Quảng Nam có diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm tương đối lớn với khoảng 96.500ha. Do đó, việc đảm bảo nước tưới là rất quan trọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 73 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 17 hồ lớn do Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam (Cty Thủy lợi Quảng Nam) quản lý. Số còn lại thuộc quản lý của các địa phương.
Mặt khác, địa phương này lại nằm ở khu vực miền Trung, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão. Do đó, việc đảm bảo an toàn, chống xâm phạm các công trình thủy lợi rất được địa phương coi trọng. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du mà còn đáp ứng yêu cầu tích nước, điều tiết tưới tiêu trong những mùa khô hạn.
Theo đại diện Cty Thủy lợi Quảng Nam, hầu hết các công trình thủy lợi, hồ chứa trên địa bàn đều được xây dựng từ lâu, tuổi thọ lên đến vài chục năm. Do đó, nhiều hạng mục của các hồ chứa đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Xác định được tính chất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, hàng năm, tỉnh Quảng Nam đều thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đánh giá. Từ đó thống kê, báo cáo và bố trí các nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, ngân sách các dự án để tu bổ, nâng cấp. Công việc này sẽ hoàn thành trước ngày 31/8 hàng năm, thời điểm mùa mưa bão chuẩn bị bắt đầu.
Ông Đào Văn Thiên, Phó giám đốc Cty Thủy lợi Quảng Nam cho biết, vừa qua, theo Luật Thủy lợi và Luật Phòng chống thiên tai, đơn vị này cũng phối hợp với các ngành chức năng cũng đã hoàn thành công tác kiểm tra an toàn hồ đập ở 17 hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, có 12 hồ chứa đảm bảo an toàn đập và tích nước và sẵn sàng công tác phòng chống lụt bão. Còn 5 hồ gồm hồ Thái Xuân (huyện Núi Thành), hồ Hương Mao, Hồ Hố Giang (huyện Quế Sơn), hồ Cao Ngạn (huyện Thăng Bình), hồ Đá Vách (huyện Tiên Phước) đang trong quá trình nâng cấp.
“Những hồ này đang sửa chữa tràn xả lũ, gia cố đập đất và sửa chữa cống lấy nước. Tiến độ thi công đang được đẩy nhanh, những hạng mục quan trọng, đảm bảo tích nước sẽ nhanh chóng hoàn thành. Còn những hạng mục thứ yếu hơn sẽ hoàn thành sau vì các dự án nâng cấp, sữa chữa này chưa kết thúc. Hiện nay khó khăn nhất vẫn là phần cống xả nước. Bởi các hồ đang trong giai đoạn hoạt động phục vụ tưới tiêu nên phải cắt nước vào cuối vụ mới xử lý được”, ông Thiên nói.
Bên cạnh việc kiểm tra, xác định những hạng mục hư hỏng, xuống cấp để gấp rút khắc phục, đảm bảo an toàn thì vấn đề xử lý các vi phạm ở những công trình thủy lợi cũng được các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đặc biệt chú ý.
Theo ông Nguyễn Thái Nam, Chánh thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, so với các tỉnh phía Bắc và phía Nam thì việc xâm phạm các công trình thủy lợi ở Quảng Nam rất ít. Tại địa phương từ trước tới nay, mỗi năm đơn vị này chỉ kiểm tra, xử lý khoảng từ 2 – 3 vụ việc có hành vi xâm phạm.
Có thể kể đến 1 trường hợp xảy ra vào năm 2020 tại hồ Thái Xuân. 01 hộ dân dựng nhà trên thân đập của hồ chứa này. Vị trí người dân này dựng nhà đã được cấp quyền sử dụng đất. Do vậy, cơ quan chức năng đã tiến hành tuyên truyền, vận động không xây dựng các công trình trên phạm vi an toàn hồ đập và được hộ dân này chấp hành.
Hoặc mới đây, tại hồ Khe Tân (huyện Đại Lộc), do nhà cửa bị đổ sập trong cơn bão vào cuối năm 2020, 1 hộ dân ở xã Đại Chánh (huyện Đại Lộc) đã dựng căn nhà kiên cố hơn trong phạm vi an toàn đập. Sự việc được chi nhánh của Cty Thủy lợi Quảng Nam phát hiện và báo cáo lên Sở NN-PTNT.
“Sau đó, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo cho Chi cục Thủy lợi cùng thanh tra ngành xử lý vụ việc trên tinh thần vận động tuyên truyền và giải thích cho người dân hiểu. Bởi khu vực này có đến 19 hộ dân. Nếu không phát hiện kịp thời và cảnh báo thì tình trạng xâm phạm sẽ có nguy cơ tiếp diễn.
Cùng với đó, phía Cty đã làm việc với chính quyền xã mời người dân vi phạm cùng những hộ trong khu vực này làm đơn cam kết không xây dựng nhà cửa trên phạm vi an toàn hồ đập. Nhìn chung, các hành vi xâm phạm công trình thủy lợi trên địa bàn không đến mức nghiêm trọng và cũng do nhiều yếu tố tác động nên địa phương đa phần dừng ở mức tuyên truyền, vận động chứ chưa có trường hợp nào bị xử phạt nặng”, ông Nam nói.
Được biết, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Quyết định số 01/2019 quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. Trong đó, sẽ căn cứ theo cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Đối với nhà, đất, công trình xây dựng khác đang sử dụng hợp pháp thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thì chủ của các công trình này được tiếp tục sử dụng theo đúng mục đích đã được pháp luật thừa nhận và không gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình thủy lợi.
Trường hợp việc sử dụng gây ảnh hưởng thì phải có biện pháp khắc phục. Nếu không thể khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nhà, đất, công trình xây dựng khác đang sử dụng bất hợp pháp, thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thì phải tháo dỡ để hoàn trả lại nguyên trạng đất và không được bồi hoàn. Nếu xét thấy cần thiết phải hỗ trợ kinh phí để tháo dỡ, di chuyển chỗ ở thì công trình thủy lợi do UBND cấp nào quản lý sẽ xem xét từng trường hợp để xử lý.
Ông Đào Văn Thiên, Phó giám đốc Cty Thủy lợi Quảng Nam cho biết thêm, ngoài những vụ việc vi phạm ở nói trên thì tại Quảng Nam còn xảy ra tình trạng chăn thả trâu bò trên mái đập. Đối với vấn đề này, đơn vị cũng đã có phương án dùng dây thép rào lại. Ngoài ra, Cty cũng có văn bản gửi các địa phương cấm người dân sử dụng ghe thuyền đi lại trong lòng hồ để đánh bắt cá hoặc khai thác, vận chuyển gỗ keo gây ảnh hưởng đến các công trình.
“Về công tác tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi xâm phạm công trình thủy lợi, chúng tôi đã thực hiện việc cắm mốc phạm vi an toàn hồ đập; dựng các pano, áp phích dọc các công trình để cho người dân nắm được những điều cấm theo Luật Thủy lợi. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên phát tờ rơi, dùng loa phát thanh có treo các pano áp phích trên xe ô tô, chạy dọc công trình để tuyên truyền cho người dân”, ông Thiên thông tin.
Ngày 31/5 vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định phê duyệt Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Cảnh báo an toàn, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ các công trình đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Quy mô của công trình bao gồm: Xây dựng bản đồ cắm mốc tỷ lệ 1/1.000 và lập hồ sơ quản lý mốc; xác định vùng phụ cận bảo vệ đập; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ các công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn; xây dựng các bảng tuyên truyền về Luật Thủy lợi tại các vị trí mà người dân thường xuyên qua lại thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Kinh phí thực hiện gần 15 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2021 – 2023.
https://nongnghiep.vn/dam-bao-an-toan-ho-dap-trong-mua-mua-lu-d301892.html
Theo Lê Khánh - Kim Sơ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã