Nấm linh chi có tên khoa học Ganoderma lucidum, là loại dược liệu có giá trị lớn. Nấm linh chi có tính bình, vị đắng và không độc, có tác dụng giải độc gan, bảo vệ gan, làm đẹp da, tăng cường sức khỏe…Hiện nay nấm linh chi trong tự nhiên đang ngày một cạn kiệt, nên để sử dụng loại dược liệu này, người tiêu dùng phải bỏ ra chi phí không hề nhỏ.
Trước đây, nấm linh chi thường được trồng bằng mùn cưa với chi phí lớn và phải dùng nhiều loại chất phụ gia nên khó có thể đảm bảo yếu tố “sạch” cho sản phẩm. Để khắc phục những hạn chế đó, cuối năm 2017, Trung tâm Ứng dụng Thông tin khoa học và công nghệ Hòa Bình (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình) đã thực hiện mô hình trồng nấm linh chi đỏ trên giá thể gỗ cây keo tươi. Trong thời gian qua, Trung tâm đã rất chú trọng đến quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng, tự xử lý nguyên liệu đến thành phẩm, nhờ đó cho ra sản phẩm nấm đạt chất lượng cao.
Khác với công nghệ phổ biến là trồng nấm trên mùn cưa, kỹ thuật do Trung tâm áp dụng hoàn toàn mới, đó là nấm linh chi được trồng trên giá thể bằng cây gỗ keo tươi. Đây là phương pháp vừa đơn giản, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có của địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguyên liệu để trồng nấm linh chi đảm bảo không phân bón, không thuốc bảo vệ thực vật, được lựa chọn từ loại gỗ keo có độ tuổi từ 3 đến 5 năm, là loại gỗ tươi, còn nguyên vỏ để làm giá thể. Các giá thể sau khi được sơ chế đóng gói đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và được đưa vào hấp thanh trùng tại lò hấp với thời gian từ 8 giờ trở lên tuỳ theo điều kiện và duy trì nhiệt độ từ 1oC trở lên.
Sau khi hấp thanh trùng, bịch nấm được đưa vào phòng tiến hành làm nguội và cấy giống, sau đó tiến hành ươm sợi nấm trong thời gian từ 20 đến 30 ngày tuỳ theo điều kiện thời tiết thực tế. Để cho ra những cây nấm đảm bảo chất lượng, kích thước, thẩm mỹ, phải điều chỉnh kịp thời các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của nấm. Khi trên tai nấm không còn viền màu vàng nhạt mà chuyển sang màu nâu thì có thể thu hoạch được. Trọng lượng tai nấm khi thu hoạch bình quân trên 200g.
Để đảm bảo chất lượng của nấm linh chi, ngoài những yêu cầu về kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc thì việc thu hái đúng thời điểm, đúng kỹ thuật và bảo quản cũng được Trung tâm Ứng dụng Thông tin khoa học và công nghệ Hòa Bình đặc biệt quan tâm.
Điểm khác biệt của kỹ thuật này là nguồn dinh dưỡng cho nấm được cung cấp hoàn toàn trực tiếp từ cây keo, không bổ sung bất kỳ phụ gia, phân bón gì. Do đó, chất lượng nấm linh chi thu được gần như tương đương với nấm mọc trong tự nhiên. Mỗi lứa trồng khoảng 3 tháng là cho thu hoạch lứa đầu.
Một bịch giá thể có thể thu hoạch 3 lần, sau khoảng 70 - 80 ngày thu hoạch lứa tiếp theo. Quả thể nấm sau khi thu hái được vệ sinh và xử lý cắt chân, sau đó đem sấy liên tục ở nhiệt độ từ 40 - 45oC. Khi sấy nấm linh chi ở nhiệt độ thích hợp sẽ giữ được nguyên hàm lượng dược chất, axit amin tốt nhất khi xuất ra thị trường.
Theo thống kê, 3kg nấm linh chi tươi sẽ thu được 1kg nấm linh chi khô. Chính vì vậy nấm khô giá cũng sẽ cao, bởi tính chất cầu kỳ và thu hoạch được số ít, không nhiều như các loại nấm khác. Nấm bán ra thị trường có giá dao động từ 600.000 - 800.000 đồng/kg. Với những đặc tính ưu việt đối với sức khỏe con người, nấm linh chi có thể dùng làm dược liệu cho đông y hoặc pha trà uống hàng ngày.
Qua kiểm nghiệm, sản phẩm nấm linh chi đỏ trồng bằng phương pháp nuôi cấy trên cây keo tươi đảm bảo sạch, hoạt chất dược liệu cao. Qua đó, bà con nông dân đều có thể trồng được nấm linh chi, tạo điều kiện cho người tiêu dùng được thụ hưởng sản phẩm chất lượng cao với giá phù hợp.
Thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng Thông tin khoa học và công nghệ Hòa Bình sẽ xây dựng dây chuyền chế biến, sản xuất sản phẩm trà nấm linh chi.
https://nongnghiep.vn/trong-nam-linh-chi-tren-gia-the-go-keo-tuoi-chat-luong-nhu-moc-tu-nhien-d325235.html
Theo Phạm Thanh Hằng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã