Trồng rau trái vụ đang giúp bà con Nhân dân Si Ma Cai nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Không những là huyện nghèo vùng cao, biên giới; Si Ma Cai còn là nơi có địa khí hậu còn khắc nghiệt hơn các địa phương khác trong tỉnh vì đất trồng trọt đã ít lại khô cằn vì thiếu mưa. Tại thời điểm năm 2015, toàn huyện có trên 7 nghìn hộ dân; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%, 13/13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, từng bước đưa huyện Si Ma Cai phát triển theo kịp với mặt bằng chung của tỉnh, ngày 11/11/2014, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020 với mục tiêu cơ bản đặt ra đó là, hỗ trợ nguồn lực giúp người dân trên địa bàn có điều kiện áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập để mỗi năm Si Ma Cai có thể giảm được từ 7-10% số hộ nghèo.
Theo đó, với nhiều giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết 22 mà điểm đột phá là cơ chế hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã/năm để tập trung chăn nuôi đại gia súc, làm thay đổi tỷ trọng cơ cấu sản xuất từ trồng trọt sang chăn nuôi là chủ yếu để nâng thu nhập cho người dân. Đặc biệt từ năm 2018, theo Quyết định số 31 ngày 23/10/2018 của UBND tỉnh là chuyển 1,5 tỷ đồng, trong tổng số 2 tỷ đồng hỗ trợ mỗi xã theo tinh thần Nghị quyết 22 trước đây sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để hỗ trợ người dân theo hình thức cho vay, hiệu quả của nguồn hỗ trợ đã được nâng lên rõ rệt.
Chị Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Lào Cai cho biết: Với quy trình triển khai bài bản, đó là UBND các xã tổng hợp xây dựng dự án/phương án sản xuất kinh doanh, gửi phòng Nông nghiệp, phòng Kế hoạch tài chính huyện thẩm định trình UBND huyện Si Ma Cai phê duyệt, tiếp theo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai cho các hộ dân làm hồ sơ vay vốn thực hiện dự án. Đến nay, tổng nguồn vốn Ngân hàng CSXH huyện đã nhận ủy thác là 54 tỷ đồng, bao gồm 46,3 tỷ đồng để thực hiện cho vay và 7,7 tỷ đồng hỗ trợ 70% tiền lãi cho hộ vay.
Cũng theo Ngân hàng CSXH tỉnh, đến hết năm 2020, tổng số tiền đã giải ngân đạt 47,105 tỷ đồng cho 670 lượt hộ vay vốn. Trong đó, có 477 hộ vay dự án chăn nuôi bò, trâu, ngựa bạch, lợn và gà địa phương với số tiền 32,04 tỷ; có 193 hộ vay dự án trồng cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới và rau ôn đới trái vụ với số tiền gần 15 tỷ đồng. Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH tỉnh, 100% nguồn vốn mà Ngân hàng nhận ủy thác cho các hộ dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai vay đều đư sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không có nợ quá hạn (tổng dư nợ 45,621 tỷ đồng với 657 hộ còn dư nợ). Các tổ chức hội, đoàn thể và mạng lưới tổ tiết kiệm & vay vốn thực hiện tốt công tác kiểm tra giam sát, đôn đốc hộ vay trả gốc, lãi đầy đủ khi đến hạn.
Bên cạnh đó, để triển khai Nghị quyết 22 đạt hiệu quả cao, huyện Si Ma Cai đã chuyển nguồn vốn từ ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số vốn trong 05 năm qua đạt gần 28 tỷ đồng để tăng cường cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện đã góp phần tạo nên bước chuyển lớn trong giảm nghèo bền vững tại huyện nghèo Si Ma Cai.
Thực hiện Nghị quyết 22; từ năm 2015, huyện Si Ma Cai đã triển khai Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc và được thực hiện thí điểm tại 2 xã là Sín Chéng và Bản Mế với 477 con trâu và 55 con bò có tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng. Trên cơ sở đánh giá kết quả thí điểm ở hai xã Sín Chéng và Bản Mế; huyện đã triển khai tổ chức thực hiện dự án chăn nuôi ở 11 xã còn lại. Theo Trưởng phòng Lao động – TBXH huyện Si Ma Cai, thông qua việc triển khai Nghị quyết số 22, đến nay xã Bản Mế đến nay vẫn là xã thành công nhất trong việc đưa Nghị quyết 22 vào cuộc sống. Theo đó, nhân dân trong xã đã làm được 281 chuồng nuôi nhốt gia súc, trồng mới được trên 98 ha cỏ VA06. Đặc biệt, 93 hộ dân trong xã tích cực tham gia thực hiện dự án ngân hàng bò với 191 con bò sinh sản; đến hết năm 2020, đã tăng thêm mới trên 100 con bò; đồng thời, đến nay đã có 60 hộ dân được nhận bò giống để chuyển giao sang giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
Để có được thành công này, Đảng bộ, chính quyền đã làm tốt công tác dân vận và được nhân dân trong xã đồng tỉnh ủng hộ để thay đổi thói quen lạc hậu từ bao đời nay trong chăn nuôi; để từ đó không thả rông gia súc, làm chuồng trại kiên cố và dự trữ thức ăn trong mùa đông. Tuy nhiên, điểm đột phá nhất đó là Nghị quyết đã làm thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ thụ hưởng chính sách hỗ trợ “cho không” chuyển sang hỗ trợ “cho vay” thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (tỉnh cấp bù lãi suất); đây chính là cách làm mới, sáng tạo để người dân có điều kiện cải thiện đời sống, thoát nghèo. Việc thay đổi nhận thức này không những phải được cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương mà người dân địa phương cần thấm nhuần và tích cực thực hiện trong việc chuyển từ nguồn vốn cho không sang nguồn vốn cho vay, như vậy người dân mới thật sự bảo đảm duy trì nguồn vốn để phát triển kinh tế bền vững.
Thực tiễn cho thấy, từ những quyết sách đúng đắn, Si Ma Cai đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa phát triển ổn định cho thu nhập cao như: chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả ôn đới, trồng cây dược liệu, sản lượng lương thực ngày càng gia tăng; thu nhập bình quân đã đạt 31,5 triệu đồng/người/năm (vượt 157% mục tiêu nghị quyết); sản lượng nông nghiệp đạt đạt trên 26.500 tấn (mỗi năm tăng hơn 1.000 tấn), đàn gia súc có tổng số hơn 22.300 con, tăng gần gấp đôi so với năm 2015; toàn huyện có 5/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (sau khi điều chỉnh địa giới hành chính) và không còn xã nào thuộc vùng lõi nghèo của tỉnh.
Đến nay, Nghị quyết 22 đã đem lại sự khởi sắc cho vùng đất Si Ma Cai, góp phần cùng các dự án giảm nghèo khác, từ huyện nghèo nhất tỉnh với tỷ lệ nghèo 57,01% năm 2015, đến hết năm 2020 còn 13,1% tương ứng với 1 nghìn hộ nghèo. Điều quan trọng hơn cả trong quá trình phát triển của huyện Si Ma Cai, đó là người dân phấn khởi tin tưởng vào chủ trương đường lối của cấp ủy, chính quyền và tin vào Nghị quyết; tự tin thực hiện các dự phát triển triển kinh tế có hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định xã hội và giảm nghèo nhanh, bền vững./.