Học tập đạo đức HCM

Cơn khát nhân công làm lung lay chuỗi thực phẩm thế giới

Thứ ba - 07/09/2021 00:48
Chuỗi thực phẩm thế giới đang rung lắc mạnh vì Covid-19. Tại Việt Nam quân đội phải hỗ trợ cắt lúa; nông dân Anh thì đổ bỏ sữa, còn cà phê Brazil đã quá lứa...

Khủng hoảng thiếu nhân công khắp nơi

Jon DeVaney, Chủ tịch của Hiệp hội Cây ăn quả bang Washington thừa nhận, từ những công việc đòi hỏi sức vóc như thu hái cho đến những vị trí nhàn hạ hơn như đứng quầy thu tiền cũng đều khan hiếm. Ảnh: The Nation

Jon DeVaney, Chủ tịch của Hiệp hội Cây ăn quả bang Washington thừa nhận, từ những công việc đòi hỏi sức vóc như thu hái cho đến những vị trí nhàn hạ hơn như đứng quầy thu tiền cũng đều khan hiếm. Ảnh: The Nation

Tình trạng thiếu hụt lao động đang ảnh hưởng đến chuỗi thực phẩm gồm các trang trại, các dây chuyền chế biến và nhà hàng. Malaysia, nhà sản xuất dầu cọ số 2 thế giới, ước tính đã mất khoảng 30% sản lượng tiềm năng của dầu ăn được sử dụng trong mọi thứ, từ sô cô la đến bơ thực vật. Trong khi đó, sản lượng tôm ở miền Nam Việt Nam - một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới - đã giảm từ 60% đến 70% so với hồi trước đại dịch.

Nguyên nhân đều bắt nguồn từ các biện pháp, phong tỏa, giãn cách xã hội để ngăn ngừa làn sóng mới của đại dịch Covid-19 của các chính phủ khiến toàn bộ chuỗi sản xuất- cung ứng thực phẩm bị đứt gãy nghiêm trọng.

Nông dân trồng cà phê robusta ở Brazil cho biết, hạt cà phê của họ niên vụ này hiện đã quá 120 ngày, thay vì 90 ngày để thu hoạch như bình thường. Còn các công ty đóng gói thịt của Mỹ đang cố gắng câu kéo nhân viên mới bằng mọi cách để mời họ gia nhập các chuỗi cửa hàng đóng gói thức ăn nhanh. Tại Anh, nông dân cũng đang bán phá giá sữa hoặc đổ bỏ vì không có xe tải lạnh đến thu gom..

Dịch bệnh Covid-19 đang làm cho chuỗi thực phẩm ngày một tệ hơn. Từ người hái trái cây, công nhân lò mổ, tài xế xe tải, người điều hành kho hàng, đầu bếp hay bồi bàn, hệ sinh thái thực phẩm toàn cầu đều đang gặp phải khó khăn do khủng hoảng thiếu nhân công.

Đặc biệt là nguồn cung lương thực- thực phẩm đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, buộc không ít người sử dụng lao động phải tăng lương với tốc độ hai con số để kịp thu hoạch sản phẩm.

Nguyên nhân chính là do đại dịch coronavirus gây ra tình trạng thiếu hụt lao động cho nhiều bộ phận, mắt xích của nền kinh tế. Trong đó tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với các ngành thực phẩm và nông nghiệp, vốn nằm trong số những ngành công nghiệp ít tự động hóa nhất thế giới.

Decker Walker, chuyên gia kinh doanh nông sản của BCG tại Chicago cho biết: “Hầu như mọi dây chuyền sản xuất đều bị gián đoạn, cho dù hiệu ứng là khác nhau giữa các nơi hay tùy vào sản phẩm nhưng tựu chung lại điều kiện làm việc kém mong muốn nhất đang là vấn đề nan giải".

Có những dấu hiệu cho thấy, thiếu hụt lao động đang làm hạn chế nguồn cung chuỗi thực phẩm. Từ Mỹ cho tới Anh, nhiều cửa hàng đang cạn kiệt các mặt hàng thiết yếu như bánh mì và thịt gà, trong khi hãng McDonald's cũng cháy sản phẩm sữa lắc từ tháng 8...

Patrick Criteser, giám đốc điều hành của Hiệp hội Sữa Tillamook, cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm lao động với mức lương cao nhưng việc tuyển dụng rất khó khăn. Hợp tác xã sữa có trụ sở tại bang Oregon (Mỹ) gần đây thiếu nhân công đến mức một thành viên hội đồng quản trị đã phải bỏ cả họp hành để giúp đỡ khâu sản xuất.

Hiệp hội nông dân CIA (Ý) cho biết, 1/5 sản lượng cà chua ở miền nam nước này đã bị thất thu trong năm nay do nắng nóng bất thường và giao thông tê liệt.  Khâu thu mua và giao hàng bị trì hoãn hoặc hủy lệnh cũng đã buộc các nông dân  nuôi bò sữa của Anh như Mike King ở South Gloucestershire bán phá giá sữa hoặc đổ bỏ, trong khi các cửa hàng thì khan hiếm. Ông King ước tính, ông đã mất khoảng 20.000 lít sữa tươi và cho biết nhiều hộ nuôi bò sữa đã không còn buồn vắt sữa do thiếu lao động.

Các chuyên gia dự báo, tình trạng thiếu nhân công làm đội thêm chi phí sản phẩm sẽ không biến mất khi đại dịch kết thúc. Nguyên nhân là do tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vốn dĩ đã giảm trong nhiều thập kỷ, do sự chuyển dịch từ nông thôn sang các đô thị, và việc thuê mướn nhân công đã trở nên khó khăn từ rất lâu trước cả khi coronavirus xuất hiện.

An ninh lương thực bị đe dọa

Giới phân tích cho rằng, khủng hoảng lao động làm đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực- thực phẩm đang có nguy cơ đẩy giá thực phẩm - vốn đã nóng do hàng hóa và chi phí vận chuyển tăng cao, thậm chí sẽ còn tăng cao hơn trong thời gian tới.

Cà phê rosbuta ở Brazil đã chín quá 120 ngày, thay vì 90 ngày là thời điểm thu hoạch tốt nhất. Ảnh: SMF

Cà phê rosbuta ở Brazil đã chín quá 120 ngày, thay vì 90 ngày là thời điểm thu hoạch tốt nhất. Ảnh: SMF

Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) cho biết: Chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm trong tháng 8 vừa qua đã tăng tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài đại dịch Covid-19, ở nhiều nơi tình trạng khan hiếm lao động cũng đang gây ra những vấn đề đau đầu đối với hệ sinh thái lương thực thế giới. Thời tiết khắc nghiệt từ Brazil đến Pháp đã ảnh hưởng đến mùa màng thu hoạch của nông dân. Giá vât tư nông nghiệp và giống má tăng cao đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi và do đó sẽ tác động đến giá thực phẩm. Chưa kể chi phí vận tải nhảy múa do nhu cầu tăng vọt, khủng hoảng thiếu container và các cảng biển quá tải, bắt nguồn từ việc đóng cửa tạm thời từ năm ngoái hiện vẫn chưa thể phục hồi.

Theo hãng Boston Consulting Group, an ninh lương thực là một vấn đề nhạy cảm ở nhiều nơi trên thế giới và tỷ suất lợi nhuận thấp đồng nghĩa với việc chi phí tăng cao thường bị chuyển sang cho người mua.

Thậm chí ngay cả khi các nhà hàng và nhiều doanh nghiệp đã mở cửa trở lại ở Mỹ và các khu vực của châu Âu - thúc đẩy nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa như thịt và đồ uống đóng chai, nhưng do biến thể Delta đang hoành hành ở những nơi có nguồn cung lớn như Đông Nam Á, khiến cho cung và cầu không thể gặp nhau.

Ông Walker cho biết: “Nền kinh tế hiện tại đang tạo ra những ‘lựa chọn chưa từng xảy ra trong quá khứ’. Trong khi cả thế giới đang thiếu hụt nhân công, thừa việc làm thì ngay cả việc lấp đầy những công việc ít mong muốn nhất như lao động chân tay cũng trở nên khó khăn hơn”.

Mức lương và các quyền lợi cao hơn có thể làm cho thỏa thuận trở nên ngọt ngào hơn. Hãng fastfood đa quốc gia Chipotle Mexican Grill Inc gần đây đã tăng giá thực đơn ở Mỹ lên tới 4%, sau khi buộc phải tăng lương trung bình lên 15 USD/giờ cho người lao động.

Một quan chức của tập đoàn cho biết, công nhân mảng chế biến thịt lợn tại nhà máy Smithfield Foods ở bang Nam Dakota đã nhận được những phần quà như đồng hồ Apple hoặc iPad sau khi họ hoàn thành 60 ngày làm việc đầu tiên. Giám đốc điều hành Daniele di Martino cho biết, chuỗi cửa hàng pizza Rossopomodoro, có trụ sở chính ở châu Âu hiện đã buộc phải tăng mức lương cơ bản lên 50% ở London.

Nhưng tiền là không đủ. Đó là quan điểm của ông Sunny Verghese, giám đốc điều hành của tập đoàn kinh doanh nông sản khổng lồ Olam International Ltd đang hoạt động tại 60 quốc gia.

Đại diện tập đoàn thịt khổng lồ Tyson Foods cho biết, mặc dù dây chuyền đóng gói thịt đã đạt được những tiến bộ đáng kể về an toàn kể từ năm ngoái, nhưng giờ đây họ đang phải vật lộn chống lại biến thể Delta, điều đó đã làm chậm lại “dòng chảy gia súc” đi qua các lò mổ của hãng. "Chúng tôi đang quay trở lại một quỹ đạo tốt thì biến thể Delta xuất hiện và buộc chúng tôi phải lùi lại thêm một bước", CEO Donnie King chia sẻ với các nhà đầu tư.

Những thay đổi mang tính dài hơi hơn đối với thị trường lao động đang đòi hỏi thêm các giải pháp công nghệ và đầu tư vào mảng tự động hóa hay robot như đã phát triển nhanh trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên theo Cindy van Rijswick, nhà phân tích cấp cao tại Rabobank, sẽ phải mất nhiều năm nữa nông dân mới có thể sử dụng robot thành thạo. Và hệ quả là giá thực phẩm sẽ phải tăng lên để bù đắp cho người lao động.

https://nongnghiep.vn/con-khat-nhan-cong-lam-lung-lay-chuoi-thuc-pham-the-gioi-d301955.html
Theo Kim Long/nongnghiep.vn

(The Nation)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập333
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại813,762
  • Tổng lượt truy cập90,877,155
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây