Mỗi năm một lần vào khoảng tháng 3 âm lịch cá rò (con của loài cá kình – một loài cá xuất hiện trong nhiều món ăn đặc sản của người dân xứ Cố Đô) lại từ biển dạt vào bờ. Thời gian xuất hiện loài cá này chỉ khoảng 10 ngày, tuy vậy, với giá thành từ 500.000 – 900.000 đồng/rá (dụng cụ đong đếm khi bán cá rò – ước tính khoảng hơn 1kg) lúc cao điểm có người dân đã thu nhập được hơn 100 triệu đồng/ngày.
Theo đó, con cá rò ngư dân ở đây bắt được chỉ to bằng cán của muỗng xúc cà phê. Sau khi người dân đánh bắt được từ dưới biển, thương lái hoặc những người nuôi loài cá kình sẽ về mua trực tiếp tại bờ biển Hải Dương.
Những người ở đây chủ yếu là dân làng Thái Dương Hạ và họ lý giải rằng, trước đây khi nghề nuôi cá kình chưa có thì cá rò chỉ được bắt lên rồi làm mắm. Về sau, khi cá kình trở thành một trong những nguyên liệu chính trong nhiều món ăn nổi tiếng ở Huế, giá bán của nó tăng lên gấp nhiều lần, cũng chính vì thế mà giá thu mua của cá rò cũng tăng lên.
Để đánh bắt được loài cá này, người dân làng Thái Dương Hạ thường dùng 03 loại công cụ chính là mức, rớ và đáy. Mỗi loại sẽ được sử dụng ở một địa hình khác nhau. Trong đó, rớ và đáy thường được một số hộ chuyên đặt để đánh bắt cá quanh năm ở những nơi có địa hình bằng phẳng, hai loại dụng cụ này thường bắt được số lượng nhiều hơn cả; mức (như một chiếc lưới rùng thu nhỏ) được thiết kế cho 2 người kéo và sử dụng ở những địa hình gồ ghề.
Khi đến mùa cá rò, hàng trăm người dân trong làng Thái Dương Hạ tập trung thành những nhóm nhỏ với khoảng vài người đi đánh bắt. Cuộc đánh bắt diễn ra tấp nập cả một đoạn biển dài.
Sóng biển ở đây khá lớn, nó xô đẩy và khiến nhiều khi những người đánh cá bị dạt đi một đoạn. Họ dừng lại đôi chút để chỉnh lại phần túi của những chiếc mức rồi tiếp tục kéo.
Một lần kéo sẽ không giới hạn thời gian, quãng đường mà phụ thuộc vào việc bắt được bao nhiêu cá, “có đôi khi chỉ cần kéo một đoạn thì đã có thể kéo mức lên để bắt cá nhưng có khi phải kéo cả đoạn dài mà không được là bao nhiêu. Bởi vì, cá rò đi theo bầy của chúng, nếu kéo trúng bầy chúng đang bơi thì được nhiều à”, một người dân vừa kéo cá vừa cho biết.
Những ngày đúng mùa cá rò, người dân ở đây thường đánh bắt từ sáng cho đến chiều. Vào buổi trưa, họ chỉ nghỉ tay trong chốc lát để uống vội hớp nước, ăn nhanh bát cơm, quả chuối rồi tiếp tục công việc của mình.
Anh Rin, một người dân tham gia đánh cá ở đây cho biết, nghề đánh bắt cá rò ở bãi biển Hải Dương đã có từ xa xưa và lưu truyền từ đời này đến đời khác. Trong mùa cá rò năm nay, có người dân trong làng đặt rớ đã kéo được đến hơn 200 rá/ngày, với giá 500.000 đồng/rá, ngày đó họ thu được hơn 100 triệu đồng.
“Vì đánh bắt được nhiều thì nó bị ngột thở và tỷ lệ cá chết cũng nhiều nên chỉ bán với giá đó. Người ta mua về rồi lựa chọn con chết ra làm mắm, con sống thì để nuôi. Nếu đánh bắt được ít và mình giữ cho cá bị chết ít hơn và gặp thời điểm đầu mùa thì có thể bán đến 900.000đ/rá”, anh Rin cho hay.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương Lê Xuân Hướng vui mừng cho biết, cá rò là tên gọi khi còn nhỏ của con cá kình. Bình quân người dân bán chúng với giá khoảng 400.000 đồng/1 kg. Loài cá này chỉ xuất hiện tại bãi biển Hải Dương một lần mỗi năm và vào khoảng đầu tháng 3 âm lịch. Thời điểm có nhiều cá rò là khoảng 01 tuần. Mùa cá rò năm nay, với hơn 100 nhân công tham gia đánh bắt đã thu được khoảng 2 tỷ đồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã