Do đó, Phú Yên đặt mục tiêu năm 2022 có ít nhất 18 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; đến cuối năm 2025 phát triển được 125 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm cấp quốc gia (5 sao).
Xây dựng sản phẩm OCOP từ một bài báo
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa), cho biết, là người dân Phú Hòa, từng chứng kiến cảnh thương lái thu mua khóm (dứa) ép giá, rồi người trồng khóm được mùa mất giá, phải mang khóm bán đổ bán tháo dọc Quốc lộ 25, ông rất xót xa. Vì vậy, ông đã đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din với mong muốn làm chủ sản phẩm mình làm ra, cùng bà con đưa cây khóm trở thành nông sản có giá trị trên thị trường. Rồi một lần tình cờ đọc được bài báo nói về những lợi ích khi tham gia chương trình OCOP và có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, ông Chương đã chia sẻ với cộng sự của mình và họ bắt đầu hành trình xây dựng sản phẩm OCOP từ nông sản quê hương.
Từ thành công của sản phẩm đầu tiên là bánh khóm Đồng Din, HTX tiến tới nghiên cứu, chế biến các sản phẩm nước ép khóm nguyên chất, mứt khóm sấy. Bên cạnh đó, HTX còn tận dụng phụ phẩm khóm từ quá trình sản xuất để tạo ra giấm khóm, nước lau sàn, nước rửa chén sinh học từ khóm… Ngoài ra, HTX còn có sản phẩm lá giang sấy thông qua việc xen canh lá giang trong vùng trồng khóm. Vừa qua, các sản phẩm của HTX là trái khóm Đồng Din, bánh khóm Đồng Din, dứa sấy Đồng Din, giấm dứa Đồng Din, rượu dứa Đồng Din, măng sấy, lá giang sấy, nước rửa chén sinh học Đồng Din đã được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Những sản phẩm này cũng đang được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành khác như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai, Lâm Đồng…, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Từ năm 2021 đến nay, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din có 9 sản phẩm từ khóm và nông sản địa phương được công nhận đạt 3 sao, 4 sao OCOP cấp tỉnh. Kể từ khi các sản phẩm được công nhận OCOP, lượng hàng hóa bán ra tăng cao và có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. “Khi được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, khách hàng tự tin mua và sử dụng sản phẩm của mình. Nhờ vậy, sản lượng bán ra hàng ngày tăng đột biến”, ông Nguyễn Hoàng Chương nói.
Là chủ thể OCOP, ông Trần Văn Khoa, chủ hộ kinh doanh đậu dầm Nga Sơn Tofu (huyện Tây Hòa), cho rằng, thành công lớn nhất của cơ sở đến thời điểm này là đã hoàn thiện quy trình sản xuất sản phẩm sạch, đăng ký nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm… để sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. “Khi đạt chuẩn OCOP, thông qua việc tuyên truyền trên báo chí, các phương tiện truyền thông, sản phẩm khẳng định được thương hiệu, có cơ hội quảng bá ra thị trường, kết nối tiêu thụ trong và ngoài huyện, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn cho cơ sở. Qua đó nâng cao thu nhập cho các thành viên chủ thể sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống người dân”, ông Khoa khẳng định.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai tại Phú Yên từ năm 2019 nhằm khai thác các sản phẩm đặc trưng, dựa trên các yếu tố điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ đó nâng cao giá trị nông sản, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Đến thời điểm hiện tại, Phú Yên có 27 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 3 -4 sao, khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho các đơn vị, hộ sản xuất kinh doanh. Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, là tỉnh nông nghiệp, số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như vậy là thấp so với các tỉnh, thành khác. Vì vậy, theo kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh phấn đấu năm 2022 có ít nhất 18 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh, đến cuối năm 2025 phát triển 125 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm cấp quốc gia (5 sao).
Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng OCOP tỉnh Phú Yên: Thời gian qua, các chủ thể đã nỗ lực cải tiến sản xuất, tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng, được thẩm định, đánh giá và được công nhận. Do đó, thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị chính quyền các địa phương, chủ thể sản xuất giữ vững, nâng cao giá trị sản phẩm, có biện pháp bảo hộ, chống hàng giả; đặc biệt là tăng cường quảng bá sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng của Phú Yên. |
“Để phát triển sản phẩm nông sản và khôi phục các làng nghề truyền thống, hướng đến xây dựng nông sản và sản phẩm làng nghề trở thành sản phẩm OCOP, tỉnh đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ như đầu tư hạ tầng, đào tạo nâng cao tay nghề, quảng bá thương hiệu gắn với kinh doanh du lịch… Nhờ đó, các tuyến đường giao thông dẫn vào các làng nghề được bê tông hóa, nhựa hóa, hệ thống điện, nước được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, cho biết.
Bên cạnh đó, để khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm OCOP, Phú Yên đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ nguồn kinh phí cho việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, bộ nhận diện; mã vạch; tem truy xuất nguồn gốc. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh, các địa phương cần hỗ trợ nhiều hơn nữa các chủ thể đầu tư; đổi mới phương pháp sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng các sản phẩm đạt đủ tiêu chí công nhận là sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị, quảng bá, phát triển sản phẩm địa phương.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng, vì vậy, cần thực hiện đồng bộ ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) và phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chỉ đạo triển khai. “Công tác truyền thông về Chương trình OCOP cần được thực hiện tốt. Việc xây dựng bộ máy hoạt động triển khai chương trình ở các cấp phải thực sự tâm huyết, không nóng vội chạy đua thành tích. Cần lựa chọn các sản phẩm là đặc trưng, thế mạnh, có tiềm năng của địa phương và hướng dẫn thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về sản phẩm hàng hóa để tham gia Chương trình OCOP. Ngoài ra, cần quan tâm công tác xúc tiến thương mại để phát triển sản phẩm OCOP; lựa chọn đối tác làm tư vấn phải có đầy đủ năng lực, nhiều kinh nghiệm và đã tham gia tư vấn Chương trình OCOP ở các tỉnh”, ông Thắng chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã