Đi học chỉ để quay về làm chè
Mảnh đất Tân Cương (thuộc TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) xưa nay vốn được biết đến với những nương chè xanh bát ngát, tạo ra nhiều sản phẩm chè nổi tiếng, xứng danh với tên gọi "Đệ nhất danh trà". Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho thổ nhưỡng và khí hậu trong lành, phù hợp với sự phát triển của cây chè. Nhất là khi cây chè trung du lại được tưới bằng nguồn nước tự nhiên từ Hồ Núi Cốc thì vị chè càng trở nên thơm ngon, đậm đà khác biệt không nơi đâu có được.
Là người con của vùng đất Tân Cương, gia đình lại có truyền thống làm chè lâu đời nên ngay từ khi còn nhỏ, chị Hoàng Thị Tân đã được theo mẹ lên nương hái chè, chăm sóc và tham gia chế biến chè nên tình yêu với chè cứ thế theo chị lớn dần lên theo năm tháng. Nhưng lúc bấy giờ, tất cả các công đoạn làm chè đều được làm thủ công, chị thấy việc làm chè vô cùng vất vả mà không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã quyết tâm đi học để tìm kiếm sự thay đổi.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, chẳng biết cơ duyên thế nào chị Tân lại xin vào làm việc ở một công ty chế biến và sản xuất chè. Lúc này, niềm đam mê với chè lại trỗi dậy, thôi thúc chị quay lại gắn bó với cây chè, nghiên cứu làm ra những sản phẩm chất lượng từ chè.
Chị Tân cho biết: "Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng tại sao lại không phát huy lợi thế làm chè của gia đình bấy lâu nay, trong khi bản thân mình đã nhiều năm gắn bó? Nghĩ là làm, tôi đã quyết định sẽ gây dựng thương hiệu chè Tân Cương của quê mình để nhiều khách hàng biết và nhớ đến".
Ban đầu khi quay trở lại với nghề làm chè, chị Tân cũng gặp rất nhiều khó khăn do kinh nghiệm để làm ra những mẻ chè ngon chưa có. Dần dà, qua quá trình làm và đúc rút kinh nghiệm cùng sự kiên trì, tâm huyết, chị Tân không bỏ cuộc, quyết tâm vượt qua khó khăn để có được những mẻ chè thành công mỹ mãn.
Chị Tân chia sẻ: "Lúc đầu, tôi chỉ có mong muốn làm sao để lan tỏa được sản phẩm chè rộng rãi đến nhiều khách hàng, vì vậy tôi thường xuyên lên vùng Hồ Núi Cốc mời khách tham quan du lịch đến với cơ sở sản xuất chè của gia đình. Tôi dùng "chiêu" mời khách thưởng thức chè miễn phí, với mong muốn sau khi uống trà, khách hàng có thể đưa ra những lời khuyên, đánh giá chất lượng về các sản phẩm chè do gia đình sản xuất. May mắn làm sao, trong một lần có vị khách rất sành về chè đã đến thưởng trà và khen trà của tôi làm ra rất thơm ngon, đồng thời cho tôi lời khuyên bổ ích để phát triển các sản phẩm trà chất lượng như bây giờ".
Nâng tầm đặc sản
Tâm sự với phóng viên Báo NTNN, chị Tân chia sẻ: "Từ năm 2015, tôi làm chè với quy mô lớn. Lúc đầu chỉ là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nên số lượng làm ra ít và chưa gây dựng được thương hiệu trên thị trường. Do đó, tháng 7/2018, tôi đã quyết định thành lập HTX Tâm Thái Trà tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên, với 8 thành viên tham gia nhằm mục đích đưa sản phẩm có uy tín, chất lượng ra thị trường".
Theo chị Tân, trải qua 4 lần đổi tên, HTX mới có tên gọị Tâm Thái Trà như hôm nay. Tên gọi này được chị Tân đặt với ý nghĩa thể hiện sự tâm huyết của những người làm chè sinh ra trên mảnh đất Tân Cương.
Ngoài diện tích hơn 9.000m2 đất trồng chè của gia đình, HTX của chị còn cộng tác với 29 hộ dân trong vùng để thu mua chè tươi về chế biến. Hiện tại, HTX có 3 sản phẩm chính là: Nhất đinh trà, chè tôm nõn và chè móc câu. Trong đó, sản phẩm có giá trị cao nhất là chè đinh với giá bán lên tới 3 triệu đồng/kg. Ngoài ra, HTX còn sản xuất thêm một số sản phẩm khác như chè sen, kẹo trà xanh…
Năm 2019, sản phẩm Nhất đinh trà của HTX đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và dự kiến trong năm nay, chị Tân sẽ đăng ký nâng sao cho sản phẩm này, đồng thời đăng ký thêm một sản phẩm OCOP là chè tôm nõn.
Tôi mong muốn khẳng định được giá trị cũng như thương hiệu chè Tân Cương trên thị trường không chỉ trong nước mà còn ra thế giới. Hiện sản phẩm chè của HTX Tâm Thái Trà đã có mặt tại thị trường Đài Loan".
Chị Hoàng Thị Tân
Tiêu chí để những búp chè được HTX Tâm Thái Trà đưa vào chế biến, đó phải là những búp chè sạch, được hái từ những cây chè trung du nên có vị chát và ngọt hậu tự nhiên.
Theo chị Tân, chè trung du cho năng suất thấp mà lại rất khó chăm sóc nên đòi hỏi kỹ thuật rất cao mới có thể làm được. Để có mẻ chè ngon, đòi hỏi người sao chè phải có tay nghề rất cao.
Bên cạnh việc sản xuất chè, chị Tân còn kết hợp với quảng bá du lịch của địa phương thông qua việc giới thiệu và dẫn các đoàn khách đi tham quan những vùng chè nổi tiếng của Thái. Mô hình này được nhiều khách hàng yêu thích, đón nhận và đánh giá rất cao. Chị Tân cho biết, có thời điểm mỗi ngày chị đón 6 - 7 đoàn khách, có những đoàn lên tới 200 người.
Khác với nhiều cơ sở kinh doanh, khi sản phẩm của HTX đã có uy tín trên thị trường, chị nghĩ đến việc liên kết giữa các cơ sở để cùng nhau giới thiệu sản phẩm. Thay bằng việc cạnh tranh với nhau, chị vận động các cơ sở chế biến chè cùng giúp đỡ nhau giới thiệu sản phẩm cho khách hàng đến tham quan du lịch tại đây, vừa để khách hàng biết đến đa dạng các sản phẩm chè Tân Cương, lại vừa giúp khách hàng lựa chọn những sản phẩm chè mình thật sự yêu thích.
Trung bình mỗi năm, HTX Tâm Thái Trà bán ra thị trường khoảng 1,5 tấn chè khô các loại, doanh thu từ 6 – 7 tỷ đồng/năm. Hiện HTX của chị Tân còn đang làm thêm sản phẩm chè ướp hương sen tại Mê Linh (Hà Nội), sản lượng trung bình 1 tạ/ngày.
Theo Hà Thanh/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã