Vậy mà theo cuộc khảo sát tình hình sản xuất cá tra trên địa bàn tỉnh Long An vừa qua, có hàng trăm ha ao ương cá tra giống đang được nông dân san lấp lại để trồng lúa, cây ăn quả…
Hàng loạt hộ dân thua lỗ vì đào ao ương cá tra giống
Hiện giá cá tra giống tại ao chỉ còn từ 18.000-20.000/kg (loại cá đạt chuẩn 30-40 con/kg). Giá cá xuống dốc suốt từ năm 2019 đến nay đã đẩy hàng loạt hộ dân vào cảnh thua lỗ. Bởi theo tính toán, chưa kể chi phí làm ao nuôi thì mỗi kg cá giống bán ra, người dân phải đầu tư khoảng 30.000 đồng.
"Theo tôi, việc san lấp ao để trồng lúa là biện pháp đối phó thua lỗ. Lúa sẽ không phát triển tốt được khi đào lên lấp xuống vì đất mặt không còn màu mỡ nữa".
Ông Nguyễn Văn Chuẩn
Theo khảo sát của Hội Nông dân tỉnh Long An, tại huyện Tân Thạnh, diện tích nuôi cá tra trước đây là 1.177ha, hiện nay diện tích đã treo ao là 489ha/398 hộ.
Diện tích lấp ao để chuyển đổi sang trồng lúa là 93ha, sang cây trồng khác là 12ha, chuyển đổi nuôi thủy sản khác là 119ha/108 hộ, chuyển đổi sang nuôi tôm thẻ 2ha/2 hộ. 462ha vẫn còn ương cá tra giống nhưng cầm chừng thua lỗ.
Tại huyện Tân Hưng, tổng diện tích nuôi cá tra là 1.799ha/1.037 hộ. Diện tích treo ao là 567ha/513 hộ, diện tích lấp ao và chuyển sang trồng sen hoặc trồng lúa là 77ha/62 hộ.
Theo tính toán, để đầu tư 1ha ao nuôi cá tra, tiền đào ao khoảng 70 triệu đồng, tiền con giống, thuốc, thức ăn… khoảng 670 triệu đồng. Nếu không sản xuất cá tra, nông dân phải bỏ ra số tiền 40 - 45 triệu đồng/ha để san lấp ao. Với giá cá tra bột hiện nay (khoảng 30 con/kg), mỗi vụ ương cá nông dân lỗ khoảng 270 triệu đồng/ha.
Hai năm trước, thấy nông dân trên địa bàn đào ao ương cá tra giống có lời, anh Nguyễn Văn Trầm (xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng), quyết định đào 6ha đất sản xuất lúa chuyển sang ương cá tra giống.
Theo anh Trầm, lúc nuôi, môi trường nước tốt, ít xảy ra dịch bệnh, chi phí vật tư, thuốc thú y thủy sản thấp nên có lời. Tuy nhiên, qua nhiều vụ thả nuôi, dịch bệnh trên cá xảy ra triền miên, chất lượng cá bột giảm, tỷ lệ ươm thành công thấp, tốn nhiều chi phí cho vật tư, thuốc thú y thủy sản, nhất là giá cá tra giống tuột thê thảm dẫn đến thua lỗ nặng.
"Sau 10 vụ ương cá tra giống, tôi lỗ gần 1 tỷ đồng. Giờ tôi chỉ để lại 2 ao nuôi cầm chừng mong giá tốt, số ao còn lại tôi "treo" suốt thời gian qua" - anh Trầm thổ lộ.
Còn ông Phạm Văn Mây (ở xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh) cũng bị lỗ trên 300 triệu đồng sau 2 lần đào ao nuôi cá giống, thả nuôi hơn 1,2ha. "Làm lúa hoài mà không khá, thấy người ta đào ao nuôi cá có lời nên bắt chước làm theo. Ai dè, sau 2 vụ cá cũng "trớt he", lời đâu không thấy, lại thấy cục nợ hơn 300 triệu đồng".
Mấy cái ao này, hiện ông Mây cho người khác thuê một nửa, phần còn lại ông cho san lấp để… làm lúa như lúc trước. Có điều để trả lại hiện trạng đất ruộng như ban đầu, ông phải tốn thêm gần 100 triệu đồng san lấp, nhưng vẫn lo không biết diện tích này có làm lúa lại được không, vì trước đây thuê máy đào rất sâu, nay san lấp lại cũng không bằng như lúc đầu.
Kiến nghị hỗ trợ nông dân chuyển đổi
Liên quan đến việc nuôi cá tra, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 10/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hongkong đạt gần 386 triệu USD. Hiện đã có hơn 130 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tích cực xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Long An Nguyễn Văn Chuẩn, hiện trên địa bàn tỉnh còn hơn 3.000ha ương cá tra giống. Do tình trạng cung vượt cầu, từ năm 2019, giá cá tra giống xuống thấp liên tục và kéo dài cho đến nay.
Nông dân ương cá tra bột thua lỗ triền miên. Nhiều hộ hết vốn đầu tư đã buộc phải "treo ao", hoặc san lấp ao để sản xuất lúa trở lại.
Tuy nhiên theo ông Chuẩn, việc nông dân đắp lại ao để trồng lúa là không khả dĩ. "Theo tôi, việc đắp ao để trồng lúa là biện pháp đối phó thua lỗ. Lúa sẽ không phát triển tốt được khi đào lên lấp xuống vì đất mặt không còn màu mỡ nữa" - ông Chuẩn khẳng định.
Trước tình cảnh thua lỗ của nông dân ương cá tra giống, Hội Nông dân tỉnh Long An đã có kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp với các ngân hàng cho vay, thực hiện khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân.
Đồng thời, Hội cũng kiến nghị hỗ trợ các nguồn vốn vay cho nông dân có nhu cầu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác; có giải pháp và định hướng quy hoạch cho nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với quy hoạch tại địa phương. Xem xét có biện pháp thực hiện chuỗi cung ứng cá tra từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ để giảm giá thành khâu trung gian.
Theo Sở NNPTNT Long An, do diện tích đào ao ương cá tra giống phát triển quá nhanh, dẫn đến con giống không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu nên ngành nông nghiệp cũng đề nghị các địa phương quản lý việc thả nuôi, nhất là không để phát triển diện tích đào ao ồ ạt. Khuyến cáo bà con nông dân không nuôi tự phát, phải theo quy hoạch, theo chuỗi liên kết doanh nghiệp - hộ nông dân và phải có tư vấn kỹ thuật nuôi của các nhà khoa học.
https://danviet.vn/long-an-hang-loat-ho-nong-dan-do-no-vi-uong-ca-tra-lap-ao-trong-lua-20201117172235555.htm
Theo Trần Đáng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã