Với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, chiều 28/9, tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần thứ ba đối thoại với nông dân (lần đầu, tháng 4/2018, tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương; lần thứ hai, tháng 12/ 2019, tại TP. Cần Thơ).
Sau hai lần đối thoại trước, nhiều vướng mắc trong phát triển sản xuất đã được Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ, nhiều quyết sách khơi dòng động lực được ban hành, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Thực tế là, trong nhiều năm qua, triển khai quyết sách của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp Việt Nam đã đổi thay mạnh về tổ chức và quy mô sản xuất, giá trị và thương hiệu nông sản, chất lượng nông sản và mở rộng thị trường… Trong năm 2020, năm đặc biệt khó khăn bởi đại dịch Covid-19 tác động đến toàn thế giới và biến đổi khí hậu khó lường, nông nghiệp Việt vẫn đạt thắng lợi kép, vừa được mùa, được giá, vừa tiếp tục mở rộng thị trường. Và trên hết, nông dân Việt đã hình thành tư duy kinh tế nông nghiệp.
Hai lần đối thoại trước, chủ yếu tập trung đối thoại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Lần đối thoại này, ngoài những vấn đề trên còn có nhóm nội dung: giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, ổn định đời sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Ngay sau từng câu hỏi, kiến nghị của đại biểu (22 ý kiến), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều trả lời trực tiếp kết hợp yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành làm rõ hơn từng vấn đề, gỡ từng vướng mắc.
Đánh giá chung, Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả đạt được là rất tích cực nhưng nông nghiệp, nông thôn và người nông dân còn nhiều khó khăn. Phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc chính là nội hàm quan trọng hàng đầu, là bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để hơn 14 triệu hộ nông dân không bị bỏ lại phía sau và nông nghiệp Việt đi nhanh hơn, xa hơn, ngay tại phiên đối thoại, nhiều việc “cần làm ngay” đã được Thủ tướng chỉ đạo cụ thể. Hy vọng những việc cần làm ngay được làm ngay.
"Nông nghiệp luôn là mỏ vàng nhưng nếu không biết khai thác thì cũng sẽ cạn kiệt và kém hiệu quả…", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi kết luận phiên đối thoại.
Sau phiên đối thoại của Thủ tướng với nông dân lần thứ ba, Kinh tế nông thôn nhận được nhiều ý kiến từ bạn đọc. Nhận xét chung là: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Chính phủ này đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là rất rõ ràng. Bà con nông dân cũng rất nỗ lực trong thay đổi phương thức canh tác, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở liên kết, mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, hiệu quả cao, gắn với thị trường.
Nhiều ý kiến đồng thuận cao với nhận xét: “Nông nghiệp là mỏ vàng nhưng nếu không biết khai thác thì cũng sẽ cạn kiệt và kém hiệu quả…” của Thủ tướng. Trong đó không ít ý kiến cho rằng, để khai thác “vàng” hiệu quả cao, bền vững thì cả các cấp chính quyền, bộ ngành chức năng, doanh nghiệp và người nông dân phải cùng chung ý chí để cùng hành động đồng bộ.
Theo đó, đầu tiên là, sớm sửa Luật Đất đai 2013 về tập trung, tích tụ đất đai, cơ chế góp đất của người nông dân với doanh nghiệp.
Thứ hai, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất phải gắn với cơ sở nghiên cứu giống và chế biến với công nghệ hiện đại.
Thứ ba, chuỗi liên kết Nhà nước – Nhà nông – Doanh nghiệp – Nhà khoa học – Ngân hàng – Nhà cung ứng, tiêu thụ chưa chặt chẽ, chưa được ràng buộc bởi những quy định của Nhà nước.
Thứ tư, quy trình canh tác thân thiện môi trường, bảo vệ tài nguyên mới là khuyến cáo, động viên chứ chưa phải là yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ.
Thứ năm, hạ tầng sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ nông sản chưa được quan tâm đầu tư đúng mức khiến giá thành nông sản thiếu cạnh tranh.
Thứ sáu, việc đào tạo nghề cho nông dân tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa bám sát quy hoạch sản xuất và thị trường lao động.
Thứ bảy, cần hài hòa giữa tiêu dùng nội địa với đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu Việt.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã