Năm 1984, gia đình ông Mại từ Thái Bình vào Krông Pa lập nghiệp. Sau khi tìm tòi, học hỏi ở nhiều nơi, ông nhận ra rằng, muốn phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập thì phải chuyển đổi cây trồng theo hình thức đa canh kết hợp với chăn nuôi để hỗ trợ lẫn nhau.
Do đó, năm 2010, ông Mại huy động tất cả các nguồn vốn để đầu tư đào ao nuôi cá, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo nái và trồng 1ha cỏ, 1ha cây ăn quả. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi 400-500 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp này.
Ông Mại cho biết: “Trang trại của tôi có diện tích gần 3 ha. Làm kinh tế tổng hợp sẽ có sự bổ trợ cho nhau như: tận dụng nguồn nước ao cá để tưới cho vườn cây ăn quả và cỏ. Ngoài ra, tôi còn tận dụng phân chuồng để bón cho cây trồng. Ngược lại, những phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn thừa của gia súc cũng có thể làm thức ăn cho cá. Đặc biệt, khi giá cả mặt hàng này xuống thấp thì sẽ có mặt hàng khác bù vào. Như vậy, nguồn thu của gia đình ổn định, bền vững”.
Ông Mại cho biết thêm, ngoài 1.500m2 ao nuôi tổng hợp các loại cá gồm: trắm, chép, mè, chim, điêu hồng thì ông còn nuôi riêng một ao cá trê khoảng 200m2. “Nuôi cá rất nhàn, chỉ cần sử dụng cám gạo, bắp (ngô), thức ăn tổng hợp và cắt cỏ cho ăn mỗi ngày 2 lần. Cá ít bị dịch bệnh, lại phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây nên phát triển rất nhanh. Mỗi năm tôi xuất bán khoảng 2 tấn cá với giá 40-50 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi 50-70 triệu đồng”, ông Mại nói.
Ngoài nuôi cá, gia đình ông Mại đang nuôi 10 con heo nái, 40 con bò vỗ béo và 12 con bò lai 3B. Theo anh Đức (con trai ông Mại), mỗi năm, 10 con heo nái cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Còn 12 con bò 3B với giá hiện nay 100 ngàn đồng/kg hơi thì cũng bán được 40-45 triệu đồng/con. Ngoài ra, cứ vào đầu mùa khô, khi nguồn thức ăn ngoài thiên nhiên cạn kiệt, gia đình tìm mua 40-50 con bò (5-6 triệu đồng/con) về nuôi vỗ béo 6-7 tháng rồi bán cho thương lái ở tỉnh Bình Dương với giá 9-10 triệu đồng/con.
Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Mại còn thường xuyên tham gia các phong trào của địa phương, nhất là tham gia đóng góp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, ông thường xuyên giúp đỡ bà con nông dân về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, vốn làm ăn.
“Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Nếu hộ nào muốn chăn nuôi heo mà không có vốn thì tôi có thể bán heo con giống và cho nợ đến khi xuất bán mới trả”, ông Mại nói.
Theo ông Nay Thí, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Gu, cuối năm 2020, qua bình chọn, ông Mại là 1 trong 5 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được Hội Nông dân huyện tặng Giấy khen.
“Ở huyện Krông Pa nói chung và ở xã Chư Gu nói riêng thì mô hình VAC của ông Mại có hiệu quả kinh tế rất cao và ổn định. Hội Nông dân xã cũng xây dựng kế hoạch để tuyên truyền cho hội viên đến tham quan, học tập. Chúng tôi cũng muốn gia đình ông Mại tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ nông dân khó khăn có thể vay vốn, mua cây, con giống và hỗ trợ kỹ thuật để cùng nhau phát triển kinh tế”, ông Nay Thí nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã