Cùng chúng tôi thăm cánh đồng hoa màu của thôn Trường Lộc, Chủ tịch UBND xã Đặng Anh Tuấn hào hứng chia sẻ: “Cả một vùng rộng lớn này, đất chưa bao giờ nghỉ. Thu hoạch loại cây trồng này xong là người dân lại làm đất để chuẩn bị gieo trồng loại cây khác. Cứ thế, đất chẳng bao giờ thôi xanh màu ấm no. Riêng với hành tăm - cây trồng chủ lực của địa phương, đến nay, toàn xã có hơn 130 ha, tập trung ở các thôn Hòa Thịnh, Trường Lộc, Tân Thượng, Đông Nam...”.
Dù đang còn rất sớm, sương mù dày đặc nhưng trên các cánh đồng ở các thôn Trung Thiên, Trường Lộc, Quyết Thắng, bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch hành để kịp giao cho tiểu thương đã hẹn trước.
Bà Nguyễn Thị Thương, thôn Thiên Hương, cho biết: “Từ chỗ chỉ trồng xen 500m2, sau hơn 2 năm, diện tích hành tăm của gia đình hiện là 1.500m2. Mỗi năm, trừ diện tích để giống cho vụ sau, chúng tôi thu tầm 40 – 45 triệu đồng”.
Mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nông dân Thiên Lộc rất chăm lo chuẩn bị đất canh tác hành. Hàng năm, sau khi thu hoạch đậu và dưa non, chừng đầu tháng 5, người dân đi lấy lá thông rụng hoặc rơm để phủ lên đất. Sang tháng 6 thì bắt đầu làm đất, bón phân và xuống giống. Ngoài ra, trong quá trình sinh trưởng của hành, người dân thường xuyên phải theo dõi thời tiết để lựa chọn phương pháp chăm sóc cây theo kinh nghiệm.
Hành tăm vừa sử dụng lá, vừa sử dụng củ để làm gia vị nên người nông dân cũng lựa chọn nhiều cách canh tác. Có hộ lựa chọn gieo giống dày đến khoảng tháng 7, tháng 8 bắt đầu thu hoạch tỉa hành tươi để bán; có hộ lại lựa chọn đúc theo khóm thưa ngay từ đầu để thu hoạch tập trung vào cuối vụ. Hiện nay, trên các cánh đồng hành ở Thiên Lộc, ngày nào cũng đông vui, người nhổ tỉa hành tươi đem bán dần, người làm cỏ, chăm sóc đợi ngày thu hoạch hành củ.
Thu hoạch hành củ thường cho thu nhập cao hơn hành lá nhưng cũng có thời điểm nhu cầu thị trường rất cao, giá hành lá đạt 15.000 – 17.000 đồng/kg nên người dân cũng tỉa bán, phần nhiều diện tích để thu hoạch hành củ. Vào mùa, có ngày người dân thu nhập tiền triệu. Hành tăm Thiên Lộc có giá bình quân 60.000 đồng/kg, mỗi sào cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng, gần 300 triệu đồng/ha hành tăm.
Chị Lê Thị Minh, thương lái thu mua hành ở TP. Hà Tĩnh, cho biết: Tùy nhu cầu tiêu thụ từ đối tác, có ngày chúng tôi mua ít, có ngày mua nhiều. Tính trung bình mỗi ngày tôi thu mua từ 4-5 tạ hành, ngày cao điểm khoảng 7 tạ. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu mua được khoảng 30 tấn. Số hành này tôi chuyển đến chợ đầu mối ở Huế và Đà Nẵng tiêu thụ.
“So với làm lúa hoặc các loại rau màu khác, trồng hành tăm mang lại hiệu quả kinh tế hơn, từ chỗ chỉ được trồng xen, năm 2014, nhiều thôn đã trồng đại trà. Hiện nay, xã đang tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hành tăm. Theo đó, thời gian tới, hành tăm Thiên Lộc sẽ được khoác lên mình “tấm áo mới”, giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc dễ hơn và tăng tính cạnh tranh trên thị trường gia vị”, Chủ tịch UBND xã Đặng Anh Tuấn cho biết thêm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã