Trồng lúa hữu cơ kết hợp với nuôi thả vịt |
Nông sản hữu cơ là thực phẩm không còn xa lạ với người tiêu dùng tại Thừa Thiên Huế, được nhiều người sử dụng. Sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Dù có hình thức, mẫu mã chưa "bắt mắt", nhưng phần đông người tiêu dùng đều yên tâm về chất lượng NSHC. Chị Đặng Thị Huế - phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy - chia sẻ, dù giá các sản phẩm rau an toàn, NSHC đắt hơn từ 5 - 10% so với sản phẩm cùng loại bán ở chợ, song chị luôn chọn mua vì yên tâm về chất lượng.
Không phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng…, những tiêu chuẩn trong quy trình sản xuất nông sản sạch đang áp dụng tại nhiều mô hình sản xuất NSHC ở Thừa Thiên Huế đã góp phần đem lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) - chia sẻ, doanh nghiệp muốn tồn tại thì kinh doanh, sản xuất phải có "tâm". Với tôn chỉ đó, NSHC Quế Lâm luôn thực hiện quy trình sản xuất gắn liền với nước sạch, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, tạo sản phẩm nông sản có hàm lượng dinh dưỡng, giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại, góp phần bảo vệ môi trường và cho hiệu quả kinh tế. Sau một thời gian đưa giống lúa mới chất lượng cao BT7 và DT39 sản xuất thử nghiệm trên cánh đồng xã Phú Lương (huyện Phú Vang), đến nay, công ty đã phát triển trên 300ha thuộc địa bàn các huyện Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà. Anh Lê Hữu Phước - thôn Lê Xá Tây, xã Phú Lương - phấn khởi cho biết, khi Quế Lâm đưa giống lúa mới về, sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, dù khó hơn trước nhưng bà con nông dân được hướng dẫn kỹ thuật, tuyệt đối không dùng các hóa chất mà chỉ được sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất. Công ty bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, đầu ra ổn định, nên bà con rất yên tâm.
Phương pháp canh tác hữu cơ đối với người nông dân không khó. Tuy nhiên, năng suất, sản lượng, hiệu quả của NSHC không cạnh tranh nổi với sản phẩm phi hữu cơ. Các loại cây trồng nếu không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu thì cây trồng sẽ phát triển chậm, màu sắc không bắt mắt, khó cạnh tranh với sản phẩm phi hữu cơ đang tràn ngập trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt - cho biết, những sản phẩm hữu cơ do đơn vị sản xuất, liên kết sản xuất đưa ra thị trường đều có chữ "tâm" trong đó. Tuy mới thành lập, nhưng Huế Việt đã khẳng định mình với người tiêu dùng. Để kiểm soát chất lượng, có nhiều sản phẩm phong phú và ổn định, công ty làm việc với hợp tác xã và các hộ dân tại xã Hương Vân (huyện Hương Trà) và Điền Lộc (huyện Phong Điền), thuê 3ha đất lâu dài trồng các loại rau màu, vật nuôi và 8ha trồng lúa hữu cơ…
Nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu trong phát triển và hội nhập. Để đạt hiệu quả nhanh, bền vững, ngoài nâng cao nhận thức trong cộng đồng, cần cơ chế đặc thù để người dân yên tâm sản xuất, góp phần làm ra những sản phẩm sạch cho thị trường. Hiện nay, tại Thừa Thiên Huế, các đơn vị sản xuất NSHC đã liên kết với bà con nông dân trên địa bàn, mở ra triển vọng sản xuất NSHC mang tính hàng hóa, giúp người nông dân phát triển bền vững. Quan trọng hơn cả là giải được "bài toán" về tiêu thụ sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Với những cánh đồng hữu cơ đang ngày được mở rộng, người dân Thừa Thiên Huế có thể vui về tương lai của những hạt lúa, con tôm, con cá… hữu cơ trên đồng đất ấy. |
Theo Hoàng Dương/baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã