Học tập đạo đức HCM

Du lịch không rác thải

Thứ tư - 15/07/2020 10:42
Đã có người nghệ sĩ dùng nghệ thuật nhiếp ảnh, niềm đam mê của mình truyền đạt lại thực trạng báo động về rác thải nhựa tại Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng với rác thải nhựa tại Côn Đảo. 

Nỗi ám ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) trong chuyến đi xuyên Việt chụp ảnh "săn rác" là một bờ biển ngập rác dài nhiều km đến mức không nhìn thấy cát. Người dân nhiều nơi có vẻ quen với việc tắm biển chung với rác. Quá sốc vì một bờ biển tìm cát lại khó hơn rác thải nhựa, Lekima Hùng quyết định dùng nghệ thuật nhiếp ảnh, niềm đam mê của mình truyền đạt lại thực trạng báo động về rác thải nhựa tại Việt Nam. 

Sau khi tìm hiểu về rác thải nhựa tại Việt Nam, Lekima Hùng quyết định thực hiện chuyến đi xuyên Việt. Anh đã dành khoảng một năm để xây dựng kế hoạch, mục tiêu thực hiện và hy vọng các bức ảnh sẽ thay đổi nhận thức cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý để thay đổi nhận thức, hành vi của mình trong tương lai.

Sát thủ kinh hoàng của đại dương có phải là rác thải nhựa không, thưa anh?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Đúng vậy, các vùng biển ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề rác thải nhựa. Việt Nam hiện là một trong bốn quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhất thế giới với việc xả thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm. Đặc biệt, túi nilon, chai nhựa, ống hút, cốc bát nhựa... được sử dụng rất nhiều bởi đặc tính “sống lâu”, bền, nhẹ và rẻ của nó, nhưng chúng lại là những sát thủ kinh hoàng của đại dương.

Hơn 50 năm trước, kể từ khi được phát minh, nhựa đã thay đổi cuộc sống của chúng ta rất nhiều, chủ yếu là theo chiều hướng tích cực. Đây là một điều mà ít phát minh nào làm được. Nhựa giúp giảm trọng lượng của xe hơi, xe máy và máy bay, nhờ đó tiết kiệm năng lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhựa giúp giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn. Nhựa cứu nhiều mạng sống mỗi ngày khi chúng là túi khí, lồng ấp trẻ sinh non, mũ bảo hiểm, hay đơn giản là những vật dụng mang nước sạch đến cho người nghèo. Chúng ta có thể thấy rằng sử dụng nhựa gần như là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống bởi thực tế nó mang đến các lợi ích chưa thể thay thế được. 

Thế nhưng từ khi nào mặt tối của một thứ thần kỳ như nhựa lại xuất hiện? Phải chăng đó là khi con người phát hiện rác các mảnh vỡ của cánh máy bay trôi nổi trên đại dương và các loại rác thải nhựa vẫn còn nguyên dạng cùng màu sắc tươi mới trong khi năm sản xuất là từ cách đó hàng chục năm. Điều đó có nghĩa là gì? Câu hỏi về độ bền thực sự của nhựa là bao lâu khi ấy thực sự là một lời cảnh tỉnh với giới khoa học và con người bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ sống chung với rác nhựa. 

Ảnh hưởng của rác thải nhựa dần lộ diện rõ hơn khi việc xử lý rác thải nhựa và hệ thống tái chế đồ nhựa ở Việt Nam nói riêng hay trên thế giới nói chung đang chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Kết quả là mỗi năm có thêm khoảng 8 triệu tấn rác thải đổ vào đại dương. 

Buồn thay, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong các nước xả rác nhựa ra đại dương nhiều nhất. Vậy bạn muốn để lại gì cho các thế hệ sau? Một trái đất toàn rác thải nhựa, một đại dương toàn nhựa hay một đại dương đầy cá?

Giải pháp lâu dài cho vấn đề rác thải nhựa theo anh là gì?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Chúng ta làm đủ thứ để nhựa có thể thực hiện được vai trò của nó, thế nhưng chúng ta chưa đả động mấy đến chuyện sau khi dùng xong nhựa thì sao. Giải pháp lâu dài cho vấn đề rác thải nhựa chính là thực hành Từ chối – Tiết giảm – Tái chế (3T). 

Tôi rất muốn chia sẻ về việc giảm sử dụng nhựa, nhất là nhựa dùng một lần trong các chuyến du lịch. Chỉ có thực hành 3T của bạn mới làm nên thay đổi.

Làm thế nào để du lịch không rác thải nhựa?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt HùngRác thải nhựa có thể từ ở những vùng rất xa biển, trôi theo các dòng sông và khi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. 80% rác thải đại dương xuất phát từ đất liền. Do tác động của môi trường như nước biển, tia cực tím, rác nhựa sẽ phân rã thành những hạt vi nhựa và có thể bị các loài sinh vật biển ăn phải. Các sinh vật này sau đó có thể có mặt trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta.

Bên cạnh đó, rác thải nhựa cũng đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với ngành du lịch. Ước tính rác thải đại dương làm thiệt hại đến 622 triệu USD/năm cho ngành du lịch của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các cảnh quan bị phá huỷ bởi rác thải nhựa, các bãi biển xinh đẹp bị xâm lấn bởi rác. Các thành phố và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng thì tốn rất nhiều tiền của cho việc thu gom và làm sạch các địa điểm du lịch. TP. Nice của Pháp phải chi tới 2 triệu Euro/năm để làm sạch các bãi biển của thành phố. 

TP. Kiên Giang với các bãi biển xinh đẹp cũng đang chịu sự xâm lấn không nhỏ của rác thải nhựa. 12 bãi rác tại Kiên Giang đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân trên đảo ngọc Phú Quốc oằn mình sống chung với rác. 

Thành phố năng động Đà Nẵng cũng đang đối diện với tình trạng bãi rác duy nhất đã quá tải. 

Phú Yên với "hoa vàng trên cỏ xanh" đang đứng trước lựa chọn của sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp không khói hay sẽ đi theo vết xe đổ của những thành phố du lịch khác khi mà 90% bãi rác tại Phú Yên chưa chôn lấp hợp vệ sinh và đang báo động quá tải. 

Thay đổi trong nhận thức và hành động của tất cả mọi người sẽ không diễn ra ngay lập tức, nhưng bạn có thể chọn thay đổi hành vi của mình ngay hôm nay trong chính những chuyến đi của mình. 

 

 

Rác thải nhựa, túi ni lông vứt đi ngày hôm nay rồi sẽ quay trở lại với chính chúng ta. Ảnh: Hùng Lekima

Là một nghệ sĩ yêu những chuyến đi, anh có thể chia sẻ về kinh nghiệm đi du lịch không rác thải nhựa của mình?

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Đầu tiên trong các chuyến du lịch của mình tôi thường mang theo bình nước cá nhân, và mỗi khi đến các khách sạn hay nhà hàng tôi có thể tiếp nước nhằm hạn chế tối đa mua chai nhựa. Một chai 250 ml giữ nhiệt có thể nhét vừa trong một túi đeo chéo nhỏ hàng ngày của tôi. 

Đồng thời, để hạn chế dùng bàn chải, lược, dầu gội hay dao cạo dâu dùng 1 lần ở khách sạn, tôi luôn mang theo túi đồ cá nhân có đủ các vật dụng cá nhân đó. Việc này vừa an toàn, chủ động, dùng đồ tốt vừa hợp ý thích của mình mà hạn chế dùng nhựa một lần rất nhiều, đặc biệt khi bạn thường xuyên đi lại.

Không những vậy, trong các chuyến du lịch tôi tổ chức, ngoài khuyến cáo mọi người mang theo đồ dùng cá nhân, thì tôi cũng hay mua các bình nước to, loại 5 lít để tiếp nước vào các bình nước cá nhân của các thành viên trong đoàn. Có chuyến chúng tôi còn mang theo các bình nước lớn, để ở nơi nghỉ, cho mọi người dùng và tiếp nước cho các bình cá nhân hàng ngày.

Khi đi dã ngoại, việc tự chuẩn bị các vật dụng cá nhân càng cần thiết hơn, nhưng chúng ta cần hết sức lưu ý rằng đó nên là những vật dụng có thể dùng lại nhiều lần thay vì đồ nhựa dùng một lần rồi vứt đi. Đa phần những nơi cắm trại hay leo núi ở Việt Nam hệ thống thu gom rác thải chưa thực sự tốt. Sẽ không có sẵn các thùng rác hay người dọn dẹp vệ sinh như ở các nhà hàng, khách sạn. Do đó, hãy hạn chế tối đa lượng rác bạn sẽ thải ra trong những chuyến đi hoà mình vào thiên nhiên. 

Chúng ta muốn tìm về thiên nhiên, muốn tận hưởng sự yên tĩnh, muốn giấu lại những vẻ đẹp từ hùng vĩ tới đẹp mê mẩn của thiên nhiên, cách xa thế giới văn minh nhộn nhịp và ôm lấy sự thanh bình tĩnh lặng của mẹ trái đất. Núi non hay biển cả sẽ dạy bạn biết quý những trải nghiệm, những nền văn hóa nằm ngoài giới hạn của bạn thì không có lý do gì chúng ta lại phá hủy nó. Hãy bảo vệ những thắng cảnh ấy từ chính hành động cụ thể là không xả rác bừa bãi, đặc biệt là loại rác khó phân hủy như rác thải nhựa. Hãy bỏ rác vào thùng và nhắc nhở những người bạn đồng hành của mình cùng làm theo. 

Nếu không có thùng rác, cái nào đem về được thì đem về, cái nào có khả năng phân hủy nhanh thì có thể đốt (nhớ đào lỗ để đốt và đảm bảo lửa đã tắt hoàn toàn khi rời đi). Nhưng tất nhiên, tôi vẫn khuyến khích mang rác về đặc biệt là những vật dụng có thời gian phân hủy rất rất lâu như túi nilon, ly nhựa. Chúng tôi thường thuê người nhặt rác và mang về trong các chuyến leo núi. 

Bạn sẽ làm được khi bạn lên kế hoạch và có phương án cho nó. Hãy đừng để lại gì ngoài những dấu chân và hãy đừng mang theo gì ngoài những bức ảnh và trải nghiệm vô giá mà bạn có được. 

Chưa bao giờ trái đất bị đe dọa khủng khiếp như hiện nay. Chúng ta cần phải hành động ngay nếu không sẽ là quá muộn để bảo vệ ngôi nhà duy nhất của chính mình và con cháu chúng ta. 

Nếu chúng ta không làm từ bây giờ, chắc chắn con cháu chúng ta sẽ chịu hệ quả từ rác thải nhựa. Mỗi người chúng ta hãy cùng góp thêm tiếng nói và hãy hành động để giúp mọi người thay đổi nhận thức, làm biển Việt Nam đẹp hơn, sạch hơn.

Nhật Nam

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập234
  • Hôm nay37,369
  • Tháng hiện tại695,438
  • Tổng lượt truy cập90,758,831
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây