Những năm qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, người nuôi cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ của môi trường và dịch bệnh.
Là một trong những vùng nuôi tôm đầu tiên của tỉnh nhưng thời gian qua người nuôi tôm ở các xã Gio Mai và Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị phần lớn đều bỏ hoang hồ hoặc thả nuôi cầm chừng do nhiều năm bị thua lỗ, tôm bị dịch bệnh chết.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Quảng Trị, vùng nuôi tôm này mặc dù có diện tích lớn nhưng không có các ao chứa lắng, xử lý nước thải nên người nuôi tôm xả nước thải trực tiếp ra môi trường, dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm. Đó chính là nguyên nhân khiến cho tôm nuôi ở vùng này thường xuyên bị dịch bệnh chết hàng loạt trong những năm qua.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị cho biết: Hiện nay môi trường nuôi thủy sản đang bị suy thoái và có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát như vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp, cũng như hoạt động NTTS không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản; bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ảnh hưởng không ít đến NTTS…
Do đó, việc quan trắc môi trường phục vụ NTTS là hết sức cần thiết, giúp thông tin kịp thời, dự báo diễn biến môi trường vùng nuôi, mùa vụ nuôi.
Căn cứ theo các quy định chính sách hiện hành, Chi cục Thủy sản đã tiến hành quan trắc môi trường nước ao nuôi đại diện và nguồn nước cấp tại 8 xã/phường của 5 huyện/thành phố gồm: xã Vĩnh Thành, Vĩnh Thái, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh); xã Trung Giang (huyện Gio Linh); xã Triệu Phước, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong); xã Hải An (huyện Hải Lăng) và phường Đông Giang (thành phố Đông Hà).
Các chỉ tiêu quan trắc trong môi trường nước ao nuôi bao gồm nhiệt độ, pH, độ trong, hàm lượng oxy hòa tan, độ mặn, hàm lượng Nitrit (NO2-), hàm lượng khí độc NH3/NH4+, độ kiềm, độ cứng, NO3-, PO43-, H2S, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu oxy hóa học (COD), Coliforms, vi khuẩn Vibrio tổng số và Vibrio parahaemolyticus, thành phần và mật độ tảo; đối với nguồn nước cấp bên cạnh các chỉ tiêu trên còn quan trắc thêm hàm lượng kim loại nặng như Cadimi (Cd), thủy ngân (Hg), chì (Pb), các hóa chất bảo vệ thực vật nhóm Clo và Photpho.
Dữ liệu quan trắc sau khi phân tích sẽ được tổng hợp và thông báo đến các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, đồng thời hệ thống hóa thành cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá diễn biến môi trường theo thời gian. Từ đó, dự báo diễn biến môi trường phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất của ngành nông nghiệp.
Tại đợt quan trắc môi trường vừa qua, sau khi phân tích các chỉ tiêu quan trắc Chi cục Thủy sản khuyến cáo: Tại các thời điểm độ mặn nguồn nước cấp xuống thấp, không nên cấp nước vào ao nuôi trong thời điểm này, chỉ cấp ít nước vào ao nuôi khi thật sự cần thiết, tránh trường hợp độ mặn giảm đột ngột làm ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Từ đó, đơn vị này đề nghị, khi độ mặn ổn định, có thể cấp nước bổ sung cho ao nuôi, khi cấp nước nên cấp vào ao lắng lọc ở thời điểm đỉnh triều qua túi lọc, sau đó xử lý nước trong ao lắng lọc trước khi cấp cho ao nuôi.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị cho biết, việc quan trắc thường xuyên môi trường các vùng nuôi thủy sản không những có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho người nuôi, giúp họ chủ động trong quản lý chất lượng nước vùng nuôi, phòng tránh dịch bệnh.
Từ kết quả quan trắc môi trường, cơ quan quản lý sẽ có căn cứ đánh giá tác động của hoạt động NTTS đến môi trường xung quanh và ngược lạ, từ đó có định hướng quy hoạch phát triển nghề NTTS theo hướng bền vững. Đây cũng là nguồn dữ liệu quan trọng cho các đoàn thanh tra của các nước nhập khẩu đến Việt Nam tìm hiểu, đánh giá điều kiện NTTS của vùng.
https://nongnghiep.vn/quan-trac-moi-truong-giup-quan-ly-chat-luong-nuoc-vung-nuoi-phong-tranh-dich-benh-d305109.html
Theo Công Điền - Tâm Phùng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã