Học tập đạo đức HCM

Những bài toán khó cho trái cây Việt Nam

Thứ năm - 21/10/2021 01:23
Vùng nguyên liệu của trái cây thiếu tập trung, quy mô nhỏ; đặc thù thời vụ quá ngắn; chịu sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường quốc tế...

Nhà máy cần chạy ít nhất 10 tháng, nguyên liệu chỉ có 2 - 3 tháng

Nêu quan điểm tại Diễn đàn Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho rằng, một trong những vấn đề lớn mà ngành công nghiệp chế biến nông sản tại Việt Nam đang phải đối mặt là vùng nguyên liệu.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối nông sản, nhất là trái cây Việt Nam, đó là tính thời vụ quá ngắn, thiếu tập trung và ổn định. Ảnh: Tùng Đinh.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối nông sản, nhất là trái cây Việt Nam, đó là tính thời vụ quá ngắn, thiếu tập trung và ổn định. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Đinh Cao Khuê, không như những lĩnh vực ngành hàng khác, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là một công việc khó khăn vì không gian cần đầu tư trong nông nghiệp rất lớn.

Về tài chính, đầu tư ban đầu không phải là vấn đề đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp. Xây dựng một nhà máy chế biến với công suất từ 30.000 – 50.000 tấn/năm cần đầu tư số tiền khoảng 400 tỷ đồng. Đối với các doanh nghiệp lớn, 400 tỷ đồng không phải quá khó.

Nếu đơn vị có phương án chuẩn mực, tính toán cụ thể, có năng lực thì các ngân hàng sẵn sàng cho vay. Ngoài ra trong một thời đại 4.0, việc có thể đầu tư mua sắm máy móc như thế nào, hiệu suất ra sao để đưa vào sản xuất cũng là điều đơn giản.

“Cái khó nhất vẫn là vùng nguyên liệu. Chất lượng nguồn nguyên liệu của Việt Nam rất tốt nhưng thời gian sản xuất trong 1 năm lại quá ngắn. Điển hình như xoài Sơn La chỉ có trong 3 tháng, vải Bắc Giang chỉ có trong 2 tháng, thế nhưng một nhà máy chế biến lại cần phải hoạt động ít nhất 10 tháng trong 1 năm.

Từ đó có thể thấy tình hình chung hiện nay là vùng nguyên liệu không đủ cung cấp để một nhà máy chế biến đảm bảo đủ công suất hoạt động trong 1 năm”, ông Đinh Cao Khuê nêu vấn đề.

Để giải quyết được triệt để vấn đề này, và có thể xây dựng được những vùng nguyên liệu ổn định, đủ và phù hợp với từng vùng, theo ông Khuê, Việt Nam cần một quy hoạch căn cơ.

Ngoài ra, một nhà máy chế biến cần phải xử lý được đa dạng nguồn nguyên liệu để doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa công suất, dây chuyền máy móc hoạt động được quanh năm.

Tây Nguyên – miền đất hứa

“Nếu nói đến việc phát triển trồng cây ăn quả thì khu vực Tây Nguyên có thể mang lại hiệu quả cao nhất hiện nay. Nếu trồng giống dứa Queen ở Đồng Giao (Ninh Bình), sau 1 năm mới có thể xử lý được, còn giống dứa Cayenne là 1 năm 4 tháng với khối lượng khoảng 0,7 – 0,8 kg. Nhưng nếu trồng dứa ở Gia Lai thì chỉ cần 10 tháng là đã có thể xử lý với khối lượng quả lên đến 2 kg”, ông Đinh Cao Khuê chia sẻ.

Ông Đinh Cao Khuê đánh giá, Tây Nguyên đang là vùng có tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn cho phát triển trái cây gắn với công nghiệp chế biến sâu của nước ta. Ảnh: TL.

Ông Đinh Cao Khuê đánh giá, Tây Nguyên đang là vùng có tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn cho phát triển trái cây gắn với công nghiệp chế biến sâu của nước ta. Ảnh: TL.

Theo đại diện DOVECO, có 2 lí do để nói Tây Nguyên chính là vùng đất hứa cho việc phát triển trồng cây ăn quả. Lí do đầu tiên, chất lượng đất ở khu vực Tây Nguyên tốt, khí hậu có sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm thuận lợi, thời gian nắng kéo dài, nhiệt độ ban đêm lạnh nhưng không lạnh sâu như ở miền Bắc. Khí hậu thuận lợi sẽ nâng cao năng suất, nâng cao sức cạnh tranh của hoa quả Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Lí do thứ hai, Tây Nguyên không bị ảnh hưởng bởi mưa bão mà chỉ thiếu nước trong những tháng mùa khô. Theo ông Khuê, vấn đề này có thể khắc phục được bằng cách cải thiện thủy lợi, tưới tiêu.

“Phần lớn những khu đất thuận lợi ở Tây Nguyên đều thuộc sở hữu của các công ty nông nghiệp, các nông lâm trường quốc doanh trước đây. Vậy nên chăng cần có một sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị chế biến và những công ty này để vừa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, vừa nâng cao thu nhập cho người dân? Không nhất thiết công ty cao su thì chỉ làm cao su mà cần căn cứ vào thị trường để chuyển dịch một cách hợp lý”, Chủ tịch HĐQT Công ty DOVECO đặt vấn đề.

“Hiện nay, cao su và cà phê được trồng rất nhiều tại khu vực Tây Nguyên. Một quy luật tất yếu của thị trường là cung quá cao thì cầu sẽ thừa. Để đảm bảo giá cao su, cà phê vẫn cao mà vẫn có thể phát triển cây ăn quả thì nên tính tới việc tận dụng một quỹ đất hợp lý ở Tây Nguyên”, ông Đinh Cao Khuê nói.

Bài toán cạnh tranh của trái cây Việt Nam

Cũng theo ông Đinh Cao Khuê, Việt Nam đang dần hội nhập sâu rộng trên thị trường quốc tế và tham gia vào chuỗi phân phối thực phẩm của thế giới, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải đảm bảo được những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường đó. Ngoài ra cũng cần nắm bắt được thông tin về những đối thủ cạnh tranh trên cùng một thị trường. 

Trái cây Việt Nam, muốn vươn ra xuất khẩu, phải xác định được lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại của các nước khác trên thị trường quốc tế. Ảnh: TL.

Trái cây Việt Nam, muốn vươn ra xuất khẩu, phải xác định được lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại của các nước khác trên thị trường quốc tế. Ảnh: TL.

“Nhìn ra thế giới, các hiệp hội ngành hàng nông sản nước ngoài có chức năng rất lớn, có đầy đủ thông tin để khớp nối được cung và cầu, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp. Thế nhưng hiện nay lực lượng hiệp hội ngành hàng của Việt Nam có nhiều hạn chế, khó cung cấp thông tin cho doanh nghiệp”, ông Đinh Cao Khuê nếu thực trạng.

Đưa ra ví dụ về vấn đề này, ông Đinh Cao Khuê cho biết nếu Việt Nam muốn giành được ưu thế đối với sản phẩm xoài trên thị trường thế giới thì phải có chất lượng, giá cả cạnh tranh với xoài Ấn Độ. Còn nếu muốn chế biến, xuất khẩu cam thì Việt Nam phải cạnh tranh được với sảm phẩm cam của Brazil và Mỹ. Đối với chuối, Việt Nam phải cạnh tranh được với Philippines, Peru, Ecuador.

Theo ông Khuê, thực tế hiện nay, yêu cầu của thị trường không quá khó, vấn đề đặt ra là giá cả và chất lượng có đảm bao hay không: “Chỉ cần sản xuất theo thị hiếu của người tiêu dùng và có giá rẻ thì chắc chắn sẽ đắt khách. Còn nếu chỉ phát triển theo lối chung chung máy móc thì chỉ có thể tiêu thụ nội tiêu chứ không thể xuất khẩu.”

Từ đó, đại diện DOVECO đưa ra đề xuất, những đơn vị chính sách, chiến lược cần định hướng thị trường cho doanh nghiệp vì phải có thông tin về thị trường mới không xảy ra hiện tượng thừa thiếu sản phẩm.

Các doanh nghiệp chế biến đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cho các nhà máy chế biến. Ảnh: TL.

Các doanh nghiệp chế biến đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cho các nhà máy chế biến. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, ông Khuê cho rằng Việt Nam cần cải thiện vấn đề giống cây trồng. Các viện nghiên cứu, các nhà khoa học cần phối hợp với doanh nghiệp trong công tác chọn tạo giống. Trong đó doanh nghiệp sẽ là chủ thể vì doanh nghiệp đã có kinh nghiệm đối với thị hiếu của từng thị trường.

2 khó khăn lớn của doanh nghiệp nông nghiệp

Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng đang phải đối mặt, ông Đinh Cao Khuê cho rằng hiện nay, có 2 khó khăn lớn nhất là vận tải và nguồn nhân lực.

“Hiện nay, nhờ có Hiệp định thương mại EVFTA nên khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam rất thuận lợi sang EU. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đến từ chi phí vận tải. Ngoài ra chi phí tại các cảng biển trong nước cũng cần được xem xét lại”, ông Khuê cho biết.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy các nhà máy chế biến đều ở xa khu vực thành phố nên rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Chủ tịch HĐQT DOVECO cho rằng, không phải không có nguồn lao động mà những nhân lực tại địa phương không thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Theo đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn lao động.

“Ngoài ra, các địa phương cũng nên dành một quỹ đất hợp lý để doanh nghiệp thuê lại phục vụ cho mục đích xây dựng những mô hình và xây dựng nơi cung cấp giống, đồng thời là nơi để người dân tham quan học tập, nâng cao chất lượng chuyên môn”, ông Đinh Cao Khuê đề xuất.

https://nongnghiep.vn/nhung-bai-toan-kho-cho-trai-cay-viet-nam-d305650.html
Theo Phạm Hiếu/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập192
  • Hôm nay42,618
  • Tháng hiện tại700,687
  • Tổng lượt truy cập90,764,080
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây