Trao đổi với NNVN, ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS cho hay, cơ hội thị trường cho tôm - lúa mở ra rộng lớn nhưng cũng có nhiều thách thức phải vượt qua. Theo ông, nuôi tôm luân canh lúa (tôm - lúa) ở ĐBSCL bắt đầu từ những năm đầu 1970, đặc biệt từ sau khi Nghị quyết 09/2000/ND-CP ra đời, cho phép chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả (sản xuất lúa, sản xuất muối, vùng đầm lầy ven biển) sang nuôi trồng thủy sản. Tôm - lúa có tốc độ tăng trưởng nhanh từ năm 2000 với diện tích 71.000 ha, đến nay đã gấp nhiều lần, mang lại sinh kế cho hàng trăm nghìn người.
Về tôm - lúa của ĐBSCL, lợi thế lớn nhất trên thị trường là gì, thưa ông?
Tôm - lúa có thể áp dụng được nhiều hệ thống chứng nhận phục vụ cho đa dạng các thị trường. Hệ thống chứng nhận BAP phục vụ tốt thị trường chính là Mỹ với nhà bán lẻ, chuỗi nhà hàng và nhà chế biến thức ăn tại Bắc Mỹ (Wallmart, Norpad) và UK. Thị trường Mỹ còn ưa chuộng chứng nhận USDA Organic qua hệ thống siêu thị; chứng nhận ASIC với cam kết hỗ trợ của các nhà bán lẻ Blue Apron – USA, Rubicon Resources – USA, Cheesecake Factory – USA, Santa Monica Seafoods – USA, Seacore Seafoods – Canada, Ecohub Global – Singap.
Còn thị trường EU ưa chuộng chứng nhận GLOBALGAP với các nhà bán lẻ, chế biến thực phẩm thủy sản tại Bắc Âu (Mỹ, UK, NL…) và Nhật; chứng nhận Organic aquaculture (EU) chỉ một logo cho tất cả các nước EU nên rất dễ nhận biết với trên 50% người tiêu dùng, theo yêu cầu từ các nhà bán lẻ và chuỗi nhà hàng tại Bắc EU (Đức, UK, Pháp ,Sweden, DK…); chứng nhận ASC được cam kết của một số nhà bán lẻ AHOLD, MIGROS, METRO, NORDIC, POPPEN.
Các chứng nhận ông vừa nêu, tôm - lúa ĐBSCL đang có thuận lợi và khó khăn gì trong áp dụng?
Thuận lợi thấy rõ nhất là tôm sú nuôi quảng canh hoặc quảng canh cải tiến phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ. Hình thức luân canh tôm lúa, thời gian nuôi tôm và canh tác lúa cơ bản vẫn theo lịch mùa khô và mùa mưa nên có quá trình thau chua, rửa mặn giúp cải tại môi trường đất và nước theo hướng hữu cơ được thuận lợi và nhanh hơn (vùng thông thường mất 3 – 4 năm, vùng tôm - lúa dự kiến mất 1,5 -2 năm). Để đảm bảo cho quá trình nuôi tôm, cua, cá được thuận lợi người dân hạn chế sử dụng thuộc bảo vệ thực vật, trừ sâu trong canh tác lúa. Sản phẩm hữu cơ tôm - lúa đang được ưa chuộng tại nhiều thị trường (trong và ngoài nước)
Khó khăn lớn nhất là tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Tại vùng tôm lúa vẫn còn nhiều diện tích nuôi tôm thẻ xen với tôm sú. Hệ thống lấy nước của ĐBSCL vẫn theo kênh, mương tự nhiên. Nhiều hộ nuôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trừ sâu trong canh tác lúa. Người nuôi chưa hình thành thói quen ghi chép nhật ký và lưu trữ hồ sơ...
Sản phẩm tôm - lúa ở ĐBSCL để đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU, theo ông cần làm gì?
Thông qua quá trình triển khai dự án GRAISEA tại vùng tôm lúa Sóc Trăng, Bạc Liêu và trực tiếp làm việc với các công ty tôm, công ty lúa và cộng đồng sản xuất tôm lúa, ICAFIS đưa ra một số hướng giải pháp sau.
Đối với vùng sản xuất: Cần phải quy hoạch vùng nuôi tập trung hướng tới áp dụng chứng nhận hữu cơ với diện tích đủ lớn để đảm bảo sản lượng cho công ty liên kết (>500 ha/vùng). Vùng sản xuất phải đảm bảo liền canh, liền cư. Đối tượng nuôi chỉ có tôm sú. Có hệ thống đê bao hoặc kênh mượng đảm bảo cho quá trình điều tiết nguồn nước riêng biệt.
Đối với liên kết sản xuất: Chú trọng cả liên kết ngang, dọc và tổ chức thu mua. Liên kết ngang là tổ chức người nuôi thành hợp tác xã, tổ hợp tác để thống nhất trong quy trình sản xuất, nâng cao nhận thức và thực hành. Liên kết dọc là thực hiện liên kết đa bên giữa công ty tôm và công ty lúa với hợp tác xã, tổ hợp tác đảm bảo cả tôm và lúa đều đạt chứng nhận hữu cơ, có như vậy mới bền vững. Về tổ chức thu mua, do sản lượng vùng lúa tôm không lớn nên công tác tổ chức thu mua được xem là then chốt đảm bảo liên kết vững bền; cần thiết lập và bố trí đội ngũ thu mua tại chỗ và tổ chức thu mua theo các yêu cầu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của công ty liên kết.
Đối với kỹ thuật canh tác hướng tới chứng nhận hữu cơ: Phải duy trì mô hình canh tác một vụ lúa, một vụ tôm. Có quá trình chuyển đổi từng bước hướng tới hữu cơ, cụ thể cải tiến hệ thống quản lý nguồn nước, thay đổi thói quen thực hành của người dân trong canh tác lúa tôm (trong sử dụng phân, thuốc và chi chép). Sử dụng các sản phẩm vi sinh để đảm bảo tính tự nhiên của môi trường. Áp dụng hệ thống chứng nhận theo hướng nâng cấp dần, có thể từ VietGAP, ASC, GlobalGap, ASIC…rồi sau đó mới lên hữu cơ (EU organic, NOP) để người dân hình thành dần thói quen thực hành sản xuất theo chứng nhận.
Xin cảm ơn ông!
Theo Sáu Nghệ (thực hiện)/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã