Học tập đạo đức HCM

Thông tin báo chí cách mạng thúc đẩy hành trình xây dựng đất nước cường thịnh

Thứ tư - 16/06/2021 05:07
Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện mục tiêu, khát vọng hùng cường mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, bởi vậy, nhiệm vụ của lực lượng truyền thông chính thống, báo chí cách mạng là rất nặng nề...
t3.jpg
Người lao động Công ty Tân Đệ và cán bộ Cục Quản lý thị trường tiếp nhận vài thiều Yên Thế, Bắc Giang tại Nhà máy Tân Đệ 1.

Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện mục tiêu, khát vọng hùng cường mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, bởi vậy, nhiệm vụ của lực lượng truyền thông chính thống, báo chí cách mạng là rất nặng nề, trong đó mặt trận kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể - hai lĩnh vực còn nhiều điểm nghẽn chính sách rất cần được đẩy mạnh tuyên truyền.

Nông nghiệp - nông dân - nông thôn là vấn đề lớn của đất nước, dù đã được quan tâm nhưng vẫn rất cần thông tin nhiều hơn, sâu hơn để khu vực này phát triển.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Nhiều năm nay, người dân cả nước đều tích cực tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản, cứ hễ nghe báo chí thông tin nơi nào đang ùn ứ nông sản là người dân lại dùng mọi phương tiện để thông tin đến người tiêu dùng ở khắp mọi nơi.

Vài năm trước, báo chí hết giúp người trồng chuối ở Đồng Nai, nông dân trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi, củ cải dư thừa ở Tráng Việt (Mê Linh - Hà Nội), người trồng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm - Hà Nội), tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi trên khắp cả nước... và hiện nay, do dịch Covid-19 thì hỗ trợ tiêu thu rau, củ, quả Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, mận Sơn La…

Báo chí còn kết hợp với cơ quan chức năng phanh phui những cơ sở kinh doanh dùng hóa chất để ngâm, tẩm thực phẩm tươi sống nhằm duy trì độ tươi ngon lâu hơn. Như mới đây, ngày 12/5, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã bắt quả tang nhân viên của một cơ sở kinh doanh đổ trực tiếp ôxy già công nghiệp vào can chứa mực bẩn nhằm làm trắng mực, sau đó cung cấp cho các tiểu thương ở chợ Long Biên. Chuyên gia cho biết, các hóa chất công nghiệp nếu không được sử dụng đúng có nguy cơ gây ung thư.

Và phải khẳng định một điều, báo chí luôn đi đầu trong các cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Sức lan tỏa của báo chí rất nhanh và lớn, nhất là trong xu thế báo chí kết nối mạng internet toàn cầu. Đó là cơ sở thực tiễn của việc báo chí tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội. Trong vai trò giám sát và phản biện của mình, báo chí không chỉ thông tin mà còn thể hiện chính kiến, quan điểm đối với các vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội. Mặt khác, báo chí cũng đã khơi gợi vấn đề, mở diễn đàn tập hợp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân hay tập hợp danh sách những người dân cần hỗ trợ để từ đó các chính sách, sự giúp đỡ đến với họ nhanh và chính xác hơn.

Nhiều cơ quan báo chí đã tạo diễn đàn, cầu nối giữa nông dân, thương lái, doanh nghiệp, giúp họ có thể gặp nhau và tiếp cận được giải pháp của các cơ quan chức năng.

Nghiên cứu thông tin trên báo chí về xuất khẩu gạo

Nguyên Thủ tướng (hiện là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc đã từng chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu thông tin báo chí nêu về vấn đề xuất khẩu gạo của Việt Nam hồi tháng 3/2021, sau khi VnEconomy đăng tải bài viết: “Xuất khẩu gạo: Cần làm gì để bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?”. 

Trong bài viết, báo này có đề cập đến việc Trung Quốc là thị trường lớn nên không chỉ có Việt Nam hay Thái Lan mà những nước sản xuất lúa gạo khác như Campuchia, Pakistan và Myanmar thời gian qua đã có những động thái để xâm nhập thị trường đông dân nhất thế giới này nên về lâu dài, đây là những đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.

Trên thị trường gạo toàn cầu hiện đang diễn ra sự cạnh tranh giữa 3 quốc gia là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam khi 3 quốc gia này đáp ứng tới 55-60% nhu cầu gạo của thế giới. Trong thập niên vừa qua, mặc dù luôn duy trì trong top 3, song thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam có xu hướng giảm, từ mức 15% trong 2010 xuống còn 10% năm 2017.

Theo một số chuyên gia kinh tế, về lâu dài, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận với tư duy an ninh lương thực phù hợp với thay đổi trong nhu cầu lương thực thế giới theo hướng chú trọng chất lượng thay vì số lượng, giá trị thay vì sản lượng. Định nghĩa lại “an ninh lương thực” một cách rộng rãi, không chỉ bao gồm lúa (và diện tích trồng lúa) mà còn bao gồm các lương thực, thực phẩm khác.

Cần có chính sách cho phép người dân sử dụng đất đai trồng lúa một cách linh hoạt hơn trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung của vùng/quốc gia. Chẳng hạn như, các hộ nông dân có thể sử dụng đất được quy hoạch trồng lúa 2 vụ sang trồng 1 vụ lúa, 1 vụ tôm hoặc 1 vụ lúa, 1 vụ màu, thậm chí chuyển sang trồng 2 vụ mùa trong một niên vụ nào đó, sao cho họ đạt được mức thu nhập cao nhất.

Ngoài ra, để ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và sinh kế cho người nông dân, chúng ta vẫn cần đến vai trò của Bộ Công Thương trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường như Trung Quốc hiện nay.

Khơi thông dòng chảy nông sản

Cho đến nay, nhiều mặt hàng nông sản nhờ truyền thông của báo chí không chỉ đến với mọi miền trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, EU…

Gạo, hạt điều, càphê, đồ gỗ, thủy sản, caosu... là những mặt hàng “trên 2 tỷ đô” mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam trong quý I/2021. Những mặt hàng này tiếp tục ổn định trong quý II, góp phần để ngành nông nghiệp đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm 2021.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, khẳng định: Xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc từ tháng 6/2021, khi nhu cầu dự trữ gạo tăng lên và nguồn cung của Việt Nam dồi dào, vượt lên các khó khăn về dịch bệnh mà đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu gạo là Ấn Độ đang gặp phải. Để làm được điều này, Việt Nam phải làm thật tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

Về triển vọng xuất khẩu mặt hàng càphê, TS. Nguyễn Quốc Toản tin tưởng, châu Âu vẫn là thị trường lạc quan khi nhu cầu sử dụng càphê hòa tan tại nhà tiếp tục tăng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

t3a.jpg

 

TIN TÀI TRỢ

Cần có chính sách cho phép người dân sử dụng đất đai trồng lúa một cách linh hoạt hơn trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung của vùng/quốc gia.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, xuất khẩu gỗ, các sản phẩm từ gỗ và thủy sản tiếp tục mang lại giá trị lớn trong thời gian tới. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng tỏ ra lạc quan khi thị trường Đức, Hàn Quốc, Canada tăng mạnh. Đặc biệt, xuất khẩu tôm là lợi thế của Việt Nam và Canada được coi là cửa ngõ vào thị trường toàn cầu nhờ khả năng tiếp cận thị trường ưu tiên thông qua các hiệp định thương mại với 51 quốc gia.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam cần tận dụng tốt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vì các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đều không tham gia Hiệp định”, TS. Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Trong thành quả “ngọt ngào” này không thể không nhắc đến vai trò của báo chí - truyền thông. Báo chí góp phần tuyên truyền những chính sách, thông tin thị trường trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp, người dân định hướng nhu cầu thị trường.

Góp phần XDNTM

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo nông thôn, nông nghiệp trên cả nước đã có sự khởi sắc nhất định. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có hiệu quả, tạo điều kiện phát triển sản xuất, đời sống của nông dân từng bước nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững. Kết quả này nhờ sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí, những người làm báo góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về XDNTM để cán bộ và nhân dân thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Lĩnh vực truyền thông bị ảnh hưởng sớm nhất và mạnh nhất bởi công nghệ số. Hơn ai hết, báo chí phải chuyển đổi số toàn diện để theo kịp sự phát triển. Sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm báo, thay đổi mô hình kinh doanh của báo chí.

(Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng)

Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân, báo chí còn là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân thông qua việc phản ánh những kiến nghị, nguyện vọng của người dân về những bất cập, những vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình XDNTM. Các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhiều chuyên mục được đánh giá là đặc sắc, thu hút được sự quan tâm của đông đảo Nhân dân như: “360 độ Nông thôn mới” của Tạp chí Kinh tế nông thôn, “Miền quê đáng sống”, “Nông thôn mới”, “Nông nghiệp sạch” (VTV1); “Câu chuyện nông thôn” (Truyền hình Quốc hội)…

Ngoài ra, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Đề án hỗ trợ thôn, bản đặc biệt khó khăn, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ XDNTM, mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới… Phát động cuộc thi báo chí viết về NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thu hút sự quan tâm của các nhà báo trong cả nước tham gia.

Kinh tế nông thôn: Cùng bạn đọc làm giàu

Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, hơn 30 năm hình thành và phát triển, thực hiện tôn chỉ mục đích được giao, Kinh tế nông thôn đã đồng thời làm tốt ba nhiệm vụ: Tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và Hội Làm vườn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo định hướng giàu đẹp, tiến bộ, văn minh. Là cầu nối giữa hội viên, nông dân, chủ trang trại, người làm ngành nghề nông thôn với các đơn vị nghiên cứu khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước. Và thực hiện tốt chức năng nâng cao dân trí, giúp người dân trong những lúc khó khăn...

t4.jpg

Hơn 30 năm hình thành và phát triển, thực hiện tôn chỉ mục đích được giao, Tạp chí Kinh tế nông thôn luôn đồng hành cùng bạn đọc làm giàu.

Mới đây nhất, Tạp chí Kinh tế nông thôn phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh tổ chức trao 02 tấn đạm, 02 tấn NPK cho xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà - Hà Tĩnh).

Tháng 12/2020, hơn một tháng sau khi cơn đại hồng thủy đi qua, chúng tôi về xã Tân Lâm Hương, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng, vẫn còn gia đình lặng lẽ dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, chuồng trại, làm đất và gieo trồng vụ mới để tái sản xuất.

Xã Tân Lâm Hương được thành lập từ 3 xã Thạch Tân, Thạch Lâm và Thạch Hương, có diện tích hơn 20 km2, dân số 14.000 người, với 25 thôn. Trận lũ lụt lịch sử tháng 10/2020 đã gây thiệt hại rất lớn tới đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn. Trong đó 500 hộ bị ngập nước, nhiều tài sản giá trị của người dân bị lũ cuốn trôi, 85ha sản xuất cây trồng vụ đông, vườn hộ và sản xuất rau màu tập trung tại các xứ đồng, hệ thống hàng rào xanh bị hư hỏng, tổng thiệt hại 250 tỷ đồng.

Hay như anh Lê Xuân Bình ở thôn Duyên Lộc, xã Định Hải là người đầu tiên ở huyện Yên Định (Thanh Hóa), người đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng tại trang trại của mình, có thu nhập cao cho biết: Nhờ đọc Kinh tế nông thôn mà tôi mạnh dạn chọn giống cây trồng mới.

Quê anh có nhiều diện tích hoang hóa để không, trong lúc bà con vẫn phải tha hương đi làm thuê vất vả mà cũng không đủ sống. Không cam lòng, anh Bình quyết tâm tìm hướng “làm kinh tế” sao cho vừa sử dụng hiệu quả đất đai, vừa giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động tại địa phương.

Anh tâm sự: “Đang loay hoay chưa biết làm thế nào thì tình cờ tôi đọc được bài viết trên Báo Kinh tế nông thôn (nay là Tạp chí Kinh tế nông thôn), trong đó có hướng dẫn về kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ và tư vấn địa chỉ mua giống thanh long ruột đỏ uy tín.

Từ đó, tôi thường xuyên truy cập vào Kinh tế nông thôn điện tử (kinhtenongthon.vn) để tìm đọc các bài liên quan đến cây thanh long ruột đỏ. Nhờ có những thông tin trên Kinh tế nông thôn mà tôi học được kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh trang trại”.

Hiện, anh Bình có hơn 700 trụ thanh long ruột đỏ cho quả được 4 năm, thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.

Thúc đẩy cơ quan chức năng hành động

Vai trò của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những sự kiện thời sự trong đời sống, mà còn ở việc định hướng thông tin tới công chúng. Bên cạnh đó, một bài báo hay, bình luận, phân tích sắc sảo cũng sẽ có tác động mạnh tới người làm chính sách. Các bài bình luận phân tích của báo chí trong các cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã có giá trị mở đường dư luận xã hội. Từ đó, cần có sự tiếp cận từ nhiều phía, báo chí đã tìm đến các chuyên gia kinh tế, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp để có cái nhìn khách quan, chứ không chỉ dựa theo ý kiến của người dân, thông tin từ các doanh nghiệp, giúp Chính phủ có hướng xử lý kịp thời.

Đồng thời, báo chí cũng tạo áp lực, thúc ép việc các cơ quan chức năng vào cuộc. Nhiều năm nay, báo chí luôn thông tin về hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhưng các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa có một giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Bởi thế, vai trò, chức năng giám sát, phản biện của báo chí ngày càng được khẳng định và sức mạnh của báo chí, niềm tin của công chúng đối với cơ quan báo chí cũng ngày được nâng cao.

Nhờ đi đến tận từng địa phương, gặp trực tiếp nông dân cần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, báo chí đã đi sâu vào thực tế, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con đến với các cơ quan chức năng, góp phần giúp tiêu thụ nông sản cho người dân.

Hai năm nay, do đại dịch Covid-19 hoành hành, báo chí không ngừng tuyên truyền hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch. Nhiều địa phương và các cơ quan Trung ương cũng đề ra nhiều giải pháp, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài vẫn cần có một chính sách kết nối từ Trung ương đến địa phương để giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan toả năng lượng tích cực, các kinh nghiệm tốt, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo thành sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển.

Truyền thông cần thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan

Làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện  Nghị định 17/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, bám sát thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung tổng thể, toàn diện theo tinh thần “mạnh hơn, hiệu quả hơn nữa”.

Thủ tướng lưu ý nghiên cứu, bổ sung một số nội dung mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số… những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện.

Công tác truyền thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông thực sự là một nguồn lực, là sức mạnh. Thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu để truyền thông là nguồn cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Xây dựng cộng đồng mạng lành mạnh, tích cực, thiết thực, có trách nhiệm với cộng đồng, vì lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích mỗi người.

https://kinhtenongthon.vn/thong-tin-bao-chi-cach-mang-thuc-day-hanh-trinh-xay-dung-dat-nuoc-cuong-thinh-post43207.html
 Theo Dương Thanh/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập387
  • Hôm nay42,037
  • Tháng hiện tại838,735
  • Tổng lượt truy cập90,902,128
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây