Giải quyết nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm! Đó là điểm cộng đầu tiên khi chúng ta nói đến nông nghiệp hữu cơ. Thực tế xã hội hiện nay, người dân đang dần hoang mang dẫn đến nghi ngờ và tiến tới nói không với sản phẩm có dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thực phẩm sạch, nông sản an toàn là mong muốn của toàn xã hội. Vấn đề trên không chỉ gói gọn trong tiêu dùng trong nước mà chính là hướng đến nông sản sạch, bền vững và xuất khẩu bền vững. Tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất từ trong nước đến quốc tế đều có như quản lý dịch hại IPM/ICM, Việt Gap, Gobal Gap (tên gọi mới EURE Gap) hay ISO... đã ứng dụng, áp dụng từ lâu nhưng vì sao đến nay vẫn còn giá trị thời sự nóng hổi. Câu trả lời là vì sự hám lợi và thiếu hiểu biết của một bộ phận người sản xuất và nhất là kiểu làm ăn chộp giật đã thành thói quen xấu và khó bỏ, nhưng thực chất chính là do chúng ta chưa đủ cả tâm, tầm và nền móng xây dựng cho nó. Thời điểm hiện tại, khi đặt ra vấn đề hữu cơ hóa, dần dà xóa bỏ dư lượng hóa chất, độc tố cao trong nông sản đối với cây trồng, vật nuôi là mong muốn không chỉ người tiêu dùng mà của chính người sản xuất. Không ai sản xuất ra sản phẩm mà để người mua cứ mãi quay lưng. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ thực tiễn là sản xuất chú trọng yếu tố tự nhiên, bảo đảm cho sức khỏe người sản xuất lẫn tiêu dùng truyền thống lâu đời. Nhìn nhận lại quá trình phát triển hàng nghìn năm của nông nghiệp nước ta, kéo dài từ nghèo nàn, lạc hậu sang nông nghiệp tự cung tự cấp và nay là xuất khẩu nhiều mặt hàng chiến lược giá trị hàng tỷ đô la thì thấy rõ sự phát triển là đáng hoan nghênh. Vậy nhưng, hàng nông sản Việt có bao giờ hiên ngang bán giá cao, đánh giá là sản phẩm sạch, an toàn nhất khi đưa ra so sánh sản phẩm cùng loại của quốc gia khác. Và một khi nguồn tài nguyên đất, sinh thái dần cạn kiệt thì sự phát triển của khoa học kỹ thuật lại không tương xứng dẫn đến người nông dân phải bám vào những yếu tố kích thích từ nguồn phân thuốc vô cơ độc hại nhằm tăng năng xuất, sản lượng và đó là nguyên nhân chính dẫn đến thực phẩm mất an toàn và không thể xuất khẩu. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đánh giá: “Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đã biết từ lâu nhưng lại chỉ mới quan tâm thời gian ngắn gần đây khi việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông sản đến mức báo động. Do đó, nâng cao chất lượng nông sản nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản và thân thiện môi trường chính là mục tiêu hướng tới trong tương lai”. Nông nghiệp hữu cơ phải khai thác tổng hợp tất cả các yếu tố tự nhiên sẵn có như: Độ phì của đất; sử dụng nguồn gen, giống cây trồng bản địa thích nghi, khai thác hợp lý nguồn nước, thời vụ và các nguồn phân hữu cơ. Và đặc biệt, chính việc ứng dụng tốt nông nghiệp hữu cơ chính là giải quyết rốt ráo, cơ bản nhất trong hạn chế tối đa các hóa chất gây độc hại cho cây trồng và môi trường sống như phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng, hóa chất bảo quản... Và trên hết, cũng theo Cục Trồng trọt: “Góp phần vào xây dựng một nền nông nghiệp an toàn cần phải đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển ổn định và bền vững, không những sản xuất làm tăng năng suất, sản lượng mà còn bảo đảm chất lượng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm cung cấp cho mọi người dân các sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa các tác động của biến đổi khí hậu cũng như sản xuất nông sản tốt hơn. Và đó phải là các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ”. Thách thức từ chính nội tại Lợi thế là vậy, nhưng khi chính thức bắt tay vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì hàng loạt các yếu điểm đã bộc lộ từ những ý tưởng, mô hình đến chính sách vi mô lẫn vĩ mô. Cái bất lợi đầu tiên đã được chính những chuyên gia từ Cục Trồng trọt chỉ rõ: Biện pháp sinh học đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM đã được thực tiễn chứng minh tại nước ta từ những năm 1990. Vậy nhưng, từ số lượng tên thương phẩm của chế phẩm sinh học có tăng nhưng lượng sử dụng lại hạn chế. Quy mô sản xuất các chế phẩm sinh học trong nước còn nhỏ, chưa thể đáp ứng đủ để phòng chống dịch khi xảy ra. Việc bảo quản chế phẩm sinh học lại khó khăn, mà vùng trọng điểm canh tác lại ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, việc đầu tư kinh phí nghiên cứu chuyển giao ứng dụng chế phẩm sinh học chưa nhiều, thường xuyên. Và vấn đề cốt lõi cũng từ công nghệ khi hầu hết các chế phẩm sinh học sản xuất thủ công trong nước giá thành đắt, nhập khẩu thì cũng cao hơn chính các sản phẩm hữu cơ. Một vấn đề đặc biệt lưu tâm khác chính là tính phổ quát và khả năng chịu đựng nguồn vốn của người sản xuất mà ở đây chính là người nông dân Việt Nam là yếu, nhỏ lẻ. Trong khi việc đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ sức chịu của năng lực tài chính là rất cao, phải theo đuổi đường dài, chấp nhận chịu thiệt thòi những năm đầu. Sản xuất hữu cơ cơ bản là phương pháp thủ công, chịu nhiều tốn kém nên năng suất lao động thấp, giá thành vượt gấp 2 đến 3 lần so với canh tác bình thường tức dùng phân thuốc vô cơ, trong khi giá bán hiện lại chẳng hơn là bao và thị trường thì vẫn thế, vàng thau lẫn lộn. Một số liệu nghiên cứu của Bộ NN và PTNT phối hợp Hội Nông dân Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nông dân Việt Nam có diện tích ứng dụng hữu cơ trong sản xuất năm 2015 vừa qua gần như đứng yên so với con số năm 2010 đạt 2% tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước. Tiến sĩ Hoàng Văn Tám, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam nhìn nhận: “Con số thống kê cho thấy, ước lượng phân hữu cơ truyền thống chỉ thể đáp ứng dưới 20% nhu cầu phân hữu cơ hiện tại. Hơn 80% còn lại chỉ có thể được cung cấp bằng phân hữu cơ chế biến. Vậy nhưng, hiện nay cả nước chỉ có khoảng 500 cơ sở sản xuất phân hữu cơ, sản lượng khoảng hơn 600 nghìn tấn/năm là quá ít”. Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Anh Pháp của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long thuộc Đại học Cần Thơ thừa nhận: “Hàm lượng chất dinh dưỡng trong phân hữu cơ thấp nên phải bón số lượng lớn. Phân hữu cơ là vật liệu sống, nếu bảo quản vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ cao hơn 30 độ C hoặc có ánh nắng trực tiếp lại làm kém hiệu quản sử dụng. Và đặc biệt, nếu không bảo quản sử dụng đúng cách thì chính phân hữu cơ tác dụng tốt cho bệnh này nhưng lại mang mầm bệnh khác cho cây trồng nếu phân được chế biến từ các chất thải hoặc chứa kim loại nặng và vi sinh vật vượt quá mức”. Không dừng lại ở những bất cập trên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có tổ chức nào đủ tư cách pháp nhân lẫn trình độ xây dựng quy chuẩn để cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Chính do yếu tố đó mà các sản phẩm nông sản sản xuất hữu cơ xuất khẩu lại phải nhờ vả từ các tổ chức nước ngoài như IOM, AS, Control Uni-on, liên hiệp kiểm soát SKAL, ICEA, ACT... Mỗi tổ chức, quốc gia có quy chuẩn, đạt nơi này, nơi khác không nhận và ngược lại nên cứ loay hoay mãi chẳng biết đâu mà lần. Và mấu chốt cuối cùng vẫn là chính sách khi chúng ta đã, đang gắng sức vì nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hiện đại thì chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp vẫn chưa có. Chỉ mỗi năm 2012 có quyết định 01/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bao gồm hữu cơ nhưng lại chỉ hỗ trợ cho an toàn/GAP. Vậy nên để có được một nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại gần như là ước mong của những nông dân chỉ biết đi xe đạp nhưng đang bị buộc gồng mình bắt lái máy bay! Theo Hải Thư/nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã