Ông Đặng Văn Quang ngụ thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông, Lâm Đồng là người nuôi cá tầm với diện tích mặt nước khoảng 1.500m2.
Những năm trước, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, mỗi năm, gia đình ông thu hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Hiện nay, cá của gia đình ông nuôi đã qua 12 tháng và đạt trọng lượng từ 1,8-2kg/con. Đây là loại vừa đẹp để cung ứng ra thị trường nhưng do dịch bệnh nên không có đầu ra.
Cũng theo ông Quang, không riêng gì gia đình ông, những hộ nuôi khác ở địa phương cũng không bán được cá dù đã đến ngày thu hoạch. Ước tính, cả địa bàn thôn 2 của xã Rô Men có khoảng 50 tấn cá tầm 1,8-2kg/con khó bán. “Loại 7-8 lạng/con cũng không bán được và cả thôn đang có khoảng 100 tấn”, ông Đặng Văn Quang thổ lộ.
Theo lãnh đạo UBND xã Rô Men, toàn xã hiện có 27 hộ nuôi cá tầm với tổng diện tích trên 3ha mặt nước. Các hộ nuôi cá tầm tập trung chủ yếu ở địa bàn thôn 2 và thôn 4, nơi mà các hộ dân có thể lấy nước trực tiếp từ con suối lạnh. Nguồn nước này trong sạch, nhiệt độ luôn ở mức 15-18 độ C, phù hợp để phát triển nuôi cá tầm.
Ở huyện Đam Rông, cá tầm đa phần được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và đây được xem là mặt hàng cao cấp với thị trường tiêu thụ chủ yếu ở TP. HCM và các thành phố lớn. Thông thường, cứ vào tháng 10 hàng năm, người chăn nuôi bắt đầu bán cá thương phẩm và thả cá con cho mùa vụ năm sau.
Các hồ nuôi cá tầm phân bổ chủ yếu ở các xã Rô Men, Liêng Srônh và Đạ Tông. Tại Đam Rông, diện tích nuôi 1ha có thể cho thu hoạch bình quân 10 tấn cá tầm/năm và người thực hiện mô hình đạt doanh thu từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng.
Trước thực trạng người nuôi cá tầm gặp khó khăn do kênh tiêu thụ, vận chuyển cá bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, huyện Đam Rông đã phối hợp cùng các xã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, chính quyền cấp xã tổ chức gặp gỡ người nuôi cá tầm trên địa bàn để ghi nhận những khó khăn, đặc biệt khâu vận chuyển để có phương án phối hợp, xử lý.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, ngành cá nước lạnh của tỉnh dự kiến phát triển lên 200ha vào năm 2022. Trong đó gồm 120ha trang trại có mái che theo hướng công nghiệp kỹ thuật cao và 80ha là lồng bè ở các lưu vực hồ chứa, ao xây... Ở diện tích này, sản lượng dự kiến vào khoảng 2.000 tấn/năm và tỉnh sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
https://nongnghiep.vn/nguoi-nuoi-ca-tam-lao-dao-d305310.html
Theo Minh Hậu/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã