gia đình đóng trên địa bàn.
“Mặc dù xuất hiện dịch Covid-19 nhưng rau không bị dư thừa do HTX không tập trung vào một sản phẩm, chú trọng đa dạng hoá các loại rau, để bữa ăn phong phú, giàu chất dinh dưỡng và dễ tiêu thụ. Hiện, mức lương của mình bình quân 15 triệu đồng/tháng”, anh Thắng nói.
Ông Trần Văn Hiển, Giám đốc HTX Nông nghiệp rau sạch Hoàng Gia (xã Bình Dương), cho biết, ông thành lập HTX vào tháng 5/2018, sản xuất rau VietGAP trên diện tích hơn 10ha với 7 thành viên và 20 công nhân. HTX chủ yếu sản xuất các loại rau ăn củ, quả và lá; rau ăn sống (xà lách, mùi tàu, ngò thơm); quả ăn ngay (dưa chuột, đu đủ…)... Tất cả đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, thuốc diệt cỏ, chủ yếu dùng chế phẩm IMO.
Trước khi bắt tay vào sản xuất rau sạch, HTX dành khá nhiều thời gian để cải tạo đồng ruộng. Ví như, mời các chuyên gia giỏi về nông nghiệp đến tận ruộng để chỉ đạo sản xuất, xới đất bằng máy cày 1 lần/tuần. Sau đó lại tiếp tục cày xới lại, cứ như vậy trong 3 tháng liền. Mỗi lần cày xong phơi đất một tuần và phun chế phẩm IMO để diệt cỏ. Do là đất ruộng nên việc cải tạo không mất quá nhiều thời gian.
Vụ thu hoạch đầu tiên, HTX mang sản phẩm đi kiểm nghiệm, kết quả cho thấy, trong đất không còn kim loại nặng, trong nước không còn kiềm; không có vi khuẩn E.coli trong rau, củ, quả; không thừa dư lượng thuốc BVTV; không có nitơrat, thuốc trừ cỏ. Được Ban An toàn Thực phẩm Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Dự kiến, thời gian tới, HTX sẽ sản xuất rau hữu cơ, đạt tiêu chuẩn chất lượng GlobalGAP.
Hiện, mức lương bình quân cho người lao động là 5,4 triệu đồng/người/tháng; nếu phải tăng ca, trả thù lao 25.000 đồng/giờ. Nếu làm việc trong ngày lễ được tính bằng 2 ngày lương, ngoài ra, còn được tặng quà. Thành viên Ban quản trị HTX được hưởng theo mức đóng góp cổ phần; đồng thời, còn được hưởng lương trách nhiệm, thấp nhất là 9 triệu đồng/người/tháng, cao nhất 15 triệu đồng/người/tháng.
“Bình thường rau bán rất chạy, nhưng dịp Covid-19 vừa qua có chững lại, chỉ còn chưa đầy 1/3, do nhiều doanh nghiệp, trường học phải dừng hoạt động. Song, nhờ sự năng động của các thành viên HTX, cung ứng sản phẩm đến tận cơ sở sản xuất, hoặc những nơi khách hàng yêu cầu, nên lượng tồn dư không đáng kể. Tuy nhiên, giá rau cũng giảm 30% so ngày thường, chi phí vận chuyển chỉ bằng 50% so khi chưa có dịch Covid-19.
Để khắc phục thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm, HTX đề nghị Nhà nước hỗ trợ 1 kho lạnh, 1 máy sấy sản phẩm, đây là biện pháp tối ưu để bảo quản sản phẩm, tránh tình trạng được mùa rớt giá”, ông Hiển đề xuất.
Cùng bà con ra đồng
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Bình Nguyễn Khắc Đạm cho biết: “Năm 2020, huyện gieo trồng được 2.578,1ha rau màu các loại, trong đó nhiều nhất là cà rốt 622,3ha, ngô 288,4ha, dưa các loại 260,9ha, bí các loại 176, 8ha. Còn lại là hành, tỏi, khoai tây, lạc, khoai lang, đỗ tương, mỗi loại 7-80ha.
Để công tác sản xuất của bà con đạt hiệu quả cao, huyện đã phối hợp với các ban ngành trong khối nông nghiệp tổ chức 54 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thuỷ sản và môi trường, có 4.050 lượt người tham gia. Nội dung chủ yếu về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới, biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh phổ biến trên cây trồng, vật nuôi”.
Cũng theo ông Đạm, huyện đã chỉ đạo các HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động nhằm nhanh chóng thích nghi, hoà nhịp vào nền kinh tế thị trường, làm giàu cho gia đình xã viên và địa phương. Năm 2021, sẽ chú trọng hình thức hoạt động dịch vụ, kiện toàn sổ sách kế toán và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Dự kiến năm 2021, Gia Bình sẽ gieo trồng 10.800ha rau màu các loại. Trong đó, cà rốt 800ha, ngô 400ha; hành, tỏi 110ha; bí các loại 150 ha; khoai tây 50ha, khoai lang 20ha; đỗ tương 50ha; các loại rau màu khác 1.000ha. Phấn đấu gieo trồng rau màu vụ đông xuân 2021 - 2022 đạt 1.100ha trở lên.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã