Vay 5 triệu đồng để làm nước mắm truyền thống
Sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Hoài Sơn (nay là TX Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), vừa tròn 15 tuổi cô gái Trần Thị Như Hoa đã đi theo cách mạng, công tác tại Tiểu đoàn 24, Trung đoàn 240 - Quân khu 5.
Năm 1971, bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên được đơn vị cử đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua Quân khu 5 và được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Sau khi đất nước giải phóng, năm 1976 bà Trần Thị Như Hoa xuất ngũ với cấp bậc thượng sĩ, chức vụ y tá.
Quay về quê nhà, khó khăn hiện ra trước mắt bà Như Hoa quá lớn, cha mẹ già yếu, các em còn nhỏ dại, nhà cửa bị chiến tranh tàn phá thảm khốc. Với 2 bàn tay trắng, bà Hoa cùng gia đình lên rừng chặt cây, cắt cỏ tranh làm nhà, phát dọn đất hoang trồng khoai, lúa… để có lương thực sống qua ngày.
Năm 1979, bà lập gia đình, chồng bà khi ấy là cán bộ thủy sản và bà theo chồng xuống biển sinh sống ở một làng chài nghèo (nay là phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn). Hằng ngày, hai vợ chồng bà quần quật với nghề làm mướn, làm thuê, ở đâu có việc là bà xông xáo tìm đến, chỉ mong bữa ăn đủ canh rau, nuôi con.
Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn ngủi chỉ được chừng vài năm, do cuộc sống quá khó khăn, chồng bà rời mái ấm đi nơi khác, thời điểm ấy một mình bà phải vượt qua nỗi đau, gồng gánh nuôi 4 đứa con, đứa nhỏ nhất chỉ vừa tròn 3 tuổi.
"Hằng đêm, tôi tự nhủ phải vượt qua được cảnh nghèo đói, nghĩ về con tôi càng có thêm động lực. Nghề đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là học cách làm nước mắm vì nghề này vừa ít vốn, lại dễ tiêu thụ. Ban đầu, mỗi ngày tôi đến các cơ sở làm nước mắm truyền thống ở địa phương để xem công đoạn sản xuất và xin nhận mua nước mắm mang đến các nơi vùng núi như: An Lão, Hoài Ân… cách nhà 30km để bán kiếm lời....", bà Hoa nhớ lại.
Lúc đi bán nước mắm rong, phải đi bộ nên nhiều chuyến phải ở lại 3 đêm, bà đành rớt nước mắt gửi con cho bà con trông nom hộ, cố bán hết nước mắm mới về trả nợ cho chủ.
Theo bà Như Hoa, sau thời gian "ăn dầm, nằm dề" ở các cơ sở ướp, chượp làm nước mắm truyền thống, bà đã nắm được kiến thức, kinh nghiệm cơ bản làm nước mắm.
Tận dụng mặt bằng của gia đình, cộng với số vốn ít ỏi nhờ vào việc bán nước mắm rong, bà mua cá cơm và muối về tự ủ nước mắm. Không có tiền thuê nhân công, bà Như Hoa làm tranh thủ, huy động những đứa con cùng tham gia.
Tích lũy kinh nghiệm làm nước mắm truyền thống qua thời gian và sau những lần thất bại, năm 1999 bà Trần Thị Như Hoa đã đánh cược cuộc đời mình với quyết định táo bạo thành lập cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa. Thời gian đầu, bà gặp vô vàn khó khăn vì thiếu vốn, thiếu trang thiết bị, cơ sản sản xuất và những đơn đặt hàng nước mắm.
"Bây giờ kể lại, tôi khởi nghiệp từ 5 triệu đồng tiền vay Ngân hàng Agribank nhưng rất ít người tin. Để có được thành công như hôm nay, tôi đã trải qua rất nhiều chông gai, niềm vui, hạnh phúc… xen lẫn lo âu nước mắt. Tất tần tật cung bậc cảm xúc của đời người", bà chủ cơ sở làm nước mắm Như Hoa nói.
Những lần vượt sóng gió
Mới bắt đầu bước chân vào nghề làm nước mắm truyền thống, bà Như Hoa đã áp dụng theo phương pháp làm nước mắm truyền thống của ông bà truyền lại. Chất lượng sản phẩm đạt chuẩn nhưng sản lượng không cao nên thu nhập bấp bênh.
"Cái khó ló cái khôn", bà bắt đầu tiếp cận công nghệ thông tin, tìm các bài báo viết về chuyên môn nước mắm, đọc thông tin trên mạng và tham gia các lớp tập huấn, học hỏi mô hình làm nước mắm. Từ đó bà áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nước mắm truyền thống.
Khi sản lượng và chất lượng nước mắm đều tăng dần và mang tính ổn định, nắm chắc lợi thế trong tay, bà Như Hoa mạnh dạng vay vốn mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay bà có 20 cơ sở phân phối nước mắm Như Hoa tại nhiều nơi ở tỉnh Bình Định và các tỉnh thành trong cả nước.
Năm 2018, sản phẩm nước mắm Như Hoa được công nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. Doanh số bán nước mắm, năm gần đây nhất (năm 2019) là 1.780 lít nước mắm các loại/tháng, bình quân lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.
Đan xen "buồn, vui" với nghề sản xuất nước mắm, có thời điểm bà Như Hoa từng nghĩ đến cảnh không thể sản xuất, chìm đắm trong nợ nần… vì những tin đồn ác ý.
Năm 2016, "rộ" lên tin đồn nước mắm truyền thống chứa chất asen (thạch tín), lập tức những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở tỉnh Bình Định, trong đó có cơ sở làm nước mắm của bà Hoa rơi vào cảnh khốn đốn, bởi người tiêu dùng quay lưng, tẩy chay.
Cùng gánh chịu trong tâm "bão asen", cơ sở nước mắm truyền thống Như Hoa của bà cũng gánh tổn thất nặng nề.
Chỉ trong vài ngày sau thông tin thất thiệt nước mắm chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng, thì gần như 20 đại lý lớn và 100 đại lý phân phối của bà ở khắp cả nước đều bị trả lại hàng, đơn hàng bị hủy hết.
"Làm nghề chân chính mấy chục năm, tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo phương pháp truyền thống để không ngừng khẳng định uy tín, chất lượng thương hiệu, nhưng tôi bị sốc trước thông tin nước mắm truyền thống chứa thạch tín. Hàng chục đại lý, nhà phân phối yêu cầu thu hồi sản phẩm. Tôi phải chạy đôn, chạy đáo ra Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh làm việc với đại lý và cam kết bồi thường sản phẩm nếu nước mắm của tôi không an toàn như thông tin mà Vinastas công bố", bà Hoa nhớ lại.
Sau những ngày "cơn bão thạch tín", nghề sản xuất nước mắm truyền thống được minh oan, các cơ sở sản xuất nước mắm vẫn chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều cơ sở tạm cho công nhân nghỉ làm vì không có đơn đặt hàng, có cơ sở chỉ vài đơn đặt hàng nhỏ lẻ.
Thế rồi, bà Như Hoa cùng các cộng sự gắn với nghề sản xuất nước mắm ở làng Tam Quan Bắc đoàn kết vượt qua, nhờ vào các kênh thông tin chính thống của Nhà nước, lên tiếng mạnh mẽ dập các tin đồn ác ý, sau 1 tháng trời "bầm dập"… các đơn hàng bắt đầu nhộn nhịp trở lại.
"Mới đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tuyến đường vận chuyển mắm đi Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn, giá thành vận chuyển cao bất thường nên đơn hàng èo uột. Rất may, dịch bệnh đã qua đi và mọi chuyện dần trở lại bình thường", bà Như Hoa chia sẻ.
Cho đi… để nhận lại
Bà Như Hoa cho rằng, trong kinh doanh, chữ tín, cái tâm với nghề là yếu tố quyết định sự thành bại. Khi đã tạo được niềm tin ở khách hàng thì phải cố mà giữ lấy, có giữ được sự tin tưởng của người tiêu dùng thì mình mới có động lực để phát triển hơn nữa.
Với phương châm kinh doanh ấy, chất lượng sản phẩm nước mắm Như Hoa luôn được coi trọng, từ khâu chọn nguyên liệu ban đầu đến khâu chế biến, đóng chai.
"Tôi làm nghề hơn 30 năm nay nhưng chưa có tổ chức nào kiểm tra mà phát hiện tôi có sai phạm, cũng chưa ai phạt tôi được đồng nào cả. Vì tôi thực hiện theo nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, lấy sức khỏe người tiêu dùng làm tiêu chí hàng đầu trong sản xuất", bà Như Hoa khẳng định.
Ngoài việc được biết đến là người kinh doanh thành đạt, ở địa phương bà Như Hoa còn nổi tiếng làm việc thiện, giúp đỡ các nông dân cầu tiến, ham học hỏi. Từ mô hình sản xuất hiệu quả, bà Như Hoa đã hướng dẫn cho 15 hộ dân biết cách kinh doanh nước mắm và đón tiếp, trao đổi kiến thức với nhiều người trong và ngoài tỉnh đến học hỏi.
Đặc biệt, bà Như Hoa còn cho 20 hộ dân lao động vay mượn không tính lãi với số tiền 500 triệu đồng để giải quyết khó khăn, xây dựng nhà ở, có hơn 10 hộ dân thoát nghèo bền vững nhờ bí quyết chia sẻ của bà.
Dịp Tết nguyên đán hằng năm, bà Như Hoa tặng hàng trăm lít nước mắm, chi tiền mặt để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương và xã An Dũng (huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định) – vùng đất kết nghĩa với phường Tam Quan Bắc.
Bà chủ cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa quan niệm, cuộc sống cho đi để nhận lại. Các phần quà, sự giúp đỡ của bà chỉ là những hỗ trợ nhỏ bé góp phần để những hộ dân khó khăn vượt qua giai đoạn nhất thời, đây là việc cần làm và không có gì to tát.
https://danviet.vn/vi-sao-nu-hoang-nuoc-mam-cua-tinh-binh-dinh-lai-duoc-binh-chon-nong-dan-viet-nam-xuat-sac-nam-2020-20201007181706189.htm
Theo Dũ Tuấn/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã