Nhiều hộ nuôi tôm đang rất hoang mang vì giá tôm giảm mạnh.
Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 14 ngàn hộ dân nuôi tôm theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh, với diện tích hơn 8.000ha, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Tính tới thời điểm này, giá tôm thẻ chân trắng giảm từ 15 - 22 ngàn đồng; tôm sú giảm từ 70 đến 150 ngàn đồng so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do nhiều quốc gia ngừng nhập khẩu để tránh dịch bệnh COVID-19 lây lan. Tình trạng này dẫn đến nhiều hộ nuôi phải cân nhắc, tính toán kỹ lợi nhuận mới dám thu hoạch tôm.
Ông Châu Trung Trực, ngụ ấp Tân Long, xã Tân Duyệt cho biết: “Tôi chuyển sang tôm siêu thâm canh hơn 1 năm nay. Với những vụ nuôi trước đây vụ nào tôi cũng lãi vài trăm triệu đồng. Nhưng vụ nuôi này, giá tôm giảm mạnh thêm tôm chậm lớn nên tôm chỉ đạt kích cỡ 80 con/kg tôi cũng phải lên hầm và chịu lỗ khoảng 200 triệu đồng. Nếu kéo dài thời gian nuôi, phát sinh thêm chi phí, mỗi ngày hơn 10 triệu đồng nên càng lỗ hơn”.
Hộ ông Ngô Thành Cư, ấp Voi Vàm, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển cũng đang hoang mang vì giá tôm giảm mạnh như hiện nay. Ông Ngô Thành Cư cho biết: “Gia đình tôi có 2 ao nuôi tôm công nghiệp, mỗi ao khoảng 2.000m2, hiện nay tôm khoảng 110 con/kg. So với trước dịch bệnh Covid-19, với kích cở tôm này tôi đã có lãi, nhưng với giá tôm như hiện nay nếu thu hoạch sẽ lỗ nên tôi phải nuôi cho tôm về khoảng 30 - 40 con mới dám thu hoạch. Mong lúc đó giá tôm phục hồi như trước khi xảy ra dịch thì mới có lời”.
Giá tôm thẻ chân trắng giảm từ 16-22 ngàn đồng/ký.
Hiện nay, một số hộ đã thu hoạch tôm trước khi dịch bệnh xảy ra cũng rất ít người thả tôm vụ mới, bởi không biết thời gian giá tôm phục hồi được như trước đây. Anh Trần Văn Hân, ngụ ấp Thuận Hòa B, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi cho biết: “Thu nhập của gia đình tôi chủ yếu nhờ con tôm, nhưng hiện nay tôi chưa dám thả lại vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp, để theo dõi tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của các ngành chức năng tôi mới thả vụ mới”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết: “Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp và việc nuôi tôm trên địa bàn. Tình trạng này làm cho người nuôi tôm hoang mang, lo không bán được tôm trong thời gian tới, không xác định được giá tôm trên thị trường, nên một số người dân đã bán tôm khi chưa đến lứa thu hoạch với giá rất thấp. Hơn nữa, giá thành nuôi tôm thâm canh và nhất là siêu thâm canh của người dân còn quá cao, với việc giá giảm mạnh như hiện nay, nông dân sẽ không có lãi hoặc thua lỗ. Do vậy giải pháp trước mắt là nông dân cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Nếu tôm nuôi không đạt thì nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn tôm có kích cỡ nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã