Sáng 9/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị phát triển phân bón hữu cơ với sự tham gia của gần 300 đại biểu.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và được sử dụng với số lượng lớn hàng năm để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Việc sản xuất và sử dụng phân bón đúng cách, cân đối sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.
Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại. Tuy nhiên, hiện nay theo ước tính, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với phân bón hữu cơ (713 sản phẩm hữu cơ và 13.423 sản phẩm vô cơ). Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài đã gây ô nhiễm cho môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ tại Việt Nam là rất lớn. Việt Nam hiện có hơn 20 triệu ha đất canh tác, nếu bình quân mỗi ha sử dụng 10 tấn phân hữu cơ, tương lai Việt Nam sẽ cần hơn 200 triệu tấn phân bón hữu cơ. Đến thời điểm này Việt Nam đã có 43.000ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều bà con ứng dụng bón phân hữu cơ trong sản xuất.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: C.A) |
“Về nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, chúng ta có nhiều thuận lợi, riêng phế phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60-70 triệu tấn/năm, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn, bên cạnh đó chúng ta có phân bùn rất giá trị để sản xuất chế biến phân bón hữu cơ. Đây là những cơ sở hết sức thuận lợi để phát triển sản xuất phân bón hữu cơ. Kể cả yêu cầu trong nước và thế giới, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch hữu cơ, chúng ta hoàn toàn có đủ nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ, đấy là những điều cốt yếu để chúng ta phát triển ngành này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc tập trung phát triển sử dụng phân bón hữu cơ đang là một xu hướng tất yếu và đã đến lúc phải tập trung đồng thời các nhóm giải pháp 3 trục, từ giải pháp của chính phủ, các giải pháp của doanh nghiệp và các giải pháp khuyến khích người dân sử dụng.
Về năng lực sản xuất phân bón hữu cơ, cả nước hiện có 180 doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% trên tổng số 735 doanh nghiệp sản xuất phân bón đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cấp phép với quy mô công suất lớn nhỏ khác nhau (từ 20.000 đến 500.000 nghìn tấn/năm).
Với mục tiêu chung là phát triển phân bón hữu cơ đảm bảo hiệu quả, bền vững góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Hội nghị đã đề ra một số giải pháp cụ thể: Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác quản lý phân bón; Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích ưu tiên sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguyên liệu sẵn có trong nước; Tạo điều kiện thuận lợi về đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm này; Xây dựng quy hoạch quốc gia về sản xuất phân bón, nâng dần tỷ trọng sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; Đẩy mạnh hợp tác song phương, thu hút đầu tư, tranh thủ nguồn lực của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế để chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả các công nghệ mới, tiên tiến phù hợp điều kiện thực tế Việt Nam nhằm phát triển phân bón hữu cơ…
Theo Châu Anh/baoquocte.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã