Tỉnh Bình Phước được biết đến là địa phương có lợi thế về nông nghiệp, chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Những năm gần đây, Bình Phước đang thực hiện những bước đi đầu tiên trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu đạt được những thành quả nhất định.
Việc triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở Bình Phước nhờ điều kiện tự nhiên, khí hậu khá phù hợp. Toàn tỉnh đã phát triển Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 1.000 ha đất không có rừng. Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như dưa lưới, các loại rau... đã được các siêu thị lớn bao tiêu, có sản lượng khá cao và tiêu thụ tốt, mang lại thu nhập ổn định cho nhà đầu tư.
Việc trồng thành công mô hình sản xuất dưa lưới, xà lách, bơ sáp theo mô hình công nghệ cao đã được tỉnh Bình Phước chuyển giao cho một số hợp tác xã, hộ nông dân thực hiện. Ngoài dưa lưới, xà lách, bơ thì một cây trồng chủ lực của tỉnh là cây điều đã được tuyển chọn xong bộ giống gồm 5 giống điều địa phương có khả năng thích nghi với thời tiết, cho chất lượng - năng suất cao.
Ông Huỳnh Văn Hải, chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao cho biết, điểm đặc biệt ở Bình Phước là những mô hình áp dụng công nghệ cao được đưa vào ứng dụng, sản xuất được sản phẩm tốt và giá thành giảm để người người tiêu thụ tiếp cận được sản phẩm tươi sạch, đảm bảo sức khỏe an toàn cho mọi người.
Tuy nhiên, một khó khăn lớn khi ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện nay là vốn đầu tư lớn, phụ thuộc nguồn giống của nước ngoài. Theo tính toán, cần nguồn vốn ít nhất là 400 triệu đồng để đầu tư nhà màng trồng dưa lưới thủy canh với hệ thống tưới tiêu đạt chuẩn, còn mức đầu tư cho trồng rau xà lách lên tới 1,5 tỷ đồng tùy công nghệ sử dụng.
Ông Đinh Công Hoàn, nông dân xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết, ngoài khó khăn về kinh phí đầu tư thì cơ chế pháp lý về đất đai cũng là một rào cản khiến cho người nông dân khó tiếp cận các mô hình nông nghiệp hiện đại.
“Khó khăn với người dân là cơ chế đất đai chưa ổn định. Nhà nước cần giúp đỡ cho nhà nông về sổ sách đất đai để họ có thể tiếp cận làm ăn lâu dài”, ông Hoàn cho biết.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, từ nay đến năm 2020, định hướng của tỉnh là tập trung chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và một số tiêu chuẩn quốc tế khác đạt khoảng 15% - 30% diện tích; tập trung vào một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh như điều, tiêu và một số loại rau củ quả để cung ứng cho các tỉnh lân cận trong đó có TP HCM.
Ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết, điều đáng mừng là HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, trong đó xác định xây dựng, khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chính sách này đã được chuẩn bị rất kỹ.
Các chuyên gia cho rằng, muốn áp dụng thành công các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước, cần lựa chọn công nghệ có giá thành hợp lý để bà con nông dân dễ tiếp cận.
Với thị trường rộng mở và tiềm năng, điều quan trọng nhất là lãnh đạo tỉnh Bình Phước quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để bà con nông dân chuyển đổi mô hình từ nông nghiệp quảng canh, giá cả bấp bênh sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao./.
Theo Duy Phương/vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã