Trong đó, một số loại trái cây như: bưởi da xanh, thanh long, dứa… đã tăng giá mạnh trở lại so với thời điểm tết Nguyên đán 2021 vừa qua.
Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 4/2021 ước đạt 380 triệu USD.
Con số này đã nâng giá trị xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm nay đạt 1,35 tỉ USD (tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020).
Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản đánh giá, xuất khẩu nhiều loại rau, quả trong 4 tháng đầu năm nay tăng trưởng mạnh, dù bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19.
Trung Quốc vẫn đang là thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam, với khoảng 65% thị phần. Trong quý I/2021, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt hơn 610 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ucraina là thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh nhất trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ 2020.
Ngoài ra, Đài Loan cũng đang được kỳ vọng sẽ là thị trường tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, xuất khẩu hàng rau, củ, quả của Việt Nam sang thị trường Đài Loan sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới do yếu tố mùa vụ.
Vào quý II, thời điểm nắng nóng, các loại trái cây, rau củ tươi hoặc đông lạnh được tiêu thụ khá mạnh tại thị trường này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã khai thác tốt nhóm hàng rau củ và đang đẩy mạnh xuất khẩu nhóm quả và hạt vào Đài Loan.
"Quả và hạt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và giúp gia tăng giá trị xuất khẩu ở thị trường Đài Loan. Các doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến nhóm hàng này" - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam. Tiềm năng thị trường này đang tiếp tục mở ra trong khi nhiều nút thắt đang dần được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group - cho biết: Việt Nam có nhiều mặt hàng đa dạng đưa vào Mỹ. Thị trường này cũng đang thích ứng được với dịch bệnh.
"Đây là những lợi thế khiến doanh nghiệp tự tin sản lượng rau quả xuất khẩu sắp tới sẽ tăng và doanh số xuất khẩu cũng tăng lên" - ông Tùng nói.
Vina T&T Group là một trong những đơn vị xuất khẩu trái cây lớn ở trong nước. Mỗi năm, đơn vị này xuất khẩu khoảng 50 triệu USD trái cây vào thị trường Mỹ.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cùng với thời tiết đầu năm khá thuận lợi cho việc trồng trọt. Hoạt động xuất khẩu tăng cũng góp phần thúc đẩy giá trái cây trong nước phục hồi, thậm chí có một số loại quả giá thu mua tăng gấp đôi.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, nông dân trồng dứa ở xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết, năm nay ruộng dứa nhà ông vừa được mùa mà giá dứa nhập tại ruộng cũng rất cao.
Thương lái về thu mua tại ruộng dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg, cao gần gấp 2 lần các năm trước. Vậy nên, dù mới đầu vụ thu hoạch, không chỉ gia đình ông Kỳ mà nhiều hộ nông dân trồng dứa tại đây đã có lãi lớn.
Hay như giá bưởi da xanh tại vườn cũng như tại các chợ đầu mối nông sản trên địa bàn TP.HCM đã tăng mạnh so với thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Cụ thể, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.Thủ Đức), giá bưởi da xanh dao động từ 20.000-35.000 đồng/kg. Trong khi thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu, giá bưởi giảm mạnh, chỉ còn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Tại nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bưởi da xanh loại 1 (từ 1,3 kg/trái trở lên) hiện được nông dân bán tại vườn cho thương lái với giá từ 23.000-25.000 đồng/kg, trong khi hồi đầu năm 2021, loại bưởi này có giá chỉ từ 12.000-15.000 đồng/kg.
Bưởi da xanh loại 2 (khoảng 1-1,3kg/trái) đang được thu mua ở mức 16.000-18.000 đồng/kg, loại 3 (khoảng 0,7- 1kg/trái) có giá 9.000-12.000 đồng/kg. Giá bưởi da xanh tăng, theo lý giải của các nhà vườn, là do nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng.
Cùng với tăng trưởng của xuất khẩu trái cây, kim ngạch nhập khẩu trái cây trong 4 tháng đầu năm nay cũng đã tăng trở lại.
Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 4/2021 đạt 100 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt 451,1 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc, Mỹ và Myanma là 3 thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam đầu năm 2021.
https://danviet.vn/trung-quoc-my-tang-manh-nhap-khau-loai-nong-san-nay-gia-nhieu-loai-qua-trong-nuoc-len-nhu-dieu-gap-gio-20210511184820967.htm
Theo Trần Khánh/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã