Xuất thân từ nông dân "chân lấm, tay bùn", sau nhiều năm trồng dưa hấu và một số cây trồng khác không mang lại hiệu kinh tế quả cao, gia đình bà Huỳnh Thị Oanh (SN 1973, trú tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất trồng dưa hấu để trồng cây cà gai leo, cây kim tiền thảo.
Bà Huỳnh Thị Oanh, cho biết: "Năm 2014, biết được tỉnh Quảng Bình đang có dự án giúp nông dân trồng cây dược liệu, tôi đã bàn với chồng chuyển đổi 3ha đất trồng dưa hấu sang trồng cây cà gai leo, cây kim tiền thảo. Đặc biệt, cây cà gai leo và cây kim tiền thảo chịu được khí hậu khắc nghiệt, đất cằn, khô hạn ở tỉnh Quảng Bình, thích ứng với biến đổi khí hậu nên rất thích hợp để trồng".
Năm đầu tiên trồng, gia đình bà Oanh gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm và nguồn nước tưới chưa đáp ứng đủ cho cây cà gai leo. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực từ bà Oanh cùng sự sát cánh của người chồng là ông Nguyễn Văn Luyện (SN 1969), gia đình bà đã cần mẫn chăm sóc vườn cà gai leo, phải đến các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để tìm mối bán.
Đến bây giờ, từ 3ha đất cây trồng kém hiệu quả, gia đình bà đã trồng được 1,5ha cây cà gai leo, 1,5ha cây kim tiền thảo, sau khi cắt cành, lá phơi khô, mỗi loại cây bán cho thương lái với giá giao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí, gia đình bà Oanh thu lãi 650 - 680 triệu/năm.
Nói về kinh nghiệm chăm sóc cây cà gai leo, cây kim tiền thảo, bà Huỳnh Thị Oanh, bật mí: "Quá trình chăm sóc cây cà gai leo, cây kim tiền thảo không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật mà phòng trừ sâu bệnh bằng các thuốc có nguồn gốc sinh học (thảo mộc, vi sinh), làm cỏ thủ công kết hợp dùng màng nylon phủ luống, để giữ ẩm đất, giảm tưới nước, chống xói mòn rửa trôi dinh dưỡng và hạn chế cỏ dại, nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi chăm sóc cây cà gai leo, cây kim tiền thảo chỉ sử dụng phân chuồng hoặc phân vi sinh không sử dụng phân hóa học đặc biệt là phân đạm ure, để cho ra thành phẩm theo hướng hữu cơ, an toàn cho người sử dụng. Việc sử dụng phân bón vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục cũng giúp cây trồng sống bền, sức đề kháng cao...".
Nói về khó khăn, bà Oanh, chia sẻ: "Thời tiết ở Quảng Bình nắng nóng vào mùa hè, nguồn nước không đủ để cung cấp cho cây trồng, ngoài ra, cây cà gai leo là thân cành, gai nhiều, sắc nhọn nên cản trở các thao tác kỹ thuật (làm cỏ, bón phân, thu hoạch, sơ chế), làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới quá trình canh tác cà gai leo theo hướng hữu cơ..."
Được biết, mô hình trồng cây cà gai leo, cây kim tiền thảo của bà Huỳnh Thị Oanh đang giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức lương 8 triệu/người/tháng.
Thời gian tới, bà Oanh sẽ mở rộng diện tích để trồng thêm cây cà gai leo, cây kim tiền thảo và đầu tư công nghệ để chế biến các sản phẩm từ hai cây trồng trên.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Lê Xuân Duẩn – Chủ tịch UBND xã Lý Trạch, cho hay: "Mô hình trồng cây cà gai leo, cây kim tiền thảo của nông dân Huỳnh Thị Oanh rất hiệu quả, cần được nhân rộng. Bên cạnh đó, gia đình bà Oanh rất tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, đặc biệt, trong việc xây dựng nông thôn mới".
https://danviet.vn/quang-binh-trong-cay-dai-day-gai-khong-ngo-thu-lai-dam-20200526120037671.htm
Theo Trung Thuần/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã