Hoạt động hỗ trợ hướng tới nông dân
Trên địa bàn tỉnh An Giang, thời gian qua các chương trình như "Cùng nông dân ra đồng" (của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời); tập huấn "Gieo trồng đa dạng - Thu hoạch an toàn thích ứng biến đổi khí hậu" (do Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL và Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang tổ chức); tập huấn "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng"; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học… được nông dân nhiệt tình hưởng ứng.
UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với Hội ND tỉnh trong thực hiện các chương trình, đề án vận động hội viên, nông dân người dân tộc thiểu số, miền núi phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Các dự án Hội ND An Giang thực hiện đã tạo điều kiện hỗ trợ 45 xã ở 11 huyện, thị, thành phố, thu hút 5.950 lượt hộ nông dân trực tiếp tham gia, hưởng lợi và trên 14.500 hộ nâng cao trình độ sản xuất, được cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh, phát huy hiệu quả ngành nghề truyền thống, xây dựng nhiều mô hình du lịch nông thôn.
Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2549 về Đề án "Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh"; Quyết định 831 về "Đề án Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2018 - 2020 định hướng đến 2023"; kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 - 2020 giữa Sở VHTTDL với Hội ND tỉnh.
Đến nay, Hội đã phối hợp Sở LĐTBXH tổ chức 1.194 lớp dạy nghề cho 32.293 hội viên, nông dân. Trong đó, tổ chức 242 lớp dạy nghề cho 3.969 lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số.
Hội trực tiếp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho hơn 123.900 lượt hội viên, nông dân, trong đó có 3.019 lượt hội viên, nông dân là người dân tộc thiểu số; xây dựng 155 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP…
Cùng với đó, Hội ND phối hợp thực hiện các mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản nhằm nâng tăng thu nhập cho người dân tộc thiểu số, bảo vệ môi trường - ứng phó với biến đổi khí hậu. Điển hình là mô hình thanh long ruột đỏ trên đất cát; trồng lúa Nàng nhen, trồng cam hồng trên núi Cấm, trồng xoài cát, làm cốm dẹp, đường thốt nốt…
Đến nay, An Giang có 168.618 nông dân được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp, trong đó có 8.431 nông dân giỏi là người dân tộc thiểu số.
Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện, xã bình quân mỗi năm giải ngân được 10 - 12 dự án cho các hộ là người dân tộc thiểu số tại 3 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú và thị xã Tân Châu, với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng để phát triển sản xuất, duy trì các sản phẩm truyền thống theo hướng an toàn và bền vững.
Từ các hoạt động trên đã góp phần đưa 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 7 xã so kế hoạch đề ra so với lộ trình), thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt gần 42 triệu đồng.
Hội chủ động vào cuộc
Hàng năm UBND tỉnh An Giang còn phân công cán bộ phụ trách, bố trí kinh phí thực hiện một số chương trình, dự án, hỗ trợ kinh phí đối ứng thực hiện các dự án do Hội ND tỉnh đề xuất. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị thành phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Hội ND các cấp triển khai, thực hiện các chương trình, đề án tại địa bàn dân cư nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng.
Các cấp Hội đã tích cực phối hợp và chủ động triển khai thường xuyên, hiệu quả Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư, Quyết định số 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 449 của Thủ tướng Chính phủ… Qua thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Hội đã từng bước nâng cao vai trò, vị thế, thể hiện rõ trách nhiệm trong việc tập hợp, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã thể hiện rõ nét hơn vai trò của tổ chức Hội đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến nay, An Giang có 168.618 nông dân được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp, trong đó có 8.431 nông dân giỏi là người dân tộc thiểu số. Tổng doanh thu của nông dân giỏi qua 2 kỳ Đại hội đạt 7.732 tỷ đồng. Thông qua phong trào đã có 32.000ha sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển sang vườn, cây ăn trái và chăn nuôi, giảm dần sản xuất độc canh cây lúa, đổi mới tư duy trong làm ăn, nhạy bén hơn trong sản xuất - kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ…, Hội ND các cấp đã hướng dẫn hội viên, nông dân là người dân tộc thiểu số tham gia thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; hỗ trợ hội viên người dân tộc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi và tiểu thủ công nghiệp, thay đổi tập quán, phương thức sản xuất…
Những năm qua, Hội ND tỉnh An Giang đã tranh thủ và ký nhiều chương trình phối hợp với sở, ngành để đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở vùng núi và dân tộc… Hội đã chủ động xây dựng, đề xuất và được chấp thuận tài trợ 7 dự án từ các tổ chức phi chính phủ như: Xây dựng mô hình hợp tác sản xuất lúa gạo bền vững theo chuỗi; phát triển ngành nghề truyền thống sản xuất đường thốt nốt; ứng dụng công nghệ thông tin; du lịch nông dân... với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.
https://danviet.vn/an-giang-tranh-thu-cac-nguon-luc-de-ho-tro-nong-dan-vuon-len-kha-gia-20201115164043591.htm
Theo Tài Phước/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã