Hội nghị giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến với sự tham gia của Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, đại diện Sở NN-PTNT các địa phương cùng một số doanh nghiệp trong ngành.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, trong tình hình Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay, hoạt động thương mại bị ảnh hưởng do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, mối nguy từ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu đối với các ngành chăn nuôi, thủy sản.
"Ví dụ như dịch tả lợn châu Phi vẫn xuất hiện ở các ổ dịch nhỏ, hay dịch cúm H5N6 ở gia cầm. Mặc dù chưa gây ảnh hưởng lớn nhưng nếu không có các biện pháp kịp thời, có vacxin thì sẽ gây khó khăn cho sản xuất. Chưa kể đến các bệnh trên tôm, cá tra, nhuyễn thể... do ảnh hưởng của khí hậu thay đổi”, Thứ trưởng cho biết thêm.
Ngoài ra, theo ông, thị trường tiêu thụ cũng đã có nhiều thay đổi, do đó yêu cầu người sản xuất phải có sự đổi mới, áp dụng công nghệ để có thể đáp ứng được nhu cầu của người mua ví dụ như truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh khó khăn do giá thức ăn tăng, hiện cao hơn khoảng 20-30% so với trung bình khiến giá thành và giá bán tăng theo.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong cơ cấu giá thành sản xuất thủy sản thì thức ăn chiếm khoảng 50-70%, trung bình là 60%.
Do đó, đây là yếu tố rất nhạy cảm khi giá cả biến động, sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng rủi ro cho lĩnh vực thủy sản đặc biệt là giảm sức cạnh tranh cho các sản phẩm thủy sản.
“Trước đây, khi giá thức ăn chưa tăng, chi phí sản xuất thủy sản của Việt Nam đã cao hơn một số quốc gia trong khu vực. Vì vậy, Tổng cục Thủy sản đang cùng với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tìm ra giải pháp để giảm tối đa tác động của việc chi phí thức ăn tăng lên đối với hiệu quả sản xuất của ngành thủy sản trong năm 2021”, ông Luân chia sẻ.
Một số giải pháp được triển khai đồng bộ hiện nay đó là tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí trong sản xuất. Bên cạnh đó, tổ chức quản lý tốt để giảm rủi ro bằng cách quan trắc, dự báo môi trường thời tiết, giúp người dân chủ động phòng tránh.
“Ngành thủy sản đang áp dụng công nghệ để tăng tỷ lệ sống, tăng tốc độ tăng trưởng, tối ưu hóa khả năng sinh học của các đối tượng thủy sản. Ngoài ra, việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ sinh học để giảm chi phí thức ăn trong sản xuất, thay đổi hệ số chuyển đổi thức ăn để tiết kiệm, giảm giá thành”, ông Trần Đình Luân cho biết thêm.
Thêm một giải pháp nữa là các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi tăng cường liên kết, giảm các khâu trung gian để giá bán đến tay người chăn nuôi, đồng hành cùng bà con trong thời gian này.
Theo ông Luân, thời gian qua, các doanh nghiệp thay vì bán đến các hộ nhỏ lẻ đã tiếp cận thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác để cung cấp trực tiếp vật tư, vừa tăng cường liên kết, vừa chuyển giao được công nghệ và vừa giảm được các khâu trung gian.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành gia cầm, trong khi đó giá trứng, thịt lại đều đang giảm khiến người nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Nguy cơ xa hơn là việc giảm quy mô đàn do không đủ khả năng duy trì sẽ khiến nguồn cung vào Quý II, III năm 2021 bị giảm.
“Để vượt qua giai đoạn này, tôi cho rằng các doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi nên chia sẻ cùng với người dân, hạn chế tăng giá trong thời gian này. Trong khi đó, người chăn nuôi thì cố gắng duy trì quy mô và tăng đàn để phục vụ nhu cầu vào các quý cuối năm”, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề áp dụng giá trần đối với thức ăn chăn nuôi như một số quốc gia đang áp dụng thì ông Dương cho rằng điều này là chưa cần thiết và nên chấp nhận để quy luật cung - cầu của thị trường quyết định giá.
Nói về giải pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN-PTNT sẽ rà soát lại một số cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ để trình Chính phủ giảm một thuế một số nguyên liệu nhập khẩu như ngô, lúa mì…
"Đồng thời Bộ sẽ đề nghị các công ty sản xuất thức ăn cần tối đa hóa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu, giảm các chi phí sản xuất để giảm giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm, giữ ở mức độ hợp lý", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ngoài thảo luận về vấn đề giá thức ăn chăn nuôi, cũng có nhiều ý kiến được đưa ra để phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương nói, diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại và các bệnh mới nổi, như viêm da nổi cục trâu, bò... gây phát sinh tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, tăng trưởng chăn nuôi.
Theo ông Dương, thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật giống, thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi; đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia ngành chăn nuôi, mã định danh quốc gia cho các cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi và hướng dẫn các địa phương triển khai thi hành Luật Chăn nuôi.
Về thủy sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, những khó khăn chính mà lĩnh vực thủy sản đang gặp phải là hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến vẫn giao nhiệm vụ, Tổng cục Thủy sản phải đạt sản lượng 8,6 triệu tấn thủy sản (nuôi trồng 4,75 triệu tấn và khai thác 3,85 triệu tấn), xuất khẩu đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD trong năm 2021.
Để đạt kết quả này, ông Trần Đình Luân cho biết, ngành thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng.
Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Bộ và các viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, tìm giải pháp công nghệ, tìm nguồn nguyên liệu thay thế các nguyên liệu đang khan hiếm và có giá thành cao để chủ động sản xuất.
Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tích cực phối hợp với các đơn vị xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới cho tiêu thụ sản phẩm thủy sản; tổ chức nắm bắt, phân tích, dự báo tốt thị trường để kịp thời điều tiết sản xuất trong nước.
https://nongnghiep.vn/gia-thuc-an-chan-nuoi-tang-cao-giai-quyet-the-nao-d289252.html
Theo Tùng Đinh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã