Đến nay, quá trình chuyển đổi trồng rừng sản xuất sang rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ đang ngày càng lan tỏa với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo. Đơn cử, như Công ty CP Phát triển rừng bền vững là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Ba Chẽ nghiên cứu, trồng thử nghiệm 2ha giổi xanh bản địa kết hợp trồng ba kích dưới tán.
Anh Nguyễn Xuân Tĩnh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển rừng bền vững, cho biết: Qua trồng thử nghiệm cây giổi xanh bản địa kết hợp trồng ba kích dưới tán, chúng tôi thấy mô hình này rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình hiện nay sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến, khoảng 2 năm tới, sẽ cho thu hoạch cả ba kích và hạt giổi.
"Với giá thị trường hiện nay khoảng trên 1 triệu đồng/kg hạt giổi ,mô hình này có thể cho nguồn thu hàng tỷ đồng/năm. Nếu duy trì được diện tích giổi lấy gỗ lâu năm, đây thực sự là mô hình phát triển bền vững cho người nông dân", anh Tĩnh nhấn mạnh.
Trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ trồng, mà còn góp phần phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái... Xác định rõ điều đó, thời gian qua, ngành chức năng huyện Ba Chẽ đã khuyến khích các hộ trồng rừng theo hướng này. Hiện nay đã có rất nhiều hộ dân trong huyện đăng ký thực hiện mô hình với diện tích lên đến hàng chục ha.
Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ba Chẽ, cho biết: Địa phương hiện có 16.400ha rừng sản xuất, chiếm 1/3 diện tích rừng toàn tỉnh, tỷ lệ che phủ rừng đạt 72%. Từ năm 2018, huyện xây dựng Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2019-2025. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha.
“Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng các loài cây bản địa, cây có chu kỳ kinh doanh dài, như lim, lát, thông mã vĩ, thông nhựa, quế, sa mộc.... ưu tiên vốn hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn tại các khu vực rừng đầu nguồn sông suối, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt để duy trì nguồn sinh thủy, phòng chống sạt lở, lũ quét” ông Vinh nói thêm.
Với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu các mô hình phù hợp, hiệu quả, cùng các giải pháp tuyên truyền, vận động của chính quyền, diện tích trồng rừng gỗ lớn tại huyện Ba Chẽ đã từng bước được nhân rộng tại một số xã, thị trấn trên địa bàn.
Nhận thức của nhiều hộ trồng rừng thay đổi tích cực, chủ động chuyển hóa rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn. Đặc biệt, để tạo sự bền vững trong chuyển đổi trồng rừng cây gỗ lớn, Ba Chẽ đã xây dựng và đưa vào hoạt động vườn ươm giống cây lâm nghiệp rộng 4,2ha.
Đến nay, địa phương đã ươm thành công 650.000 cây lim xanh, giổi xanh bản địa bằng cả phương pháp gieo hạt truyền thống và ghép, nhằm phục vụ trồng 650ha rừng. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều so với rừng gỗ nhỏ.
Bên cạnh đó, trồng rừng kinh doanh gỗ lớn cũng giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng nên giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác, trồng lại rừng gây ra.
Tại xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, hiện nay có nhiều diện tích rừng trồng đã có trên 5 năm tuổi và đến kỳ thu hoạch, người dân tiến hành tỉa thưa giữ lại những cây to, khỏe mạnh để chuyển qua thành rừng gỗ lớn. Điển hình như hộ gia đình anh Triệu Kim Phượng, thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc là một trong những hộ tiên phong trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn xã.
“Gia đình tôi đã chuyển 5ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn với các giống quế, sa mộc. Đến nay diện tích rừng của gia đình phát triển rất tốt. Theo tìm hiểu của tôi, việc trồng gỗ lớn cho lợi nhuận gấp nhiều lần trồng gỗ nhỏ thông thường. Cây gỗ lớn trồng từ 8-12 năm cho lãi trên 500 triệu đồng/ha tùy vào độ phì nhiêu của đất”, anh Phương cho hay.
Tính riêng năm 2020, huyện Ba Chẽ thực hiện trồng rừng mới đạt trên 3.000ha, nâng độ che phủ rừng đạt 72%, trong đó trồng mới 520ha cây gỗ lớn với các loài cây chủ yếu như: Sa mộc, lim, thông mã vỹ, keo tai tượng, keo lai và các loài cây bản địa như dổi, lát hoa..., đưa diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn lên gần 1.000ha.
Địa phương này xác định, năm 2021 sẽ thực hiện trồng rừng gỗ lớn đạt 650ha, chủ yếu là các loại cây sa mộc, lim, thông mã vĩ và các loài cây bản địa như giổi, lát hoa... Đồng thời, trồng cây phân tán với số lượng 9.000 cây trong năm 2021 đối với những diện tích đất nhỏ lẻ, phân tán, không nằm trong quy hoạch trồng rừng tập trung nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán, tạo cảnh quan, bóng mát, phòng hộ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu sử dụng gỗ của nhân dân.
Cùng với đó, Ba Chẽ cũng tích cực tìm kiếm, phát triển hệ thống các đơn vị cung cấp, phân phối giống cây lâm nghiệp, đảm bảo chất lượng. Giải ngân kịp thời kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, HTX đã thực hiện trồng rừng theo đúng định mức, đúng đối tượng, đúng thời gian quy định.
Triển khai chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến gỗ rừng trồng và dược liệu. Tạo điều kiện để các hộ gia đình liên kết cùng doanh nghiệp sản xuất tạo thành chuỗi sản phẩm...
Ba Chẽ cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được hiệu quả kinh tế của mô hình trồng rừng gỗ lớn. Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện, nếu so sánh với một chu kỳ trồng rừng gỗ nhỏ từ 5-7 năm việc tỉa thưa, mở rộng không gian dinh dưỡng cho rừng tại thời điểm rừng gỗ nhỏ chuẩn bị đến kỳ thu hoạch và tiếp tục trồng thêm đến chu kỳ khai thác 13-15 năm sẽ giúp nâng trữ lượng rừng lên khoảng 350m³/ha.
https://nongnghiep.vn/trong-ba-kich-duoi-tan-gioi-xanh-d286832.html
Theo Anh Thắng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã