Bước sang năm 2020, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; tỉnh Lào Cai tiếp tục xác định đây là Chương trình trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững từ cấp tỉnh đến cấp xã; riêng ở xã thành lập Ban Quản lý dự án xã và Ban Phát triển thôn. Theo đó, Ban Chỉ đạo các cấp đã tích cự phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; chủ động, tập trung trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch năm và theo quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp.
Theo Sở Lao động – TBXH tỉnh (cơ quan thường trực Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững): ngay từ đầu năm 2020, tiếp nối những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Sở đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, cơ chế chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chương trình tại cơ sở. Trên cơ sở số hộ nghèo, cận nghèo được rà soát và phê duyệt, đầu năm 2020, ngành đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố phân tích thực trạng, nguyên nhân nghèo của hộ nghèo tại các địa phương và các lĩnh vực có ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo; tham mưu UBND tỉnh những giải pháp tích cực nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giảm nghèo trong năm đề ra.
Đồng thời, Ban chỉ đạo cấp huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo cấp cơ sở thực hiện tốt các chính sách xã hội, đẩy mạnh thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo trong năm, tuyên truyền sâu rộng tới quần chúng nhân dân, đặc biệt là xây dựng ý thức tự vươn lên của các hộ gia đình nghèo, người nghèo tránh tư tương ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vận động và thực hiện có hiệu quả nguồn xã hội hoá công tác giảm nghèo theo hướng Nhà nước, cộng đồng xã hội hỗ trợ và bản thân hộ gia đinh nghèo, người nghèo nỗ lực vươn lên nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vừng. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các xã vùng sâu, vùng xa địa bàn khó khăn. Định kỳ hằng năm các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, bình xét hộ gia đình nghèo, người nghèo và hộ cận nghèo đảm bảo đúng quy trình, quy định; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chương trình giảm nghèo tại cơ sở và báo cáo đánh giá kết quả định kỳ theo quy định.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến các thôn, bản, tổ dân phố luôn được quan tâm. Trong năm 2020, các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện đã tổ chức tập huấn cho gần 1.200 lượt người trực tiếp tham gia chỉ đạo, thực hiện, tuyên truyền, vận động thực hiện các chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Lao động –TBXH huyện Si Ma Cai cho biết: việc tổ chức các lớp tập huấn tại cơ sở đã giúp cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện, từ đó xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện ở địa phương.
Đặc biệt, giai đoạn 2019 - 2020; công tác xóa đói, giảm nghèo trong tỉnh đã bước có bước chuyển ngoạn mục: chính sách giảm nghèo đã hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo bền vững và chuyển sang mục tiêu giảm cho không, hướng tới cho vay có điều kiện để thay đổi nhận thức của nghèo tự vươn lên vượt khó, tránh sự trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Với Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2025; đến hết năm 2020, tỉnh Lào Cai đã ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 31,5 tỷ đồng cho gần 500 hộ gia đình vay phát triển kinh tế tại 37 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên. Nguồn vốn đã giúp cho các hộ vay phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê; Kinh doanh tạp hóa; kinh doanh homestay; trồng cây dược liệu, cây ăn quả, trồng rừng keo, mỡ…
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2020, tỉnh Lào Cai được giao nguồn kinh phí trên 411 tỷ đồng để thực hiện Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, thôn người chương trình 135; truyền thông về giảm nghèo và thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình… Đồng thời trong năm 2020, Lào Cai đã tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo theo Nghị định 86, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo, hỗ trợ về y tế, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ nhân khẩu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo ở địa phương đã tập hợp sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân; đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng nông thôn vùng cao, vùng biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn ngày càng phát triển; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đựơc nâng cao, môi trường được cải thiện, an ninh trật tự khu vực nông thôn được đảm bảo, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn vùng đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư nâng cấp. Giao thông nông thôn được đẩy mạnh, tạo thành phong trào lan tỏa đến mọi xóm làng, người dân; đến nay 100% số xã có đường đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định, tạo được các vùng sản xuất hàng hóa; năng suất chất lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao. Đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2020, tỷ lệ giảm nghèo đạt 3%/năm, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn lại 8,46% (Bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 5,17%/năm); an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo, dân chủ ở cơ sở được phát huy; đến nay Lào Cai đã có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy việc thực hiện chương trình giảm nghèo ở Lào Cai vẫn còn những khó khăn, hạn chế; đó là, việc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm về giảm nghèo bền vững ở một số xã chưa đạt hiệu quả như mong muốn; một số mục tiêu đề ra, nhưng nguồn lực chưa đảm bảo; việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở nhiều địa phương còn khó khăn, kết quả chưa cao (nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số); phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết phát triển sản xuất hàng hóa còn hạn chế; việc huy động nguồn lực trong nhân dân còn chưa tương xứng với tiềm năng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; sinh kế chưa bền vững với nhiều rủi ro; năng lực của một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế nên ảnh hưởng đến công tác tham mưu và triển khai thực hiện...
Bước sang năm 2021, tỉnh Lào Cai xác định tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ, tạo việc làm tốt cho tất cả mọi người; giảm bất bình đẳng trong xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra; phấn đấu giảm tỷ lệ giảm hộ nghèo đa chiều 3%/năm.
Theo đó, tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo; phân công đảng viên ở chi bộ thôn, bản, tổ dân phố giúp đỡ hộ nghèo. Tổ chức tốt các cuộc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; xác định rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ nghèo để đề ra các giải pháp hữu hiệu hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Các cấp, các ngành tích cực thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của bản thân, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước chủ động phấn đấu thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; ưu tiên bố trí nguồn vốn theo kế hoạch trung hạn và kế hoạch hàng năm cho các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách, cơ chế hỗ trợ giảm nghèo.
Tăng cường nhân lực và nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội ở cơ sở, đặc biệt quan tâm đối với các xã vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới an sinh xã hội để giúp đỡ đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội. Khuyến khích các thành phần trong xã hội khởi nghiệp, đặc biệt khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân và hỗ trợ an sinh xã hội./.
Theo Hồng Minh/laocai.gov.vn