Hiện gia đình ông Đỗ Tuyển Chung đang có hơn 2.000 gốc na bở.
Để có được thành quả như ngày hôm nay là cả quá trình lao động cần mẫn, chí thú, bền bỉ với các mô hình kinh tế nông nghiệp của ông Chung.
Bắt đầu từ những năm 2000, ông Chung đã nổi tiếng với đồi vải sai quả, rồi lần lượt là đồi hồng, đồi na, mô hình nuôi tôm, trang trại chăn nuôi tổng hợp rồi trang trại chăn nuôi gà và cuối cùng hiện nay là mô hình trang trại chăn nuôi lợn. Đối với mô hình nuôi lợn, ông Chung đi lên từ đàn lợn thịt rồi đến lợn nái, lợn giống. Có thời kỳ trang trại lợn nái của ông Chung lên đến trên 200 con, là địa chỉ lợn nái trọng điểm của toàn tỉnh.
Mỗi mô hình kinh tế mà ông Chung làm đều có sự đầu tư về quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học và hơn hết là tình yêu, sự tin tưởng và quyết tâm cao độ, không vội từ bỏ mỗi khi thất bại. Chính bởi vậy nên dù gặp nhiều yếu tố tác động từ thời tiết, môi trường, thị trường... những mô hình kinh tế nông nghiệp của ông Chung vẫn đạt được kết quả.
Đạt được điều này, trước tiên phải kể đến ông Chung là người từng công tác trong ngành nông nghiệp, được đào tạo bài bản, ông hiểu rất rõ khi mô hình nông nghiệp được triển khai đúng, đủ quy trình kỹ thuật, có áp dụng khoa học công nghệ, coi trọng khâu vệ sinh và phòng dịch bệnh thì chắc chắn sẽ mang lại thành quả kinh tế. Bên cạnh đó ông Chung sớm đầu tư về đất đai, hạ tầng sản xuất để có thể mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, xây dựng chuồng trại bền vững, khoa học khi có đủ điều kiện.
Ông Chung cũng là người biết kết hợp mô hình chăn nuôi và trồng trọt để tương trợ cho nhau, trong đó tận thu các sản phẩm phụ từ chăn nuôi làm chất dinh dưỡng cho đất trồng cây và dùng sản phẩm cây, quả để làm thức ăn sơ cho đàn gia súc, gia cầm.
Ông Chung cho rằng làm nông nghiệp cũng như kinh doanh, nếu có điều kiện về tư liệu sản xuất là đất đai, vốn liếng thì nhất định không nên “bỏ trứng một giỏ”, thay vào đó đầu tư cùng lúc một số mô hình nuôi, trồng, tốt nhất là những mô hình có thể tương trợ cho nhau...
Có lẽ chính từ tư duy sản xuất này, nên trong đợt ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi năm 2019 khiến ông Chung trắng đàn lợn, nhưng lại vẫn có nguồn thu từ đàn gà, từ vườn na để ông trang trải.
Từ đầu năm đến nay, sau khi đã làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại, ông Chung đã mạnh dạn tái đàn lợn. Tính đến thời điểm này ông Chung đã vào đàn ở lứa lợn thứ 4, mỗi lứa lợn ông xuất 200-300 con. Ở thời điểm giá lợn hơi duy trì ở mức cao nhất như trong hơn 10 tháng qua thì đàn lợn đã mang lại doanh thu lớn cho gia đình ông Chung.
Ông Chung phấn khởi cho biết: Giờ lãi từ một con lợn gấp đến 3-5 thời điểm trước đây, đây là điều kiện để gia đình tôi cũng như các hộ chăn nuôi lợn khác không chỉ lấy lại vốn sau đợt dịch tả lợn châu Phi năm trước mà còn có lãi cao để mở rộng quy mô sản xuất.
Có thể thấy từ các mô hình sản xuất nông nghiệp đã giúp gia đình ông Đỗ Tuyển Chung có cuộc sống sung túc, bản thân ông Chung trở thành nông dân thu nhập cao, gương làm kinh tế giỏi, tạo sức lan tỏa để nhiều người học hỏi, làm theo.
Theo Việt Hoa/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã