Năm 2003, anh Lê Đình Trúc tốt nghiệp Khoa Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng Công nghiệp 4 (nay là Đại học Công nghiệp TP. HCM). Như nhiều bạn học cùng quê, anh ở lại TP. HCM tìm kiếm cơ hội lập nghiệp.
Sau nhiều năm cống hiến, Trúc được đề bạt lên làm phó giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thiết bị máy móc phục vụ ngành chế biến thực phẩm của Đài Loan.
Công việc đúng chuyên ngành, thu nhập khá, có địa vị nhưng Trúc vẫn nghĩ sẽ có ngày cùng vợ trở về quê tại xã Yên Thọ, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) để làm một điều gì đó cho quê hương, ít nhất là tạo công ăn việc làm cho người dân ở đây. Nhưng làm gì, làm như thế nào thì Trúc vẫn còn mơ hồ lắm!
Trúc phân vân, Thanh Hóa đất rộng, tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào nhưng không hiểu vì sao bao đời nay người dân vẫn nghèo. Quê hương Trúc, biết bao thanh niên vừa rời ghế nhà trường là phải vào Nam, ra Bắc mưu sinh mà chưa nhiều người nghĩ đến việc sẽ làm giàu trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên.
Nói đến ý tưởng này, chị Phượng vợ anh Trúc cho biết: Sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước nên khi nghe nói đến chuyện về quê chồng sinh sống và lập nghiệp, thực sự chị rất bối rối.
"Ở Sài Gòn chồng tôi có công việc và thu nhập đang ổn định; tôi cũng vậy. Giờ cả nhà khăn gói về quê, công việc hoàn toàn mới không biết rồi phải thích nghi thế nào. Nhưng chồng tôi quyết đoán lắm, nói là làm bằng được nên tôi cũng không thể cản”.
Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2016, anh Trúc mới quyết định rời bỏ mảnh đất Sài Gòn để về quê. Đó là thời điểm bố anh qua đời nhưng giấc mơ mở rộng, nâng cấp cơ sở trồng nấm đang còn dang dở.
“Bố tôi trồng nấm đã từ nhiều năm nay, nhưng ông vẫn chỉ làm với quy mô nhỏ, không có vốn để đầu tư nâng cấp. Khi có cơ hội về nguồn vốn, công việc đang dang dở thì bố mất. Tôi rất trăn trở nên đã quyết định cùng vợ con khăn gói về quê thực hiện tiếp ước mơ của bố mình.
Tôi muốn xây dựng một cơ sở sản xuất nấm hữu cơ với giá thành sản phẩm thấp, sản phẩm chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Tôi nghĩ, nếu quyết tâm và thực sự chịu khó học hỏi mình sẽ thàn công”, anh Trúc tâm sự.
Nhưng chuyên môn của Trúc được đào tạo không liên quan gì đến sản xuất nông nghiệp. Bản thân anh, dù có bố trồng nấm từ nhiều năm trước nhưng cũng chưa một ngày cùng bố thực hiện công việc này. Vì vậy, việc đầu tư tiền vào trồng nấm có thể coi là việc làm mạo hiểm.
Tuy nhiên, anh Trúc cho rằng, việc sản xuất nấm của bố anh triển khai ở địa phương có nhiều điểm thuận lợi như đầu ra, giá cả ổn định, nhân công ở địa phương dồi dào. Trong khi đó, Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rừng lớn, nhiều nhà máy chế biến gỗ nên nguồn nguyên liệu trồng nấm rất lớn. Đây là một trong những yếu tố giúp anh thêm vững tâm vào quyết định của mình.
Về quê, anh Trúc và vợ vay vốn ngân hàng để tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở sản xuất nấm. Việc đầu tiên anh làm là mở rộng mặt bằng xưởng lên 6 nghìn m2; đầu tư lò hơi, nồi hấp, dây chuyền đóng bịch tự động lên 2.000 bịch/giờ... Theo anh Trúc, đầu tư máy móc tuy chi phí rất lớn nhưng về lâu về dài sẽ tiết giảm nhân công, giảm chi phí đầu vào. Đây là yếu tố quan trọng để giảm giá thành sản phẩm tạo ra tính cạnh tranh trên thị trường.
3 sản phẩm nấm linh chi, mộc nhĩ và bào ngư của HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng đạt tiêu chuẩn GPM, OCOP 3 sao và đang xây dựng chuẩn hữu cơ.
"Tôi sẽ đầu tư hệ thống chế biến bằng công nghệ sấy lạnh thăng hoa để tăng thời gian bảo quản và chất lượng sản phẩm. Dự định, từ năm 2023, HTX Nông sản Hữu cơ Trúc Phượng sẽ có hàng xuất khẩu sang các nước Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản”, Lê Đình Trúc cho biết.
Không được đào tạo chuyên ngành sản xuất nông nghiệp, sản xuất nấm đối với Trúc là công việc vừa học vừa làm, vừa làm vừa thử nghiệm.
“Sau 5 năm trồng nấm, đến nay, số lần thất bại của tôi nhiều hơn là thành công. Nhưng tôi vẫn đặt quyết tâm phải sản xuất bằng được nấm hữu cơ. Tôi nghĩ, một ngày không xa, nấm hữu cơ Trúc Phượng sẽ có mặt không những thị trường trong nước mà còn xuất khẩu”.
Nhưng quyết tâm của Trúc liên tiếp thất bại khiến người thân không khỏi băn khoăn. Ấy cũng là lúc nghị lực của Trúc trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, là lúc anh nghĩ mình phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Chàng trai 8X không kể ngày đêm rà soát lại quy trình trồng nấm của mình trong thời gian đã qua. Nhiều trưa không ngủ, nhiều đêm thức trắng, anh chỉ nghĩ đến cây nấm.
Trúc nhận thấy, trong trồng nấm dạng dịch thể, mỗi người có một cách làm nhưng điều quan trọng là vật tư đầu vào phải chuẩn, được tiệt trùng, hấp sấy bằng nồi hơi. Khu nuôi cấy phải có lưới chắn côn trùng, vật trung gian gây bệnh… Nấm rất mẫn cảm với thời tiết và các loại virus, nếu người trồng chú ý và xử lý được những yếu tố bất lợi này thì mới đảm bảo thành công.
“Nhưng điều quan trọng nhất trong quy trình trồng nấm tôi nghĩ là giống. Giống là yếu tố số một quyết định thành bại của một lứa nấm”, anh Trúc chia sẻ.
Anh cho rằng, chính việc phải đi mua giống, chất lượng không đồng đều nên anh mới nhiều lần thất bại và lỡ kế hoạch giao hàng.
Vì thế, từ năm 2019, anh quyết định tự sản xuất các giống nấm như bào ngư, linh chi và mộc nhĩ. Có giống rồi, anh phải mất 1 - 2 năm trồng thử nghiệm để chuẩn hóa giống với nguyên liệu đầu vào nhằm tạo ra một chuỗi sản xuất hoàn hảo, khép kín. Khi đã có cơ sở, nền tảng, hiện anh đang tiếp tục thử nghiệm sản xuất một số giống nấm khác.
Nói về quy trình sản xuất nấm của mình, anh Trúc cho rằng, mình đang đi trên con đường đầy chông gai để cho ra sản phẩm nấm hữu cơ. Làm theo quy trình này, thời gian lên men, phối trộn nguyên liệu dài hơn từ 1,5 - 2 tháng so với cách thức thông thường.
Giống và môi trường phải được kiểm soát chặt chẽ, không sử dụng bất cứ một loại hóa chất nào. Vì vậy, chi phí đầu vào lớn hơn khoảng 30%, thời gian trồng trồng kéo dài nhưng sản lượng không cao hơn sản xuất nấm thông thường.
Trong khi đó, người tiêu dùng hiện vẫn chưa thể phân biệt sự khác nhau giữa nấm hữu cơ và nấm thông thường. Vì vậy, nấm thương phẩm anh Trúc bán ra thị trường hiện vẫn chỉ ngang bằng với nấm được sản xuất thông thường. Điều đó có nghĩa là lợi nhuận từ trồng nấm hữu cơ hiện chưa cao.
- Thiệt đơn thiệt kép thế, tại sao anh vẫn kiên quyết sản xuất nấm hữu cơ?, tôi hỏi.
Anh Trúc trả lời: Thực ra, anh đang không chịu thiệt như anh nghĩ. Nông sản hữu cơ là xu thế của người tiêu dùng thực phẩm trong tương lai và chính người sản xuất phải nắm bắt được cơ hội này.
Bản thân người làm ra thực phẩm phải vừa có tâm, vừa định hình được xu thế phát triển bền vững. Không lâu nữa đâu, nông sản hữu cơ sẽ lên ngôi và những người đã có bước chạy đà, đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất định sẽ thành công.
Với 600 m2 xưởng sản xuất nấm, anh Trúc lắp đặt hệ thống có công suất lên đến 200 tấn nấm/năm. Tuy nhiên, năm 2020 anh mới chỉ sản xuất được khoảng 100 tấn nấm các loại như linh chi, nấm sò, nấm mộc nhĩ, thu về khoảng 1,6 tỷ đồng, lãi sau thuế khoảng 500 triệu đồng. Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Trúc Phượng do anh làm giám đốc tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức lương từ 4,5 – 6 triệu đồng/người/tháng và 20 - 30 lao động thời vụ.
“Đến năm 2020, tôi mới sản xuất được gần 100 tấn nấm các loại vì trước đó dành nhiều thời gian cho thử nghiệm và tự sản xuất giống. Nhưng năm nay, thực sự đang gặp rất nhiều khó khăn. Khi tôi có thể sản xuất hết công suất nhà xưởng thì dịch Covid-19 nổ ra nên việc sản xuất bị ảnh hưởng rất lớn. Nguyên liệu đầu vào khó thu mua, sản phẩm cũng khó bán hơn nên sản lượng đến thời điểm này chỉ bằng 1/4 so với năm 2020”, anh Trúc cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã