Làn sóng đầu tư vào nông nghiệp tại Thanh Hóa bắt đầu tăng mạnh vào năm 2016. Tuy nhiên, phải từ năm 2019, địa phương này mới thực sự chứng kiến những cuộc “đổ bộ” của nhiều nhà đầu tư lớn.
Tháng 11/2019 đánh dấu một cột mốc mới trong làn sóng đầu tư vào nông nghiệp tại Thanh Hóa với sự kiện khánh thành nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis hiện đại nhất miền Bắc.
Đây là dự án liên danh giữa Công ty Cổ phần Nông sản Gia Phú và Tập đoàn Master Good (Hungagry) với công suất giết mổ 8 triệu con gà/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
Như lời ông Ba-ranh, Chủ tịch Tập đoàn Master Good tại sự kiện này, sự ra đời của nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis sẽ khởi đầu cho một cuộc cạnh tranh đối với lĩnh vực giết mổ gia cầm xuất khẩu tại Việt Nam.
Điều này không chỉ kích thích sự tò mò của các nhà đầu tư về tiềm năng, cơ hội đầu tư của vùng đất Thanh Hóa mà còn giúp nội lực nền nông nghiệp của địa phương tăng trưởng bền vững.
Quả thực, không chỉ mang tính cạnh tranh ở thị trường trong nước, việc Công ty Cổ phần Nông sản Gia Phú và Tập đoàn Master Good nhảy vào đầu tư tại Thanh Hóa ngay sau đó đã kéo theo một loạt những dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương này.
Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đã quan tâm và đăng ký đầu tư hay đã khởi công dự án đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư đối với cơ chế, chính sách thu hút và môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hóa.
Theo thống kê từ Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, đến nay tỉnh đã thu hút được 176 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng. Tổng diện tích thực hiện các dự án trên 3,7 nghìn ha. Trong đó có những đại dự án được kỳ vọng làm thay đổi hẳn bộ mặt của cư dân nông thôn Thanh Hóa.
Trong số này, có 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng mức đầu tư gần 3,9 nghìn tỷ đồng, bình quân trên 553 tỷ đồng/dự án.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đã thu hút được 142 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư trên 18,5 tỷ đồng. Tổng diện tích thực hiện dự án gần 3,6 nghìn ha.
Ngoài việc thu hút được các đại dự án, Thanh Hóa hướng tới việc ưu tiên những dự án áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Có thể kể đến một số dự án khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến như Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đầu tư xây dựng các trại bò quy mô 16.000 con, tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Ứng dụng công nghệ cao Nông nghiệp và thực phẩm sữa TH đang đầu tư dự án bò sữa với quy mô 20.000 con, tổng vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng.
Công ty TNHH New Hope Singapore đầu tư dự án trang trại chăn nuôi, quy mô trên 10 nghìn lợn nái và sản xuất 500 nghìn lợn thịt, tổng vốn đầu tư 1.125 tỷ đồng. Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước đầu tư dự án nhà máy sản xuất sợi dệt, tổng vốn đầu tư 628 tỷ đồng…
Mới đây, Tập đoàn Xuân Thiện đang hoàn thiện thủ tục đầu tư 18 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 32.400 tỷ đồng (1,4 tỷ USD). Tập đoàn AVG dự kiến đầu tư dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn tại Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD.
Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, đầu tư vào nông nghiệp là một kênh đầu tư tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao nhưng cũng đầy tiềm năng, lợi thế. Những năm qua, Thanh Hóa xác định nông nghiệp có nhiều thế mạnh, dư địa phát triển lớn nên đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư hàng năm, để thu hút, triển khai các dự án, Thanh Hóa đã áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.
Tùy theo quy mô, tính chất của từng dự án, trên cơ sở đề nghị của các nhà đầu tư, tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét hỗ trợ đặc biệt đối với các dự án lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong những năm qua, ngoài các chính sách của trung ương như: Ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Thanh Hóa đã ban hành thêm các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Đề án tích tụ đất đai, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi của Thanh Hóa trong những năm qua đã được triển khai sâu rộng. Chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện các chính sách đã khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa …
Các cơ chế, chính sách ban hành của tỉnh đã được các doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ; triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả, khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Những “ông lớn” với tiềm lực mạnh “đổ bộ” đầu tư vào nông nghiệp xứ Thanh đã tạo ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt về lực lượng lao động và tư liệu sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Thiên, Phó Giám đốc Công ty Thiên trường 36, một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp tại Thanh Hóa cho rằng, các nhà đầu tư quan tâm và thực hiện các dự án là động lực để các doanh nghiệp nông nghiệp trong tỉnh bứt phá, ý thức cao hơn về giá trị sản phẩm do mình tạo ra. Điều này sẽ giúp khai thác tốt hơn tiềm năng lợi thế nông nghiệp của Thanh Hóa.
Chưa xứng với tiềm năng
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa có diện tích đất nông nghiệp rất lớn với hơn 900.000 ha, có 3 vùng sinh thái đặc trưng (miền núi, đồng bằng và ven biển). Toàn tỉnh hiện có gần 900 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trên 700 trang trại, trên 1,1 nghìn tổ hợp tác, 661 hợp tác xã, trong đó có 100% số hợp tác xã đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012...
Đây là những yếu tố nông nghiệp Thanh Hóa bứt phá nhưng thực tế đầu tư vào nông nghiệp tại Thanh Hóa vẫn chưa xứng với tiềm năng.
https://nongnghiep.vn/lan-song-dau-tu-cua-nhung-ong-lon-nganh-nong-nghiep-d290657.html
Theo Võ Văn Dũng - Thanh Nga/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã