Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm thực phẩm hữu cơ hiện đang chỉ chú trọng về việc không dùng hoá chất, giống biến đổi gen, không phun thuốc trừ sâu chứ chưa thực sự được đầu tư đúng cách. Thế giới đang đi theo xu hướng thực phẩm sạch với các tiêu chí không thuốc trừ sâu độc hại; mang lại lợi ích kinh tế và sức khỏe; các loại thực phẩm sinh học (probiotic) ngày càng hấp dẫn, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Một báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ năm 2017 cho thấy, 86% người tiêu dùng Việt Nam khi được phỏng vấn sẽ chọn các sản phẩm về địa phương, tự nhiên và hữu cơ khi có thể. Dựa trên những số liệu được nghiên cứu kể trên cùng với sự xuất hiện của thực phẩm bẩn, không an toàn, kém chất lượng trong một vài năm gần đây tại Việt Nam cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch ngày càng cao.
Vì vậy, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch an toàn và thực phẩm hữu cơ trở thành xu hướng tất yếu phát triển của ngành nông nghiệp. So với vài năm trước, các loại thực phẩm hữu cơ có chứng nhận quốc tế do Việt Nam sản xuất trên thị trường đã đa dạng hơn với gạo, rau củ quả, thủy sản, sữa, dừa, các loại hạt… Nhưng vẫn còn thiếu trứng, thịt là những thực phẩm quen thuộc của người Việt. Theo tính toán, người tiêu dùng Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,7 triệu EUR giá trị thực phẩm hữu cơ hàng năm.
Trong bối cảnh ngành thực phẩm hữu cơ trong nước vẫn chưa được quản lý một cách bài bản và đầy đủ, người tiêu dùng có thể tìm đến các nguồn cung thực phẩm hữu cơ chất lượng cao đến từ châu Âu, đặc biệt là các sản phẩm có logo EU Organic. Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet cho biết, an toàn thực phẩm là một trong những nỗi lo ngại lớn nhất tại Việt Nam. Người tiêu dùng Việt đang ngày càng có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm không chứa hóa chất hay những sản phẩm hữu cơ. Theo Viện Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, thực phẩm hữu cơ đã trở thành một xu hướng tiêu dùng mới, tuy chưa phổ biến rộng khắp mà phần lớn được biết đến ở thị trường thành thị và người tiêu dùng có thu nhập khá.
Tuy nhiên, cả nước hiện có đến 33 tỉnh, thành phố có sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đưa Việt Nam trở thành 1/170 quốc gia tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ. Về tiêu thụ, đã có một số thương hiệu sản phẩm hữu cơ của doanh nghiệp Việt được biết đến như Vinamit, Gạo ST 24, sản phẩm dừa chế biến Betrimex... Hiện nay tại các thành phố lớn, sản phẩm hữu cơ được bày bán tràn lan nhưng nguồn gốc, chất lượng cụ thể ra sao thì người mua rất khó kiểm chứng. Các chuyên gia về hữu cơ tại Việt Nam nhìn nhận, tình trạng bát nháo trong thị trường thực phẩm hữu cơ như chúng ta thấy hiện nay do hai lý do: các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ vẫn chưa thật hiểu rõ bản chất của mô hình nông nghiệp hữu cơ như thế nào và không ít người kinh doanh lợi dụng "cơn khát" thực phẩm hữu cơ của người Việt để trục lợi. Nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm hữu cơ đã thú nhận các sản phẩm được bán trên thị trường thật ra là rau sạch.
Theo các chuyên gia về hữu cơ, muốn trồng một sản phẩm hữu cơ đúng chuẩn, có nhiều yếu tố nhưng 3 yếu tố quan trọng trong hạ tầng canh tác là đất – nước – không khí đều phải sạch. Đối với đất: phải hoàn toàn tự nhiên, chưa bị ngấm thuốc trừ sâu hay phân hoá học. Nếu sử dụng đất canh tác đã sử dụng 2 thành phần trên, nhà sản xuất phải “bỏ không” miếng đất khoảng 5 năm. Một lựa chọn khác để có đất sạch là cải tạo đất rừng sinh thái thành đất nông nghiệp, cách này nhanh hơn một chút nếu so với cách “giải độc” cho đất nhưng gia tăng chi phí đầu tư tổng thể, ví dụ: cơ sở hạ tầng tưới tiêu, vận chuyển, kho bãi, nhà máy chế biến.
Đối với nước: nguồn nước phải sạch, không bị ô nhiễm hoặc có các kim loại nặng. Tại Việt Nam, để có nguồn nước đạt chuẩn canh tác hữu cơ, chủ nông trại thường phải trang bị hệ thống lọc với công suất đủ lớn. Đối với không khí: cũng phải sạch, không ô nhiễm, muốn thế, nông trại hữu cơ phải cách ly càng xa càng tốt với các khu dân cư cũng như các hoạt động công nghiệp của con người nhằm tránh nguy cơ bị lây lan ô nhiễm. Ông Florian Mathieu - Giám đốc Công ty Chateau De Manissy - đánh giá, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển thực phẩm hữu cơ, vì quỹ đất nông nghiệp lớn và nhu cầu cao từ người tiêu dùng.
Cũng như ông Florian Mathieu, ông Joonas Püvi, đại diện Công ty Salvest - nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ dành cho trẻ em cho rằng, thị trường thực phẩm hữu cơ Việt Nam có rất nhiều cơ hội, đặc biệt trong phân khúc thực phẩm hữu cơ trẻ em. Thu nhập người dân đang gia tăng và người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền để mua thực phẩm chất lượng cao hơn. Hiện ngành nông nghiệp đang thực hiện các bước để tăng cường hệ thống ghi nhãn thực phẩm cho các sản phẩm hữu cơ, thông qua việc xây dựng một tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành chính thức các quy chế để kiểm soát sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Nhận định của các chuyên gia cho rằng, ngày càng đông DN thực phẩm EU tới Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng Việt được tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều này cũng đặt câu hỏi cho các DN Việt, nếu không nhanh chóng đầu tư thì các sản phẩm nhập khẩu sẽ có nhiều cơ hội thế chân ngay trên sân nhà./.
Cẩm Tú/congluan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã