“4 tại chỗ” phát huy hiệu quả
Trận “hồng thủy” từ ngày 18/10 – 21/10 vừa qua ghi nhận đỉnh lũ cao hơn năm 2010 là 0,7m. Lũ gây ngập lụt ở 118 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố với 52.604 hộ/167.303 người bị ảnh hưởng; trong đó, nặng nhất là 3 huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh.
So với trận lũ năm 2010, đây là trận lũ nguy hiểm hơn nhưng nhờ chủ động trong công tác phòng chống, nhất là triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) nên đã giảm thiểu thiệt hại.
Thiệt hại về tài sản là bất khả kháng nhưng về người thì đã hạn chế thấp nhất có thể (6 người chết, giảm 45 người so với trận lũ năm 2010).
Người dân xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) gia cố lại thuyền để sau trận lũ lịch sử trong tháng 10 vừa qua.
Hại chế tối đa rủi ro trước hết phải kể đến sự chủ động của Nhân dân vùng lũ. Ở những vùng ngập nặng, thường xuyên phải sống chung với lũ lụt như các xã: Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên), Tân Lâm Hương (Thạch Hà), Đại Nài (TP Hà Tĩnh)… phương tiện thuyền được người dân và chính quyền địa phương chủ động tại chỗ nên khi lũ lên, việc sơ tán người được triển khai kịp thời.
Trong lúc nguy cấp, các địa phương đã điều động đội thuyền ở các xã vùng biển để trực tiếp ứng cứu. Riêng lực lượng quân sự, công an, biên phòng tổ chức thường trực 24/24h với 100% quân số sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Thuyền là phương tiện tại chỗ cần thiết nhất để ứng phó khi lũ lên nhanh.
Ông Phạm Hoàng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Trong đêm 18/10, do mưa xối xả và các hồ chứa xả lũ với lưu lượng lớn khiến nước lũ lên nhanh. Với tình huống khẩn cấp, huyện đã điều động thuyền từ các xã ven biển như: Cẩm Dương, Cẩm Hòa, Cẩm Nhượng vào vùng lũ di dời dân từ nơi thấp trũng và nguy hiểm tới nơi an toàn. Ngày sau đó, khi có sự hỗ trợ tàu thuyền, canô từ các ngành chức năng, việc cứu hộ, cứu trợ người dân lại được tiếp tục triển khai kịp thời”.
Nhiều nhà dân ở vùng hạ du Kẻ Gỗ ngập sâu trong lũ.
Là một trong những địa phương triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ”, huyện Thạch Hà đã thành lập Tiểu ban PCTT&TKCN tại thôn và trạm chỉ huy tiền phương tại xã để kịp thời chỉ huy tại chỗ.
Ông Nguyễn Văn Ninh – Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương cho biết: “Nhờ xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết từ trước nên địa phương không bị động. Nhận định trụ sở UBND xã sẽ bị cô lập, gây khó trong công tác chỉ đạo ứng phó, chúng tôi đã kịp thời di chuyển trạm chỉ huy tiền phương lên trụ sở Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Viết Hải; nhờ vậy mà liên lạc không bị gián đoán và kịp thời triển khai công tác sơ tán, hậu cần cho Nhân dân”.
Lực lượng “4 tại chỗ” của TP Hà Tĩnh thu dọn rác ở các cửa thu nước để khơi thông dòng chảy. (Ảnh: Nguyễn Oanh)
Ở mỗi địa phương, “4 tại chỗ” lại được ứng biến một cách linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tiễn. Như ở TP Hà Tĩnh, thành phố đã cắt cử lực lượng “4 tại chỗ” của các phường và Công ty CP Môi trường & Công trình đô thị Hà Tĩnh túc trực kiểm tra miệng cống, thu dọn rác, quét lá cây để khơi thông dòng chảy.
Trong thời điểm xảy ra mưa lũ, với địa hình hạ tầng giao thông khác nhau, chỗ thấp chỗ cao nên thuyền lại là phương tiện di chuyển khó khăn đối với TP Hà Tĩnh. Sau bước “lúng túng”, TP Hà Tĩnh đã kịp thời sử dụng cùng lúc 3 phương tiện: ô tô tải, thuyền máy, thuyền phao để đến được các vùng bị cô lập.
Cần chủ động và linh hoạt hơn
Sau cơn đại hồng thủy, các địa phương bị ngập nặng đã kịp thời nhìn lại công tác ứng cứu để rút ra bài học kinh nghiệm. Tại xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên), trong phương án ứng phó trước đó, xã bố trí phương tiện tại chỗ là 18 xe tải, 3 máy múc, 3 thuyền máy và 95 thuyền nan trong dân. Tuy nhiên, khi nước lũ lên nhanh không lường trước được thì đội xe tải và máy múc lại bị cô lập đầu tiên nên việc ứng phó theo phương án là không khả thi.
Ông Hà Huy Vũ – Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) cho biết: “Sau trận lũ lịch sử, bài học kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai của địa phương là cần sự chủ động trong triển khai “4 tại chỗ”. Trong đó, lực lượng tại chỗ là yếu tố quan trọng nhất. Để huy động lực lượng tại chỗ thì cần có sự bố trí trước để khi thiên tai xảy ra thì kịp thời ứng cứu. Bên cạnh đó, phương tiện tại chỗ cần trang bị nhiều thuyền. Sau mưa lũ, địa phương được nhiều tổ chức cứu trợ ủng hộ thuyền để phục vụ công tác phòng chống thiên tai những đợt sau”.
Có thể khẳng định, sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo phòng chống bão lụt là hết sức quan trọng. Huyện nào, xã nào xây dựng được phương án phòng chống cụ thể, phù hợp thì sẽ hạn chế được thấp nhất về thiệt hại do bão lũ gây ra. Trong đó, phương án “4 tại chỗ” luôn được chủ động, kịp thời để xử lý mọi tình huống xấu nhất.
Nhân dân vùng lũ Cẩm Xuyên chủ động kê cao tài sản để phòng lũ lụt.
Đánh giá công tác PCTT và TKCN của Hà Tĩnh trong đợt mưa lũ vừa qua, ông Ngô Đức Hợi - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Các địa phương đã chủ động trong triển khai các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là chủ động sơ tán dân theo các kịch bản được duyệt để giảm thiểu thiệt hại.
“Thiên tai ngày càng khôn lường khó đoán, vì vậy, để ứng phó trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản cụ thể và chi tiết hơn. Ở những vùng hạ du hồ chứa như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh… chúng tôi đang nghiên cứu và đề xuất xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ. Ngoài ra, những vùng hạ du hồ chứa thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, người dân nên chủ động về phương tiện thuyền và áo phao để đối phó với thiên tai” - ông Ngô Đức Hợi nói thêm.
Người dân xã Cẩm Duệ chủ động làm chạn cao để trú ẩn mỗi khi lũ về.
Ngay trong thời điểm này, trước diễn biến phức tạp của bão số 13 có thể đổ bộ vào Hà Tĩnh, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, bà con nhân dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống. Tin tưởng rằng, với các kịch bản ứng phó chủ động, linh hoạt và cụ thể, Nhân dân Hà Tĩnh sẽ vẫn vững vàng trong bão lũ.
Theo Phan Trâm/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã