Lãi cao từ cá sạch - lúa thơm
Ông Phạm Văn Phụng (thôn Ải, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức) cho biết, trước đây, gia đình ông chỉ sản xuất nông nghiệp thuần tuý. Do vậy, ông đã mua máy bừa để sử dụng và thường đi bừa thuê cho bà con. Mỗi năm bừa thuê được khoảng 70 - 80 mẫu, giá tiền công 60.000 đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2, 1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2). Doanh thu mỗi vụ 40 triệu đồng, trừ chi phí, thu về 20 triệu đồng.
Do thu nhập thuần nông từ cây lúa quá thấp, nên 2 năm trở lại đây, ông chuyển đổi sang mô hình cá – lúa, với diện tích 5 mẫu, chủ yếu nuôi cá trắm, chép thương phẩm 2 vụ/năm. Cá giống thả cỡ 40 con/kg, cá lớn khoảng 5 con/kg thì chuyển vào ruộng lúa. Diện tích ao nuôi là một góc trũng 8 sào/tổng diện tích 5 mẫu. Khi cá được 1,5 kg/con thì thu hoạch, mỗi năm thu 2 lứa, mỗi lứa khoảng 4.000 con, giá bán bình quân tại ruộng 40.000 đồng/kg.
Tính ra 2 vụ cá - lúa doanh thu 400 triệu đồng, lãi 250 triệu đồng/năm. 2 vụ lúa được trên 2 tấn, với giá 65.000 đồng/kg, tương đương 20 triệu đồng.
“Trở ngại lớn nhất hiện nay là nguồn nước vẫn sử dụng ở kênh mương nội đồng, khi dẫn nước vào ao để nuôi cá, phải khử khuẩn; mỗi năm phải bơm chế 5 - 6 lần, khá vất vả. Hiện, ở những vùng trũng trong xã, bà con đang chuyển sang mô hình cá - lúa, cho thu nhập khá cao. Mặt khác, không phải lo đầu ra do khách Sơn La, Hà Nam về tận xã lấy hàng, song cung chưa đủ cầu, giả sử có 10 tấn/ngày cũng tiêu thụ hết”, ông Phụng cho biết thêm.
Cũng như ông Phụng, ông Đinh Đức Hoà, Phó giám đốc HTX Hợp Thanh (xã Hợp Thanh), cho biết, ông bắt đầu nuôi cá trắm - chép cách đây 4 năm, với 6ha mặt nước, chia thành 3 ao, ao lớn nhất 3ha. Cơ cấu ao cũng chọn chỗ trũng, đào sâu một đầu để thả cá. Mỗi năm thu được 25 tấn lúa, nhưng để dành ủ mầm cho cá ăn vào lúc trên ruộng không còn lúa. Mỗi năm thu 1 vụ cá – lúa, khoảng tháng 9 âm lịch thu hoạch xong thì phơi đáy ao, sau đó lại tiếp tục vụ mới.
“Mỗi năm tôi thu hoạch được 35 tấn cá, giá bình quân 35 triệu đồng/tấn. Vào mùa thu hoạch, thương lái đến lấy tại bờ, đầu ra là địa bàn khu vực phía Bắc. Từ khi có dịch Covid-19 (từ đầu năm 2020 đến nay), lưu thông có lúc hơi chậm nhưng không đáng kể”, ông Hòa nói.
Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cá - lúa
Để giúp bà con Mỹ Đức phát triển mô hình cá – lúa bền vững, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tổ chức Tọa đàm tại xã Hợp Thanh.
Chuyên gia hướng dẫn cách thiết kế mương, ruộng nuôi cá...
Tại đây, bà con đã có những câu hỏi như: thiết kế kênh dẫn nước mô hình cá – lúa cần lưu ý gì?; cá hay mắc bệnh gì?; cách nuôi đạt hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ mới vào nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt là Nhà nước có chính sách gì cho người nuôi trồng thuỷ sản? Tất cả các câu hỏi được chuyên gia Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội trả lời đầy đủ, thoả đáng để bà con yên tâm sản xuất.
Theo bà Trần Thị Tình, Phó phòng Chăn nuôi thuỷ sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội), việc thiết kế kênh dẫn nước rất quan trọng, và chiếm 15 - 20% diện tích ruộng. Cần xây bờ mương rộng 0,5m để tránh sạt lở, diện tích mương nên thiết kế theo hình thang, cống thoát nước thuận tiện khi dâng và thoát nước. Giữa mương và mặt ruộng nên có bờ ngăn cao hơn ruộng, nên thiết kế ao nhỏ trong ruộng lúa để xả nước, hạn chế dịch bệnh.
Ngoài ra, bà Tình còn cho biết, cá hay mắc bệnh ký sinh trùng, ghẻ, nên dùng thảo dược như lá cây khoai, bó thành từng bó để ở góc ruộng, có thể tiêu diệt được ký sinh trùng. Hoặc, khi cá mắc bệnh lở loét, nấm, không nên sử dụng dung dịch sát khuẩn, gây ảnh hưởng cá, lúa. Nên chữa bằng cách dùng men tiêu hoá; giã tỏi tươi trộn vào thức ăn. Khi sử dụng thuốc chữa bệnh cho cá, nên trộn vào trong cám và tập cho cá ăn thức ăn nổi, để bổ sung vitamin C, cá sẽ phát triển nhanh hơn.
Đặc biệt, với mô hình cá - lúa, cần phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh cho cá từ nguồn nước và xử lý nước bằng chế phẩm sinh học là tốt nhất (nên sử dụng 2 tuần/lần), không nên dùng thuốc cấm. Khi trời nắng nóng, sử dụng nhiều vitamin C, để giúp cá có sức đề kháng và cho năng suất cao.
Về câu hỏi, cách nuôi đạt hiệu quả cao, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: Nuôi xen canh, luân canh và vừa xen canh, vừa luân canh là tốt nhất, xen canh là để cá sục bùn tốt hơn. Đồng thời, nên nuôi cá chép, rô, diếc; cá diếc Trung Quốc thường đạt 0,8kg/con; khi gặt xong, dâng nước để cá ăn mảnh, mô hình này được xem là tốt nhất.
Mô hình lúa - cá còn được đánh giá là mô hình thông minh, ví như: nuôi cá tồn đọng thức ăn, vi sinh vật có hại, đã có lúa làm khoáng hoá đất, vi sinh vật hại không còn. Nhờ vậy, lúa tốt, không cần bón phân, nếu biết kiểm soát nguồn nước, cá sẽ không có bệnh.
Cũng theo ông Tiêu, về chính sách cho người nuôi: Nhà nước cấp kinh phí xây dựng mô hình điểm, người nuôi cần đáp ứng các tiêu chí như: diện tích ao, đường đi lại; được hỗ trợ 50% giống, 50% thức ăn; được tập huấn khoa học kỹ thuật, cấp tài liệu nghiên cứu; kinh phí được hưởng không thu hồi, ai đủ điều kiện thì đăng ký. Trong tương lai, sẽ có mô hình nuôi cá hữu cơ - lúa, để có sản phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã