Trong chuyến công tác về xã biên giới Mường Lạn - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, chúng tôi được anh Giàng Bả Lệnh, công chức văn phòng - thống kê xã Mường Lạn rỉ tai về một ông nông dân người Mông cất giấu tiền tỷ trong rừng rú.
Bí quyết chăm đàn trâu bò béo ở trong rừng
Anh Giàng Bả Lệnh nói: "Tôi đã nhiều lần rủ các nhà báo về bản Pá Kạch để xem bí quyết làm giàu nhờ thả trâu, bò vào rừng của ông Giàng Bả Dua nhưng không ai chịu đi. Bởi nơi đó không sóng điện thoại, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt phải cuốc bộ vượt qua hàng chục con dốc đứng như bắc thang lên trời. Nếu các chú muốn vào đó, tôi sẵn sàng dẫn đường". Vậy là cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu…
Ông Giàng Bả Súa - Trưởng bản Pá Kạch cho biết: Nhờ được ông Dua chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, từ năm 2011 trở lại đây, các hộ dân ở bản Pá Kạch cũng biết thả trâu, bò lên bãi Pá Hốc.
Đến nay, toàn bản có 1.200 con trâu bò. Từ đó, bản Pá Kạch đã xuất hiện nhiều hội viên nông dân có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Điển hình như các hộ Giàng A Ma, Giàng A Sênh, Thào Giống Giạ…
Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ đi xe máy, chúng tôi có mặt tại bản Pá Kạch khi trời nhá nhem tối. Ngôi nhà của ông Dua nằm ngay cạnh nhà anh Lệnh. Ăn tối xong, chúng tôi cùng anh Lệnh sang nhà ông Dua đặt lịch sáng sớm mai ngược dốc núi lên bãi thả Pá Hốc thăm đàn trâu, bò.
Mờ sáng hôm sau, đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát từ bản Pá Kạch. May mắn tôi được ngồi sau yên "con ngựa sắt" do ông Dua điều khiển.
Người đàn ông này có dáng người nhỏ nhắn, nước da màu đồng hun, bắp tay, bắp chân săn chắc như cây lim, cây nghiến ở trên rừng. Nhưng xe máy cũng chỉ đi được nửa đường thì chúng tôi phải cuốc bộ. Khoác lên mình chiếc ba lô con cóc quân đội, ông Dua ngược dốc xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, vừa đi vừa huýt sáo gọi chim chóc nhằm xua tan đi vẻ tĩnh mịch của núi rừng.
Sau hơn 2 tiếng đi bộ, trang trại của ông Dua hiện lên giữa bốn bề mây núi. Theo hướng chỉ tay của ông Dua, cả một vùng núi non dài ngút tầm mắt dần hiện lên chính là núi Pú Hốc - bãi thả trâu, bò rộng hàng trăm ha, nơi ông đang cất giấu tiền tỷ.
Nhìn thấy đàn trâu bò của mình đang gặm cỏ từ xa, ông Dua đưa loa tay lên miệng hú "Hơ hơ hơ..." vài tiếng. Tiếng hú vang vọng khắp núi rừng, chỉ lát sau đàn trâu, bò lừng lững nối đuôi nhau hiện ra từ những lùm cây, cánh rừng gần đó.
Trước mắt chúng tôi là hàng chục con trâu, bò đực thân hình vạm vỡ, cơ bắp, vai u như những chú bò 3B được nuôi theo hình thức công nghiệp. Ông Dua tiến lại gần rồi dùng đôi bàn tay thô ráp, nứt nẻ của mình lấy nắm muối trong túi xoè ra cho đám trâu, bò liếm.
Tranh nhau ăn muối xong, đàn trâu, bò không chịu rời đi mà cứ quấn quýt bám lấy ông Dua không rời. Hoá ra chúng đang tìm cách liếm bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi ông Dua đang mặc trên người.
Xoa đầu một chú bò đực khủng, ông Dua bảo: Con này có giá khoảng 50 triệu đồng. Năm nào cũng vậy, muốn làm nhà, mua xe hay sắm sửa đồ dùng có giá trị, tôi chỉ cần cuốc bộ vài tiếng đồng hồ vào rừng dắt 1 - 2 con trâu, bò về bán là giải quyết xong.
Hiện, ông Dua có 30 con trâu, bò đực và 15 con trâu, bò cái. Giá bán 1 con trâu, bò đực dao động từ 40 - 90 triệu đồng.
Mỗi năm, ông Dua chỉ cần bán vài con là có cả đống tiền trong tay. Tính ra với tổng đàn trâu, bò hiện có, ông Dua đang sở hữu khối tài sản cả tỷ đồng.
Biến trâu, bò thành "cỗ máy in tiền"
Trò chuyện với chúng tôi, ông Dua kể: Tôi sinh ra trong gia đình khèo khó, đông anh em giữa miền sơn cước. Tuổi thơ của tôi gắn liền với con trâu, con bò. Khi lớn lên lập gia đình, gây dựng cuộc sống cũng nhờ có trâu, bò mới có hạt gạo, bắp ngô để ăn và nuôi con cái trưởng thành. Do vậy, tôi luôn tin rằng một ngày nào đó mình sẽ bắt đàn trâu, bò của gia đình trở thành những "máy in tiền" để làm giàu.
Xưa nay, vùng đất Pá Kạch vốn rộng lớn, đồng bào Mông nơi đây cần cù, chịu khó lao động sản xuất nhưng cuộc sống của bà con vẫn không thoát nổi đói nghèo. Thấy vậy, ông Dua đã quyết tâm đánh thức tiềm năng vùng đất này bằng cách chăn thả trâu, bò vào rừng.
Ông Dua bắt đầu nuôi trâu, bò từ năm 1993 nhằm phục vụ việc cày ruộng là chính. Gieo cấy xong, ông Dua cùng với người dân bản Pá Kạch lại dắt đàn trâu, bò thả lên núi Pá Hốc chăn thả. Năm này qua năm khác, đàn trâu, bò của gia đình ông Dua cứ thế tăng lên.
"Núi Pá Hốc rộng khoảng 200ha, cây cỏ, nước uống dồi dào, linh khí hoà hợp nên trâu, bò thả ở đây sinh trưởng và phát triển rất tốt" - ông Dua bảo.
Gần 30 năm nuôi trâu, bò, mà đúng hơn là thả trâu, bò vào rừng, ông Dua đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Ông Dua tiết lộ: Trước đây, thả trâu, bò lên rừng, khoảng 3 - 4 tuần chúng tôi mới đi kiểm tra một lần. Do vậy, trâu, bò của nhà như biến thành trâu rừng, bò rừng. Khi thấy người, chúng chạy vào rừng ẩn nấp. Rất khó để biết đàn trâu, bò có bị mất trộm con nào hay không.
Bên cạnh đó, việc thả cả con đực lẫn con cái trên cùng một bãi thả vào mùa sinh sản hay xảy ra tình trạng con đực húc nhau khiến những con thua trận bị rơi xuống vực chết, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Để khắc phục tình trạng đó, thay vì 3 - 4 tuần mới đi kiểm tra 1 lần thì bây giờ, cách 2 - 3 ngày ông Dua lại mang theo muối lên bãi thả gọi đàn trâu, bò về ăn. Dần dà, chúng quen dần với người và bắt đầu thân thiết với chủ. Mặt khác, ông Dua tách đàn trâu, bò cái ra một bãi thả riêng và chỉ để duy nhất một con trâu, bò đực đi theo. Nhờ đó, tránh được việc những con đực húc nhau vào mùa giao phối.
Mặc dù chăn thả trâu, bò cách bản hàng chục cây số, tuy nhiên nhờ kiểm tra thường xuyên nên những con trâu, bò chuẩn bị đẻ đều được ông Dua theo dõi sát sao, tránh việc bê, nghé bị rơi xuống vực lúc mới đẻ. Ngoài ra, trâu, bò thả trên rừng thường cọ xát với cây, gai nhiều nên một số con bị xước, rách da, bị nhiễm trùng. Mỗi lần cho trâu, bò ăn muối, ông Dua đều quan sát tỉ mỉ từng con, nếu phát hiện trâu bò bị nhiễm trùng sẽ kịp thời điều trị.
https://danviet.vn/son-la-lao-nong-mien-bien-vien-giap-lao-giau-tien-ty-o-trong-rung-20210609163024256.htm
Theo Tuệ Linh/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã