Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá và so sánh chi phí và lợi ích của việc sơ chế hàng hóa tại nguồn, để các bên tìm tiếng nói chung trong việc sản xuất và phân phối, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đơn vị tham gia nhằm thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường và quản lý rác thải trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, sản lượng hàng nhập chợ bình quân hàng đêm hiện nay tại 3 ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm của TP là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn ước đạt 9.205 tấn/đêm. Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 ba chợ đầu mối ước đạt 240 tấn/ngày, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm gần 90%. Để xử lý hết toàn bộ lượng rác thải này, ban quản lý 3 chợ đầu mối phải tốn chi phí hơn 2 tỷ đồng/tháng cho công tác thu gom, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vận chuyển và xử lý rác tại chợ, tương đương gần 67 triệu đồng/ngày. Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, nếu sơ chế sẽ giảm đuợc chi phí vận chuyển, giảm thiểu tỷ lệ hao hụt trong quá trình bảo quản, từ đó nâng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất, việc thực hiện sơ chế, đóng gói hàng nông sản tại nguồn, đã đi vào giai đoạn chín muồi vì xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người tiêu dùng. Cách làm này sẽ góp phần kéo giảm lượng rác thải đưa vào TP, đồng thời tiến tới việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, làm cơ sở quan trọng để xây dựng 3 chợ đầu mối nông sản là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn trở thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm theo chủ trương của TP, hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để thực hiện thành công phải bắt đầu từ chính các chợ đầu mối, mà cụ thể là từ các thương nhân đang kinh doanh tại đây. Nói cách khác, phải dùng biện pháp thị trường là nơi phân phối để thúc đẩy sản xuất phải “chạy” theo nhu cầu thị trường, từ đó hình thành chuỗi sản xuất và phân phối cho phù hợp.
Nhiều nhà vườn, HTX tại Lâm Đồng cho hay, để có nguồn cung ổn định, lâu nay thương nhân tại các chợ đầu mối đã tự liên kết với các nhà vườn tổ chức thu mua tại chỗ rồi chở hàng trực tiếp về chợ mà không qua sơ chế đầu nguồn nên đây cũng là vấn đề cần xem lại. Do vậy, cần thay đổi nhận thức trước hết của người mua hàng để bắt tay với các nhà vườn cùng thực hiện.
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm là cần đưa ra các tiêu chí cụ thể về chất lượng, quy cách, bao bì, dán nhãn đối với từng mặt hàng đã được sơ chế để các bên cùng thực hiện. Cũng cần một lộ trình triển khai, thực hiện một cách cụ thể, cách quản lý của các cơ quan nhà nước sẽ xử lý ra sao nếu để xảy ra tình trạng hàng hóa không đảm bảo yêu cầu nhưng vẫn được đưa vào chợ. Điều quan trọng, nhà nước phải tốt hơn nữa vai trò “bà đỡ” trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn để đầu tư nhà xưởng sơ chế, đóng gói, cũng như các chính sách ưu tiên trong quá trình phân phối để tạo động lực bà con yên tâm thực hiện. Theo đó, việc thực hiện sơ chế, đóng gói phải được triển khai một cách đồng bộ giữa 3 chợ đầu mối, tại các thương nhân và nhà vườn mới có thể tạo hiệu ứng lan toả chung, tiến tới thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với 100% lượng hàng nông sản khi đưa vào chợ nói riêng và thị trường TPHCM nói chung.
Phát biểu kết luận, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, thực hiện sơ chế, đóng gói là một chương trình rất có ý nghĩa, tác động đến nhiều mặt của kinh tế - xã hội TP, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân nhưng không thể triển khai một sớm, một chiều mà cần có sự bàn bạc, thống nhất cách làm một cách kỹ lưỡng, bài bản. Hiện nay, ban quản lý 3 chợ đầu mối đã yêu cầu các thương nhân chỉ kinh doanh sản phẩm đã được sơ chế đối với 2 mặt hàng là cà rốt và củ cải trắng. Tiến tới sẽ triển khai đối với bắp cải, cải thảo và một số mặt hàng khác. TPHCM sẽ phối hợp với Lâm Đồng để xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu chất lượng và quy cách đóng gói cho từng mặt hàng cụ thể. Trước mắt, TPHCM chỉ cần làm sạch và đóng gói, chưa đặt nặng vấn đề nhãn hiệu và quy cách hàng hóa, cũng như truy xuất nguồn gốc. Các bên cũng tập trung tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng, chỉ sản xuất và hàng hóa các mặt hàng đã qua sơ chế, từng bước đẩy lùi hàng hóa kém chất lượng trên thị trường.
Phía TPHCM mong muốn tỉnh Lâm Đồng cần có biện pháp để hỗ trợ cho bà con nông dân trong việc thực hiện sơ chế, đóng gói để có thể triển khai một cách đồng bộ trong thời gian tới.