Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhớ lại. Dù gần đây ông nhiều lần về với ngành nông nghiệp Hà Nội nhưng mỗi lần lại một cảm xúc mới vì các lãnh đạo nơi đây rất chịu nghĩ, chịu cập nhật và chịu làm. Từ vấn đề an toàn thực phẩm còn nhiều tồn tại trước đó, hiện nay Hà Nội đã trở thành nơi làm tốt và bài bản nhất, có nhiều chuỗi sản xuất được kiểm soát, có nhiều mô hình hay, lan tỏa khắp cả nước, góp phần kích hoạt việc tái cơ cấu của cả ngành nông nghiệp.
“Hà Nội nên làm phim nói về tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển chuỗi của mình gửi biếu cho 62 tỉnh thành để nhìn vào đó mà làm gương học tập”, Thứ trưởng gợi ý.
Sau mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội trở thành một địa phương có diện tích đất tự nhiên tới 3.358,6 km² với số dân hiện đứng thứ hai cả nước trên 8 triệu người và khoảng 2 triệu người thường xuyên đến cư trú và làm việc. Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ về kinh tế thì đời sống xã hội của người Hà Nội cũng ngày càng được nâng cao đặc biệt là nhu cầu về lương thực, thực phẩm phải ngon, sạch và an toàn. Muốn nông sản an toàn thì phải sản xuất theo chuỗi.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ấy, giai đoạn 2016-2020 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành một số Quyết định, Kế hoạch mang tính bước ngoặt: Quyết định số 5818 về dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”; Quyết định số 438 về kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 439 về kế hoạch phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 164 về việc kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020.
Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã giao Trung tâm Phát triển Nông nghiệp là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện những việc trên. Về lúa, đơn vị đã thực nghiệm hoàn thiện quy trình canh tác lúa Japonica phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học. Kết quả đã xây dựng được 1 quy trình sản xuất lúa hữu cơ tại Hà Nội, là cơ sở khoa học để nông dân áp dụng vào sản xuất. Tiến hành thí nghiệm bảo quản thóc, gạo. Khảo nghiệm bổ sung bộ giống lúa Japonica, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho lúa, gạo Japonica, lập 36 vùng sản xuất với quy mô 2.641 ha, hiệu quả kinh tế đạt hơn 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa Bắc Thơm số 7 từ 14 – 16 triệu đồng/ha/vụ, lúa thường 20 triệu đồng/ha/vụ (vượt 25% so với kế hoạch đề ra). Tại một số huyện, diện tích sản xuất lúa Japonica tăng mạnh như Ứng Hòa 4.009 ha, Mỹ Đức 861 ha, Chương Mỹ 1.454 ha... So với năm 2018, diện tích sản xuất lúa Japonica tại 10 huyện sản xuất lúa trọng điểm tăng gấp 2,55 lần.
Về bưởi, thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Tổ chức xây dựng mô hình điểm sản xuất bưởi hữu cơ và áp dụng kỹ thuật đồng bộ với quy mô 4 ha, hiệu quả kinh tế 739,5 triệu đồng/ha, tăng hơn so với sản xuất truyền thống 150,5 triệu đồng/ha/năm,tương ứng 20,4%/năm. Xây dựng mô hình điểm sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn Việt Nam với quy mô 9 ha, năng suất 32,3 tấn/ ha, hiệu quả kinh tế tăng đạt 690,6 triệu đồng/ha/năm (tương đương 14,7%).
Về chăn nuôi và an toàn thực phẩm, điều mà Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến ấn tượng nhất, dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã phát triển theo 3 hình thức: Mô hình chuỗi khép kín, lấy doanh nghiệp làm đầu mối chủ động các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu có thể kế đến chuỗi thực phẩm AZ, chuỗi thực phẩm Tiên Viên, chuỗi thịt bò Hà Nội.
Mô hình chuỗi liên kết lấy tổ chức nông dân làm đầu mối, lựa chọn các tổ chức nông dân (HTX/Hội) tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã trọng điểm từ đó kết nối các tổ chức này với các tác nhân cung cấp dịch vụ đầu vào, giết mổ, chế biến, tiêu thụ. Tiêu biểu có chuỗi gà đồi Ba Vì, chuỗi gà Mía Sơn Tây, chuỗi gà đồi Sóc Sơn, chuỗi gà đồi Đông Yên, chuỗi Vịt Vân Đình...
Mô hình chuỗi liên kết lấy doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm làm đầu mối, kết nối với các hộ chăn nuôi trên cơ sở hợp đồng gồm có: Chuỗi thực phẩm Nam Hà Nội (SHF), Chuỗi Thực phẩm Organic green, chuỗi Thực phẩm An Việt, Chuỗi sữa Ba Vì. Chuẩn hóa 11 quy trình chăn nuôi cho 11 mô hình chuỗi, từ đó tổng hợp thành 5 quy trình chăn nuôi cho 5 đối tượng vật nuôi là lợn thịt, gà thịt, vịt thịt, bò thịt và bò sữa để ban hành cho các mô hình chuỗi trên địa bàn áp dụng.
Cả nước có 1.630 chuỗi trong đó, riêng Hà Nội là 141 chuỗi và liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp sản phẩm cho mình là 786 chuỗi.
Có những chuỗi quy mô khổng lồ như chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm gà đồi Ba Vì do Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì đạt 120.000 con gà thịt/năm, hàng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 1.000kg. Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm gà Mía Sơn Tây do Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây quy mô 100.000 con, hàng ngày cung cấp khoảng 0,5 tấn thịt gà cho thị trường và khoảng hơn 1 triệu con giống 1 ngày tuổi/tháng. Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm trứng gà Tiên Viên do Công ty CP Tiên Viên liên kết với các hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn huyện Chương Mỹ quy mô 72.000 quả/ngày. Chuỗi thịt lợn A-Z do HTX Hoàng Long cung cấp cho thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn.
Về bò, đã xây dựng được 1 mô hình chăn nuôi bò cái lai Wagyu sinh sản cho 5 hộ tham gia tại xã Minh Châu, Ba Vì. Hỗ trợ chi phí tinh bò thịt chất lượng cao gồm các giống Wagyu, Charolais và BBB phân ly giới tính đực…để lai tạo, nâng cao chất lượng bò trên toàn địa bàn thành phố. Bê 4 đến 6 tháng tuổi trọng lượng đạt 140-180 kg, bán được giá cao hơn so với các giống bò khác từ 3-5 triệu đồng/con. Gia tăng giá trị sản phẩm bê từ 10-20% so với các bê thông thường khác. Giá trị tăng thêm ước đạt 27,5 tỷ đồng. Khi kết thúc sẽ có 5.500 con bê lai chất lượng cao ra đời.
Mục tiêu trong thời gian tới của Hà Nội là phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng đạt trên 80%; Hình thành và phát triển 3- 5 vùng sản xuất lúa thảo dược làm thực phẩm chức năng; Thúc đẩy phát triển công nghệ sau thu hoạch; Hình thành 3-5 chuỗi liên kết nội địa và xuất khẩu. Phấn đấu 100% diện tích sản xuất bưởi an toàn trong đó 30 - 40% đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đàn bò thịt, bò sinh sản có quy mô khoảng 150 - 155 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 13-15 ngàn tấn/năm...
Để đạt được những điều đó Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh luật đất đai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Hướng dẫn cụ thể về củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, chuyển đổi và chứng nhận trang trại; xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật trong sản xuất giống, đầu tư công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp hữu cơ...
https://nongnghiep.vn/ha-noi-nen-lam-phim-ve-tai-co-cau-nong-nghiep-cho-cac-tinh-thanh-hoc-d280665.html
Theo Dương Đình Tường/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã