Dê là một trong những gia súc có tiềm năng phát triển mạnh ở tỉnh Trà Vinh và là một trong ba loại gia súc được tỉnh định hướng phát triển. “Tầm nhìn đến năm 2030”, đàn dê của tỉnh Trà Vinh sẽ là 20.000 con. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình phát triển chăn nuôi dê. Hộ dân nuôi dê đúng kỹ thuật có thể làm giàu từ loài gia súc này.
Tuy nhiên, vấn đề đầu ra của dê khiến không ít hộ nuôi phải chùn bước. Để khuyến khích việc phát triển đàn dê, Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Trà Vinh) đang hỗ trợ 20 hộ dân nuôi dê có liên kết bao tiêu đầu ra.
Hiện việc tiêu thụ dê thịt, dê con của các hộ nuôi đều được anh Nguyễn Thanh Thuỷ, chủ cơ sở thức ăn chăn nuôi Thuỷ Vân tại TP Trà Vinh bao tiêu. Anh Thuỷ cho hay, dê con được anh thu mua với giá từ 160.000 - 170.000 đồng/kg. Dê thịt từ 135.000 - 140.000 đồng/kg. Dê được anh thu mua về vỗ béo, bán cho các thương lái tại tỉnh Bến Tre.
Để thu hút người nuôi, trang trại của anh Thuỷ có mô hình chăn nuôi trình diễn kỹ thuật xây chuồng trại, cho ăn, cách nuôi nhốt, kỹ thuật phối giống… Mô hình giúp bà con đến xem, hình dung rồi về xây dựng cho hợp lý. Định hướng của anh, sẽ nuôi dê cái sinh sản để khách hàng gây tạo dê con. Trang trại anh chủ yếu nuôi dê con vỗ béo, cung cấp cho thị trường Bến Tre, Tiền Giang hiện nhu cầu đang lớn.
Thời gian tới, anh Thủy sẽ tăng cường giới thiệu, tư vấn kỹ thuật cho bà con phát triển đàn. Về vốn, một số hộ muốn phát triển đầu tư lớn, anh sẽ giới thiệu một số ngân hàng có liên kết để vay vốn...
Đến nay, cơ sở của anh Thuỷ đã thu mua dê con của các hộ dân được hai đợt. Đa số hộ dân tham gia mô hình đều phấn khởi đánh giá dê là vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, có thể giúp xoá đói giảm nghèo, phát triển tốt địa phương. Anh Thủy cũng kiến nghị để đàn dê phát triển hơn nữa, ngành chức năng cần tập huấn thêm kỹ thuật cho người nuôi.
Anh Thạch Sỹ Trình (ấp Ba Se A, xã Lương Hoà, huyện Châu Thành, Trà Vinh), một trong những hộ dân tham gia mô hình nuôi dê từ đầu năm 2020 cho hay: Gia đình trước đây cũng có nuôi dê nhưng số lượng ít, chỉ 5 con. Tham gia mô hình, anh được hỗ trợ thêm 5 con dê cái giống. Qua một năm nuôi, từ 10 con nái ban đầu, đàn dê của anh phát triển lên đến 50 con. Vừa qua, anh đã xuất bán được 20 con dê con với giá bình quân 2,4 triệu đồng/con. Hiện, đàn dê của anh còn 19 dê nái, 11 dê con hậu bị.
Anh Trình chia sẻ: Trước đây, anh nuôi ít vì ngại đầu ra, sợ bán không được. Nay nhờ có liên kết với anh Thuỷ nên anh mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng làm chuồng nuôi với số lượng lớn.
Anh nhận xét nuôi dê rất khoẻ. Bên cạnh nguồn thức ăn dễ kiếm, dồi dào ở địa phương, người nuôi có thể bổ sung thêm một ít thức ăn cho dê sinh sản. Đến khi dê con cai sữa, hoàn toàn không cần dùng đến thức ăn nữa. Thời gian tới, anh quyết định sẽ mở rộng chuồng trại, tăng đàn...
https://nongnghiep.vn/phan-khoi-nuoi-de-co-lien-ket-tieu-thu-d282663.html
Theo Minh Đảm/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã