Năm 2020, Nguyễn Thị Hiền đã vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của - phần thưởng của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng hàng năm cho thanh niên nông thôn, có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động đoàn, hội ở địa phương và đơn vị.
Nguyễn Thị Hiền vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tặng hoa chúc mừng tại Văn phòng Chính phủ (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Huyện Đầm Hà có giống gà quý của địa phương, thịt thơm ngon nhưng một thời chẳng mấy ai biết đến. Ngày nay giống gà này, đã được nhân giống thành công bằng công nghệ thụ tinh nhân tạo tại HTX Sản xuất nông nghiệp Tuyền Hiền (gọi tắt là HTX Tuyền Hiền) ở thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân. Gà còn được nhân rộng ở nhiều hộ nông dân tạo thành chuỗi chăn nuôi gà bản theo hướng bán hoang dã. Đoàn viên Nguyễn Thị Hiền là chủ mô hình này.
Tháng 6/2019, sản phẩm Gà bản Đầm Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm. Từ khi có thương hiệu Gà bản Đầm Hà, đã thực sự giải tỏa nỗi lo của nhiều người chăn nuôi gà ở huyện, trước đây nhiều hộ không dám nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa vì sợ không bán được.
Để có được thành công này, chị Hiền cùng chồng là anh Nguyễn Văn Tuyền (Giám đốc HTX Tuyền Hiền hiện nay), đã phải có một thời gian vượt khó. Khi gà bản Đầm Hà chưa được mấy ai biết đến, vợ chồng chị Hiền phải đến xã Đông Ngũ (Tiên Yên) để lập nghiệp với nghề chăn nuôi gà. Chật vật thuê nhà, thuê đất mở trang trại, nhiều lúc vợ chồng Hiền tự đặt câu hỏi, sao không lập nghiệp luôn ở quê hương Đầm Hà trong khi Đầm Hà và Tiên Yên thổ nhưỡng, khí hậu như nhau. Vậy là họ quyết định trở về Đầm Hà phát triển giống gà bản địa gây dựng thương hiệu. Giống gà bản Đầm Hà từ nhiều đời đã được bà con ở các làng bản trên địa bàn huyện nuôi giữ. Gà có thịt thơm ngon, thân tròn gọn, cổ ngắn, chân thấp, lông mầu vàng sặc sỡ. Gà mái, vừa có râu, vừa có mũ là nét đặc trưng rất riêng.
Ngoài tạo mô hình, vợ chồng chị Hiền còn bao tiêu sản phẩm đem niềm vui đến các hộ chăn nuôi gà bản ở Đầm Hà (Ảnh: Gia trại gia đình chị Nguyễn Thị Luyến, xã Quảng An, huyện Đầm Hà).
Vậy là số tiền ky cóp được từ làm ăn, chị Hiền cùng chồng mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng trang trại phát triển sản xuất gà giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Để có được gà giống bố, mẹ, chị Hiền cùng chồng phải lăn lội lên tận các xã vùng cao của huyện là Quảng Lâm, Quảng An mua lại của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Để mô hình hoạt động hiệu quả hơn, tháng 5/2016, họ đứng ra vận động thêm một số hộ cùng chí hướng để thành lập ra HTX Tuyền Hiền, chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương tạo thương hiệu gà bản Đầm Hà.
Năm qua, do dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều quán ăn, nhà hàng - mối tiêu thụ chính của họ bị đóng cửa tạm thời, nên việc bán gà bị kém đi nhiều, nhưng họ cũng xuất bán được 150.000 con gà giống và 60 tấn gà thương phẩm. Những năm trước đó, con số này khả quan hơn, như năm 2019, số gà thương phẩm được xuất bán khoảng 200 tấn. Gà được xuất bán vượt xa địa bàn huyện, tiêu thụ chủ yếu tại TP Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Hà Nội… Vợ chồng chị Hiền đã đứng ra liên kết với 80 hộ nuôi ở Đầm Hà nuôi gà bản và họ đứng ra bao tiêu tất cả số gà thương phẩm hiện nay cho bà con trên địa bàn, để người chăn nuôi yên tâm hơn vì có đầu ra ổn định.
Chị Nguyễn thị Luyến, thôn Hải An, xã Quảng An từ nhiều năm nay đã mạnh dạn nuôi từ 2.000 con gà trở lên. Chị Luyến bảo: Gà chúng tôi chăn thả bán tự nhiên trên đồi cây để chúng thoải mái vận động, thức ăn cho gà gồm ngô, thóc cũng mang tính tự nhiên.
Năm 2020, ngoài giải thưởng Lương Định Của, chị Nguyễn Thị Hiền còn được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, của Tỉnh Đoàn và Hội LHPN tỉnh về thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển ngành nghề xây dựng nông thôn mới.
Theo Anh Vũ/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã