Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác diễn ra tại UBND huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, trong khuôn khổ Hội thảo “Xây dựng cơ chế phối hợp bền vững giữa doanh nghiệp và địa phương trong việc phát triển và quản lý mô hình canh tác hữu cơ tại địa phương”.
Đây là một phần trong chuỗi hoạt động của dự án BioTrade do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ và do Helvetas Việt Nam thực hiện nhằm phát triển bền vững các vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, mang lại lợi ích công bằng cho các bên tham gia.
Sản xuất hữu cơ (organic) đang là một xu hướng lớn tại Việt Nam không chỉ bởi giá trị kinh tế cao mà còn bởi những lợi ích lâu dài về môi trường và sức khỏe cho con người.
Nhận thức được tiềm năng lớn của thị trường nông sản hữu cơ, nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất tại Việt Nam đã tham gia vào lĩnh vực này nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi do vấp phải rất nhiều cản trở.
Nhận thức và hiểu biết của bà con nông dân về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế, kỹ năng canh tác hữu cơ còn yếu, hầu như không tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ.
Doanh nghiệp muốn thu mua sản phẩm hữu cơ của nông dân nhưng không đủ nguồn lực để kiểm soát toàn bộ quá trình canh tác. Việc doanh nghiệp tổ chức tập huấn cho nông dân về canh hữu cơ thường kèm hiệu quả, chi phí cao.
Chính quyền cũng không nắm bắt được hiện trạng canh tác hữu cơ của địa phương, năng lực của cán bộ địa phương về tiêu chuẩn hữu cơ cũng rất hạn chế, nên thường ít quan tâm và chưa có các chính sách hỗ trợ cần thiết.
Mô hình hợp tác “3 nhà" với vai trò rõ nét hơn của chính quyền địa phương sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề trên, đồng thời mang lại những lợi ích lớn và công bằng cho tất cả các bên.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện được lựa chọn là đơn vị đại diện phía chính quyền địa phương để phối hợp và tham gia vào công tác đào tạo, giám sát nông dân canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Cán bộ huyện sẽ được tham gia các lớp tập huấn do các chuyên gia cao cấp thực hiện.
Trung tâm cũng được doanh nghiệp trả phí để hướng dẫn, giám sát nông dân theo thoả thuận. Việc sử dụng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để đào tạo, giám sát canh tác sẽ có hiệu quả hơn việc doanh nghiệp tự tiến hành do tính gần gũi và tương đồng về văn hóa ở địa phương.
Với mô hình này, bà con vừa tăng thu nhập gấp 2-3 lần so với canh tác thông thường, vừa không phải lo đầu ra cho sản phẩm do được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ, mà còn được hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp từ cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để giải quyết các khó khăn trong quá trình canh tác.
Đội ngũ cán bộ các huyện được đào tạo bài bản sẽ là nguồn lực quan trọng giúp địa phương nhanh chóng mở rộng vùng sản xuất hữu cơ, đồng thời phát triển các chính sách hỗ trợ hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững, thân thiện với môi trường.
Mô hình liên kết đầu tiên giữa doanh nghiệp với chính quyền và nông dân sẽ được triển khai tại 2 huyện Hà Quảng và Hoà An của tỉnh Cao Bằng để trồng gừng và ớt theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, với mục tiêu đưa hai loại cây này trở thành cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện, từ đó nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh.
Mô hình này được kỳ vọng sẽ là giải pháp quan trọng, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của phương thức canh tác hữu cơ tại Việt Nam.
Theo P.V/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã